CEO Lumi Nguyễn Đức Tài: "2020 là cơ hội cho thiết bị nhà thông minh"
CEO Lumi Nguyễn Đức Tài: "Thị trường nhà ở năm 2020 bùng nổ là cơ hội cho thiết bị nhà thông minh"
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng trong căn nhà trọ ở Đại Từ, Hoàng Mai, Nguyễn Đức Tài liên tục gặt hái thành công với cương vị CEO tuổi trẻ tài cao của Lumi. Thiết bị nhà thông minh Lumi có mặt khắp các công trình, nhà ở, căn hộ cả nước và xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Là người sáng lập và điều hành thương hiệu nhà thông minh hàng đầu Việt Nam hiện nay, anh bén duyên với lĩnh vực mới mẻ này như thế nào thưa anh?
Công việc liên quan thiết bị nhà thông minh đến với tôi như một sự tình cờ. Thực sự, lúc sáng lập Lumi, tôi cũng không biết đấy là công ty về nhà thông minh. Tất cả khởi đầu từ niềm đam mê về công nghệ, điện tử. Tôi và hai người bạn Nguyễn Tuấn Anh, Đàm Đắc Quang ở cùng nhau thời Đại học, học chung lớp và cùng đội Robocon của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Lúc ra trường, mỗi người có một công việc riêng, vất vả nhưng chỉ đủ ăn, không đủ tiêu vì lương thấp lắm. Cả ba vẫn ở cùng nhau, thường xuyên trò chuyện, trao đổi về đam mê chung trong lĩnh vực điện tử, điều khiển, tự động hoá.
Mấy anh em vẫn mày mò với các linh kiện đi xin vì không có tiền mua. Anh em thường lên mạng, gửi email để nhận linh kiện miễn phí từ các hãng chip nổi tiếng trên thế giới. Có lẽ, họ cũng đoán mình là sinh viên, không có tiền, xin rất nhiều đồ và gửi hàng mẫu đến cùng một địa chỉ là phòng trọ ở khu Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội.
Những con chip, linh kiện đi xin đó có ý nghĩa thế nào đến việc hình thành Lumi và các sản phẩm hiện tại của hãng thưa anh?
Mình không chi trả đồng nào nhưng các hãng sản xuất chip vẫn hỗ trợ nhiệt tình. Sau đó, một số lần họ còn gửi thêm hàng cho mình và tranh thủ giới thiệu dòng chip mới đang phù hợp với thị trường hiện nay là có phần điều khiển cảm ứng. Lúc đó là năm 2008, iPhone phát triển mạnh với công nghệ cảm biến điện dung, thay thế dần dần điện thoại phím bấm vật lý trước đây.
Chúng tôi hào hứng, mày mò áp dụng cảm ứng điện dung để điều khiển. Sau một thời gian, cả nhóm thấy cũng làm được và bắt đầu nghĩ bây giờ làm sản phẩm gì sử dụng cảm ứng điện dung. Ý tưởng nảy ra, công tác điện là cái dễ nhất. Sản phẩm đầu tiên làm ra cũng chỉ có chức năng tắt bật bằng cơ thông thường.
Sau sản phẩm sơ khai đầu tiên là công tắc điện, quyết định khởi nghiệp của ba người đến như thế nào thưa anh?
Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu, ở Việt Nam chưa có công tắc cảm ứng. Ngay cả hàng Trung Quốc cũng chưa xuất hiện. Mãi tới 2014 mới có những công ty Trung Quốc sang Việt Nam làm thương mại. Chúng tôi lên mạng tìm kiếm và biết rằng ở châu Âu, Mỹ có sản phẩm Touch Switch (công tắc cảm ứng) và tin rằng chắc chắn Việt Nam xuất hiện những mặt hàng như vậy.
Năm 2012, Lumi ra đời và sản phẩm đầu tiên là công tắc cảm ứng, sau hơn một năm nghiên cứu phát triển. Lúc đầu, công tắc hoàn thiện rất xấu vì chưa tìm được đối tác gia công. Khi đó, mình cũng không phải là đối tác lớn nên tìm một công ty gia công rất khó khăn.
Đến năm 2013, sau một năm thành lập công ty, chúng tôi quyết định làm remote để điều khiển từ xa công tắc. Sản phẩm này bắt đầu thương mại từ cuối 2013.
Sang năm 2014, từ smart home bắt đầu được nhiều người nói đến. Lumi thấy rằng những gì mình đang làm chính là smart home. Trong một ngôi nhà nhu cầu chỉ là điều khiển một số thiết bị cơ bản, công ty lại đang có điều khiển công tắc, điều khiển chiết áp. Vậy thì cần thay đổi nguyên lý hoạt động đi một chút là có thể ra lệnh bật tắt bóng đèn thành việc điều khiển đóng mở rèm.
Lúc đó ở Việt Nam chưa có thương hiệu nào về smart home và Lumi là công ty đầu tiên. Khởi nghiệp hay nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực phần cứng khó hơn trong lĩnh vực phần mềm vô cùng nhiều. Phần mềm chỉ cần máy tính, bạn có thể viết ứng dụng. Thậm chí học sinh cấp hai cấp ba có thể viết app trên máy tính chạy được rồi. Phần cứng phải có công cụ, có phần mềm thiết kế, có linh kiện.
Anh nghĩ gì khi lựa chọn hai người bạn thân cùng lập công ty?
Chúng tôi đến với nhau là cái duyên. Cả ba ở cùng nhau 6 năm, từ khi bắt đầu học Đại học đến khi ra trường đi làm. Rất hiểu tính nết của nhau rồi và quan trọng nhất là ba người đều tin tưởng lẫn nhau, làm doanh nghiệp cũng đề cao sự minh bạch. Điều đó giúp công ty tồn tại đến tận bây giờ.
Một tính xấu của người Việt Nam là không thống nhất, rõ ràng từ đầu, làm gì cũng úi xùi, bắt tay vào rất nhanh nhưng không thảo luận kỹ từ trước. Khi công việc xảy ra thế này, phân chia quyền hạn ra sao, ai quyết được đến đâu. Kể cả những phi vụ làm ăn nhỏ, chưa xong đã đánh nhau, cãi nhau, thậm chí từ mặt nhau. Bạn bè chơi với nhau mấy chục năm trời nhưng vì một vụ làm ăn kinh tế mà không hợp tác với nhau. Ngay cả đến những người lão làng trong lĩnh vực kinh doanh, hiểu rất nhiều nguyên tắc về thị trường, xã hội khi làm việc với nhau cũng có thể xảy ra đổ vỡ.
Ngoài sự tin tưởng, minh bạch, ba anh còn gắn bó với nhau bằng điều gì thưa anh?
Chúng tôi thường xuyên tranh luận, cãi nhau như mổ trâu mổ bò, chắc chắn phải như thế công ty mới tồn tại được. Nếu doanh nghiệp mà mọi người không tranh luận, không cãi nhau và có tính tự ái, cái tôi cá nhân cao quá thì rất khó làm việc với nhau. Tuy nhiên, cũng phải rõ ràng quan điểm, công việc là công việc. Hôm nay cãi nhau rất to nhưng ngày mai lại trở về bình thường.
Đều có sở trường về kỹ thuật, ba anh phân chia công việc điều hành và phát triển Lumi thế nào?
Chúng tôi cùng tốt nghiệp Đại học Bách khoa, có chuyên môn tốt về kỹ thuật. Tuấn Anh là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, là người rất giỏi, thi Đại học được ba điểm 10, đạt giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học trường Bách khoa Hà Nội, thực hành những công việc rất sớm. Anh Tuấn Anh là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu phát triển, anh Quang là giám đốc sản xuất còn tôi điều hành chung, phụ trách kinh doanh sản phẩm.
Để đáp ứng công việc, từ năm 2013 đến bây giờ, tôi vẫn giữ thói quen đi học 2-3 ba khoá về quản trị kinh doanh. Tôi nhận thấy điều này rất tốt cho công việc, bổ sung kiến thức về thuế, nhập khẩu, thiết lập kênh phân phối, xây dựng chính sách, hệ thống, chính sách marketing, truyền thông. Chúng tôi có sự quyết tâm và cầu thị trong công việc, làm gì phải làm cho ra hồn, làm nghiêm túc.
Lumi đang đứng ở đâu trên thị trường smart home Việt Nam thưa anh?
Trong lĩnh vực này, thị trường còn đang rất nhỏ. Tất cả công ty nhà thông minh đang chỉ tiếp cận được 30% dung lượng thị trường. Còn một mảng khách hàng rất lớn chưa biết đến smart home. Vì thế, doanh nghiệp nào chiếm được bao nhiêu phần trăm trong số 30% này chưa nói lên điều gì.
Lumi thành lập năm 2012 với ba founder và 5 kỹ sư. Đến nay công ty có hơn 100 nhân sự với 6 văn phòng, một nhà xưởng, hàng trăm đối tác. Sản phẩm và giải pháp Lumi được hàng triệu khách hàng lựa chọn nhiều. Công ty cũng tập trung xây dựng các chiến dịch tiếp thị quảng bá, đào tạo cho nhân viên kỹ thuật trên toàn quốc.
Nghĩa của từ Lumi và logo công ty là toả sáng, định hướng tham vọng Lumi trở thành ngôi sao trong lĩnh vực phát triển phần cứng ở Việt Nam, khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, công ty xuất khẩu ra 7-8 nước.
Sản phẩm của Lumi bán được ra nước ngoài, kể cả được một USD cũng đáng mừng. Bởi bán cho nước ngoài rất khó, lấy đồng ngoại tệ về nước là điều tự hào của chúng tôi. Lumi xuất khẩu sang Ấn Độ, Australia, Israel, Thái Lan, Lebanon, Iran, Đông Âu, Trung Đông. Mỗi quốc gia thu về mấy trăm nghìn USD. Năm 2020, Lumi sẽ mở văn phòng đầu tiên ở nước ngoài.
Khi bán trong nước, Lumi chỉ phải đánh nhau với các đối thủ trong nước và cùng lắm là Trung Quốc. Khi đi ra nước ngoài, còn phải cạnh tranh với nhiều thiết bị của châu Âu, Mỹ…
Lợi thế gì giúp Lumi cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế thưa anh?
Thế mạnh của Lumi là nghiên cứu phát triển sản phẩm. Mỗi quốc gia có một đặc thù, văn hoá sử dụng thiết bị nhà thông minh khác nhau. Không phải bạn may một chiếc áo ở Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài với y hệt chiếc áo đó mà chúng ta phải may đo theo form người dùng quốc gia đó. Chính vì Lumi có R&D phát triển nên chúng tôi tuỳ chỉnh được tính năng, trải nghiệm người dùng theo mong muốn của họ.
Khi đó, lợi thế về sản xuất hàng loạt của các công ty Trung Quốc mất đi. Bởi lúc này là sản xuất đơn lẻ. Họ có lợi thế sản xuất một triệu chiếc áo so với mình làm 1.000 chiếc áo nhưng khi khách hàng đặt 1.000 chiếc áo với thiết kế mới, hai bên như nhau. Bên nào hỗ trợ tốt hơn sẽ có lợi.
Anh đánh giá thế nào về thị trường nhà thông minh trong năm tới?
Theo dự báo, thị trường nhà dân trong năm 2020 tăng gấp hai lần so với 2019. Trong năm qua, số lượng căn hộ mới bán ra cũng lên tới 35.000 ở Hà Nội và 36.000 ở TP HCM. Trong khi đó, ở các dự án, chủ đầu tư bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới smart home, đưa thêm tính năng vào căn hộ để tạo lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm bất động sản khác. Điều này tương đồng với những thị trường láng giềng như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan. Đây là xu hướng tất yếu và mở ra cơ hội cho Lumi và doanh nghiệp nhà thông minh khác.
Thị trường tăng trưởng mạnh cũng là thời điểm nhiều đối thủ gia nhập ngành. Một số ông lớn ở Việt Nam cũng nhăm nhe nhảy vào làm smart home. Anh đánh giá thế nào về điều này thưa anh?
Trong tất cả ngành hàng, nếu chỉ có một mình, thị trường không thể lớn được. Giống như bạn đánh cá gần bờ chỉ có vài thuyền nhỏ, khi ra xa có thuyền lớn hơn, thậm chí thuyền nước ngoài. Doanh nghiệp không thể mong chờ đối thủ nhỏ hoặc không có đối thủ. Trong thị trường đó, quan trọng là doanh nghiệp định vị thế nào để có nhóm khách hàng của mình. Chẳng có một doanh nghiệp nào có thể lấy được hết thị phần.