Aa

CEO FiinGroup: Chủ trương vĩ mô rất đúng nhưng vẫn “ách tắc“ ở các giải pháp cụ thể

Thứ Năm, 29/12/2022 - 06:39

Năm 2023 đã cận kề, một chiến lược thích ứng về vốn trong bối cảnh hiện nay là điều cần thiết cho các doanh nghiệp Việt.

Các doanh nghiệp đã trải qua một năm nhiều khó khăn khi vốn tín dụng bị thắt chặt để ổn định tỷ giá và chống lạm phát. Vậy đâu là giải pháp ứng phó khi năm 2023 đã cận kề và nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phải đối diện với những "cơn gió ngược"?

Nhận diện những tồn tại

“Trong 20 năm theo dõi thị trường vốn Việt Nam, có lẽ đây là lần đầu tiên nhà đầu tư Việt Nam chứng kiến hiệu ứng domino đổ vỡ giữa các kênh vốn với nhau. Đáng tiếc là dù lần này thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa rơi vào khủng hoảng nhưng chúng tôi nhận thấy tâm lý thị trường rất tiêu cực và lây lan rất nhanh, từ cổ phiếu sang trái phiếu, sang chứng chỉ quỹ, bất kể tình trạng tốt xấu”, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ FiinGroup nói tại Tọa đàm Dự báo Kinh tế - Vượt “cơn gió ngược” 2023, chiều 27/12/2022.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ FiinGroup (Ảnh: VietTimes)

Nhận định chung, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp đã là kênh cấp vốn trung, dài hạn lớn nhất và hiệu quả cho phát triển kinh tế. Việc huy động vốn từ kênh này hiện đã có quy mô tăng trưởng lớn hơn tăng ròng tín dụng trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng, trong khi việc huy động qua thị trường chứng khoán còn rất hạn chế.

Song sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ, năm nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn. CEO FiinGroup nhấn mạnh, trước khi bàn đến triển vọng thị trường vốn năm 2023 và những năm sau, việc tìm ra căn nguyên những bất cập trên thị trường và “chẩn đoán bệnh” ở mức độ nào là nhiệm vụ quan trọng, từ đó mới có giải pháp phù hợp, đặc biệt là trong việc khôi phục lại niềm tin cho nhà đầu tư.

“Ở góc độ phân tích dữ liệu, chúng tôi muốn "mổ xẻ" căn bệnh của thị trường trái phiếu hiện tại để có thể đưa ra giải pháp phù hợp. Bởi quan sát thực tế, chúng tôi thấy chủ trương vĩ mô rất đúng nhưng khi áp dụng lại vẫn ách tắc ở các giải pháp cụ thể”, ông Thuân nêu quan điểm.

Điển hình như thực trạng kênh phát hành ra công chúng chưa được phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp phát hành cũng như các thành viên tham gia thị trường chú ý. Tính riêng 4 năm qua, mỗi năm có 200 - 350 doanh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu riêng lẻ. Trong khi đó, trái phiếu chào bán ra công chúng dường như bị “bỏ quên” bởi mỗi năm chỉ có khoảng 10 - 14 doanh nghiệp phát hành. Năm 2022 ghi nhận 14 doanh nghiệp phát hành với giá trị chỉ vỏn vẹn chưa đến 11.000 tỷ đồng. Tương tự, trái phiếu chào bán trên thị trường quốc tế cũng rất ít và doanh nghiệp chủ yếu tiếp cận các khoản vay ngoại tệ.

Đối với phát hành riêng lẻ, ngoài ngân hàng, đối tượng mua chính là nhà đầu tư cá nhân nên dễ phát sinh các vấn đề liên quan đang phải xử lý. Trong 2 tháng cuối năm chỉ có 9 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với giá trị chưa đến 2.000 tỷ đồng. Hiện dư nợ trái phiếu còn khoảng hơn 1,2 triệu tỷ, hoạt động phát hành rất ít và hoạt động mua lại trước hạn vẫn đang diễn ra. Nhiều rủi ro liên quan đến các trái phiếu “dưới chuẩn” chưa niêm yết và hiện một số doanh nghiệp bắt đầu vi phạm nghĩa vụ nợ.

“Thị trường tài chính nói chung đang đứng trước những thách thức lớn trong chiến lược vốn nói chung và huy động vốn phục vụ tăng trưởng doanh nghiệp nói riêng trong năm 2023. Ít nhất nửa năm đầu 2023, thị trường vẫn sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Bởi thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ cần thêm thời gian để khôi phục niềm tin đối với nhà đầu tư cũng như chức năng dẫn vốn trung và dài hạn, trong khi việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán vẫn ở quy mô khiêm tốn”, ông Thuân nhận định.

Trong khó khăn thị trường vẫn có nhiều triển vọng

Hầu hết các tổ chức dự báo trên thế giới đều cho rằng, trong năm 2023, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ rơi vào thời kỳ suy thoái và ảnh hưởng tới nhiều khu vực, đặc biệt khi cuộc chiến giữa Nga – Ukraine vẫn còn tiếp diễn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Thuân nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn có những triển vọng nhất định.

Đầu tiên, việc huy động vốn nợ trái phiếu quốc tế diễn ra rất mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp minh bạch. Riêng trong tháng 10, theo thống kê của FiinGroup, khoảng 1,9 tỷ USD vốn vay trái phiếu quốc tế đã được doanh nghiệp trong nước huy động, dù lãi suất có phần cao hơn nhưng đây là giải pháp phù hợp, giải quyết được vấn đề thanh khoản. Đồng thời trong thời gian tới nếu xử lý sớm được các quy định còn vướng mắc, doanh nghiệp sẽ có điều kiện thuận lợi phát hành trái phiếu huy động vốn.

Việc huy động vốn nợ trái phiếu quốc tế diễn ra rất mạnh trong thời gian gần đây (Ảnh: Citywire Americas)

Điểm sáng thứ hai là Bộ Tài chính hiện đang có những giải pháp để khai thông kênh trái phiếu doanh nghiệp đại chúng. CEO FiinGroup kỳ vọng, khi thị trường thứ cấp tại HNX đi vào vận hành (theo yêu cầu của Nghị định 65/2022/NĐ-CP là trước 30/6/2023), một phần các vấn đề khó khăn của thị trường trái phiếu hiện tại sẽ được giải quyết và dù phát hành riêng lẻ hay đại chúng thì cũng mở ra những điều kiện thuận lợi hơn cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.

“Hiện nay, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đang nỗ lực thúc đẩy phát triển rất mạnh kênh chào bán ra đại chúng. Chúng tôi cũng quan sát thấy có khá nhiều doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu phát hành, vấn đề là các doanh nghiệp có sẵn sàng tham gia hay không, nhưng chắc chắn trong năm tới, số lượng phát hành sẽ cao hơn con số 12-14 doanh nghiệp những năm qua”, ông Thuân chia sẻ.

Ba là, trái phiếu xanh, tín dụng xanh. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo trình Thủ tướng xem xét quyết định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Các nhà đầu tư quốc tế vẫn đang nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chí xanh để có vốn hợp lý hoặc rẻ trong dài hạn. Dù mới bắt đầu triển khai ở Việt Nam và chỉ có một vài doanh nghiệp phát hành theo chuẩn quốc tế, nhưng hy vọng trái phiếu xanh sẽ tạo động lực cho thị trường trái phiếu trong năm 2023.

Trước những triển vọng đó, doanh nghiệp rất cần những chiến lược vốn hiệu quả. Trong đó có việc triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp quản lý nhà nước với các kênh vốn như cơ sở dữ liệu pháp lý bất động sản để nhà đầu tư trái phiếu, ngân hàng, nhà đầu tư quốc tế dễ dàng tra cứu, xác minh thông tin.

Một số giải pháp thích ứng trong bối cảnh mới

Từ góc nhìn và kinh nghiệm của một đơn vị xếp hạng tín nhiệm, ông Nguyễn Quang Thuân gợi ý các doanh nghiệp nên chủ động có phương án thực hiện nghĩa vụ nợ và thông tin đến nhà đầu tư (thông qua đại diện người sở hữu trái phiếu và có sự tham gia của các tổ chức tín dụng và đại diện cả cổ đông lớn nếu cần thiết). Đồng thời, cần minh bạch thông tin đến trái chủ hoặc thực hiện đàm phán kín nếu nhằm tránh những tác động lan tỏa đến thị trường.

Ông Nguyễn Quang Thuân cũng nhấn mạnh, việc minh bạch thông tin về năng lực tín dụng là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp thành công trên thị trường vốn. Theo đó, việc đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà cả các ngân hàng thương mại trong việc lựa chọn, đánh giá và cho vay tín dụng phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro và chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, giúp đồng bộ thông tin về chất lượng tín dụng trái phiếu và tín dụng ngân hàng, qua đó hỗ trợ giám sát rủi ro vi phạm chéo của thị trường tín dụng nói chung.

Kết quả xếp hạng tín nhiệm sơ bộ cho các doanh nghiệp BĐS dân cư đang niêm yết trên HOSE/HNX. Các doanh nghiệp có tên/ logo là kết quả xếp hạng tín nhiệm chính thức của FiinRatings. Riêng BCG có giá trị đến ngày 11/12/2022. (Nguồn: FiinRatings)

“Tuy áp dụng xếp hạng tín nhiệm cũng không thể giúp tránh được vấn đề khủng hoảng nợ hay có nhiều doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ, nhưng sẽ góp phần chẩn đoán được 'bệnh' và có biện pháp phù hợp”, ông Thuân nhận định.

Đồng thời, đại diện FiinGroup đề xuất một số giải pháp thích ứng trong bối cảnh mới:

Một là, rà soát lại tất cả hoạt động đầu tư, bao gồm rà soát danh mục đầu tư mới, hạn chế dự án rủi ro cao hay dùng đòn bẩy cao. Đồng thời, tính toán chuyển nhượng dự án/ tài sản kém hiệu quả.

Hai là, rà soát khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ, đơn cử như rà soát nghĩa vụ nợ hiện tại và chủ động minh bạch thông tin, chủ động đàm phán tái cấu trúc nợ nếu cần thiết

Ba là, kiểm soát vốn lưu động, tập trung phục vụ khách hàng có rủi ro tín dụng thấp, rà soát rủi ro tín dụng khách hàng hiện hữu.

Bốn là, quản trị rủi ro tài chính, đa dạng kênh huy động bằng cách ưu tiên vốn nội bộ sẵn có; phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu; tính toán đến các nguồn vốn khác như tín dụng xanh, trái phiếu xanh... Quan trọng là kiểm soát mức độ đòn bẩy tài chính, quản trị thanh khoản ngắn hạn và cân đối dòng tiền thực hiện nghĩa vụ nợ 12-24 tháng tới nhằm cải thiện chất lượng hồ sơ tín dụng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top