Theo Giấy phép dịch chuyển, chặt hạ cây xanh mà Sở Xây dựng cấp cho Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội hồi tháng 8/2016, Ban quản lý được phép dịch chuyển chặt hạ, cắt tỉa tất cả 109 cây xanh. Trong đó, sẽ dịch chuyển 106 cây (103 cây phát triển bình thường đang nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng, 3 cây có dấu hiệu sâu mục cần dịch chuyển về vườn cây để chữa trị), chặt hạ 2 cây chết nằm trong chỉ giới xây dựng của công trình và cắt tỉa 1 cây có cành vươn vướng vào mặt bằng thi công dự án.
Đơn vị thực hiện điều chuyển cây xanh lần này là Công ty CP Beepro. Thời gian dự tính thực hiện xong là 90 ngày. Kinh phí thực hiện điều chuyển sẽ do Ban quản lý các dự án đường sắt đô thị Hà Nội chi trả.
Công tác cắt tỉa, điều chuyển cây xanh đã bắt đầu thực hiện từ ngày 16/9, trước sự giám sát công khai của Sở Xây dựng Hà Nội, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và đại diện UBND phường Ngọc Khánh, Ba Bình. Các cây có đường kính dưới 40cm sẽ được di dời trước, sau đó mới đến các cây xà cừ có đường kính lớn hơn 40cm.
Theo ông Võ Nguyên Phong – Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, các cây sẽ được di dời về vườn ươm Văn Giang (Hưng Yên, vườn ươm của Công ty Beepro). Công tác dịch chuyển trên tinh thần cao nhất là cứu sống, duy trì và nuôi dưỡng cây tiếp tục phát triển.
Đơn vị thực hiện dịch chuyển phải phối hợp chặt chẽ với UBND phường Ngọc Khánh, Ban quản lý các dự án đường sắt đô thị và các cơ quan, đơn vị liên quan để thông tin công khai, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời phải phối hợp với Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đo đạc, kiểm kê khối lượng củi, gỗ (nếu có) và xử lý theo quy định… Quá trình dịch chuyển, chặt hạ cây đảm bảo tuyệt đối an toàn và vệ sinh môi trường khu vực.
Được biết, trong toàn bộ dự án thi công tuyến đường sắt số 3 đoạn Nhổn – Ga Hà Nội, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội phải di chuyển, cắt sửa trên 500 cây.
Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội dài khoảng 12km khởi công lần đầu năm 2006, dự kiến xong vào cuối năm 2010. Đây là tuyến metro phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển Giao thông vận tải đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nó hướng đến phát triển toàn diện hệ thống hạ tầng theo định hướng hiện đại để nâng cao năng lực của giao thông công cộng, đáp ứng các yêu cầu về mặt kinh tế và xã hội của Thủ đô. Nhưng tiến độ dự án khá chậm chạp. Cuối năm 2010, dự án được đưa ra khởi công lại lần 2, “di dời” tiến độ vào cuối năm 2015. Nhưng rồi lại đẩy sang năm 2016.
Trước sự chậm trễ của dự án, tháng 5/2016, UBND TP Hà Nội đã có Thông báo số 95/TB-UBND để đẩy nhanh dự án tuyến đường sắt số 3. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp phụ trách chung công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố, trong đó, có dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm. Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tăng cường nhân sự cho phòng GPMB để phối hợp với UBND các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa tập trung đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng thi công các ga ngầm cho nhà thầu...
UBND thành phố cũng có phương án kỹ thuật di chuyển các cây xanh liên quan đến dự án sang vị trí khác. Thành phố giao cho Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội nhận chuyển giao công nghệ từ một số đối tác nước ngoài để di chuyển cây xanh bằng thiết bị công nghệ hiện đại, đảm bảo các cây xanh sẽ sống được khi di chuyển đến địa điểm trồng mới…