Aa

CEO NutiFood: Đừng ngại thiếu "ghế", có tố chất sẽ được đặt đúng chỗ

Thứ Năm, 04/05/2017 - 12:10

"Nếu có mơ ước và muốn biến nó thành hiện thực, bạn phải kỷ luật bản thân để có hành động đúng cho từng thời điểm, từng ngày" - CEO NutiFood Trần Thị Lệ tâm sự.

Ít nói và làm nhiều, Tổng giám đốc NutiFood Trần Thị Lệ, một trong những phụ nữ có ảnh hưởng nhất do Forbes Việt Nam bình chọn, được đánh giá là CEO tài năng khi đã giải cứu thành công doanh nghiệp thời kỳ "tái định vị hình ảnh" sai lầm dẫn đến thua lỗ.

Chia sẻ với Zing.vn, chị nói rằng với mình thì không có gì là không thể. Chị luôn đặt mục tiêu cho từng phần việc và kỷ luật nghiêm khắc với bản thân để đạt được.

Rất nhiều ngày tôi chỉ ngủ 2-3 tiếng. Nhắm mắt lại mà cứ thấy việc, thế là tự động thức dậy ngồi vào bàn. Ảnh: Lê Quân.

Rất nhiều ngày tôi chỉ ngủ 2-3 tiếng. Nhắm mắt lại mà cứ thấy việc, thế là tự động thức dậy ngồi vào bàn. Ảnh: Lê Quân.

Rất nhiều ngày tôi chỉ ngủ 2 giờ

- Khởi đầu phát triển rất mạnh nhưng tại sao NutiFood lại có thời điểm rơi vào thua lỗ, nhường cơ hội dẫn đầu cho người khác?

- Ở giai đoạn phát triển tốt, chúng tôi có tham vọng đi nhanh hơn, mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi mời chuyên gia từ các công ty đa quốc gia về điều hành. Sau đó, chúng tôi lại tham vọng muốn tái định vị hình ảnh thương hiệu.

Nhưng chiến lược tái định vị hình ảnh doanh nghiệp lúc đó có lẽ xa rời với hình ảnh chuyên gia dinh dưỡng, tức là xa rời giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Ngoài ra, tại thời điểm đó còn nhiều biến cố xảy đến và giá nguyên vật liệu tăng. Đi không đúng chiến lược thì mình thất bại. Chỉ một năm định vị hình ảnh mới, doanh nghiệp lỗ gần 150 tỷ đồng.

- Lúc đó chị ở đâu mà để công ty khó khăn vậy?

- Tôi không tham gia điều hành. Sau 7- 8 năm miệt mài làm việc, tôi muốn dành thời gian học thêm để về phục vụ công ty ở vị trí khác. Tôi cũng muốn dành thời gian thư giãn… nhường vị trí điều hành cho người khác, mong có một hình ảnh mới mẻ hơn cho doanh nghiệp. Đó là lý do tôi xa rời công ty hơn một năm.

- Chị quay về và tái cơ cấu doanh nghiệp với tâm trạng ra sao? 

- Tôi thật sự rất lo. Trong đầu tôi chỉ vang lên câu hỏi: Mình làm cách nào để đưa doanh nghiệp mà mình gây dựng bao năm trở lại như thời kỳ phát triển ban đầu?

Lúc đó tôi thấy bao nhiêu khó khăn bộn bề, khủng khiếp lắm. Bạn bè, người thân thì lo lắng, vì công ty khó khăn quá. Nếu tôi về điều hành không tốt thì ngoài mang khó khăn cho doanh nghiệp còn ảnh hưởng đến uy tín cá nhân.

Quay về vực lại công ty, tôi bắt đầu bằng nói chuyện, động viên cán bộ nhân viên, mong họ cùng vượt khó. Tôi nói chuyện với đối tác, mong chia sẻ. Tôi cũng nói chuyện với hơn trăm nhà phân phối; đi động viên nhà máy, mong được san sẻ.

Thời điểm đó, rất nhiều ngày tôi ngủ chỉ 2-3 tiếng đồng hồ. Tôi làm việc liên tục tới 2-3h sáng. Nhắm mắt lại mà cứ thấy việc, thế là tự động thức dậy ngồi vào bàn.

Nhưng tôi cảm phục nhất là tinh thần làm việc của nhân viên tôi, khó gấp đôi họ làm gấp ba. Nhờ vậy mà chỉ trong 3 tháng chúng tôi giảm lỗ, đến tháng thứ 4 thì có lãi ít trở lại.

"Với tham vọng đi nhanh hơn, mạnh hơn, NutiFood từng mời chuyên gia về điều hành, tái định vị hình ảnh thương hiệu, nhưng chiến lược sai, chúng tôi đã thất bại". Anh: Lê Quân.

Cứ quyết tâm là làm được hết

- Thời đó hình như chị bị stress nặng và tăng cân không kiểm soát?

- Về góc độ này, chuyên gia dinh dưỡng giải thích là khi bị stress, cơ thể tiết ra rất nhiều cortisol giữ nước, tăng cân. Đó là chưa kể khi bị stress, tôi có thói quen ăn. Làm việc mà có đồ ăn trên bàn là cứ ăn. Làm khuya thì lại càng ăn đêm, chế độ dinh dưỡng rất không hợp lý.

Lúc đó, nói thật, nhìn tôi kinh khủng lắm. Giờ tôi nhìn lại hình ảnh mình mà còn ngại (cười).

- Chị đã lấy lại vóc dáng như thế nào?

- Sau 3-4 tháng thì công ty quay về quỹ đạo ban đầu. Vô tình có anh giám đốc kinh doanh, tức cấp dưới của tôi, nói một câu bâng quơ mà tôi giật mình. CEO nữ sao khổ quá, đi làm phải chịu căng thẳng, người mập quá khổ mà không có thời gian để nhìn lại sức khỏe, chăm sóc bản thân mình.

Nghe lén mà tôi giật mình. Chết rồi, lính mình nói mình đây.

Thế là tôi lập kế hoạch lấy lại vóc dáng, sức khỏe. Tôi thực tế không có thời gian tập luyện thể thao, nên cân đối giờ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý thôi.

Là bác sĩ dinh dưỡng, tôi tự biết điều tiết chế độ ăn uống của mình, ngủ nghỉ hợp lý. Rồi tôi chia nhỏ công việc, ủy quyền cho nhân viên và hướng dẫn họ làm cùng, từ từ mọi thứ vào quỹ đạo, tôi cũng rời xa hình ảnh béo phì.

- Chị thấy việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống của phụ nữ, nhất là nữ doanh nhân quan trọng như thế nào?

- Không có sức khỏe thì không thể gánh vác được doanh nghiệp. Công ty khó thì mình có lo lắng khác, công ty khỏe thì mình lại có những lo lắng mới cho kế hoạch phát triển. Không lúc nào rảnh rang nên việc cân bằng là cực kỳ quan trọng.

Với riêng tôi, từ nhỏ tôi luôn làm việc có mục tiêu, và quyết tâm để đạt được mục tiêu của mình. Tôi luôn tâm niệm: Không gì là không làm được, có quyết tâm là làm được hết, đặc biệt phải kỷ luật bản thân.

Nếu bạn có mơ ước và muốn biến mơ ước thành hiện thực thì phải kỷ luật bản thân để có hành động đúng cho từng thời điểm, thậm chí từng ngày mới đi đến được mục tiêu của mình.

Bác sĩ đi làm sữa mới tạo ra sữa đặc trị

- Cơ duyên nào từ một bác sĩ chị đi kinh doanh, lại chọn sữa, vốn là ngành hàng không phải dễ kiếm tiền?

- Hồi nhỏ đi học tôi mơ lớn lên làm bác sĩ, rồi may mắn đi học y đúng mơ ước của mình. Ra trường, đi làm tại Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, tôi tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân, trong đó có nhiều trẻ em suy dinh dưỡng, nhiều bà mẹ có thai không đủ dinh dưỡng, rất đau xót.

Ngày đó chúng tôi cũng tham gia nguyên cứu dinh dưỡng cho cộng đồng. Chúng tôi đi điều tra từng hộ gia đình, các bệnh viện có bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng, mới thực sự thấy cần phải có một cơ sở sản xuất thực phẩm dinh dưỡng để cung cấp sản phẩm cho người có nhu cầu ở TP.HCM và khu vực lân cận.

Thấy tôi yêu thích nghiên cứu dinh dưỡng, dường như có khiếu kinh doanh nữa nên các anh chị sáng lập viên cơ sở thực phẩm dinh dưỡng - tiền thân của Nutifood thời đó, đã phân công tôi về làm trợ lý cho chủ nhiệm cơ sở. Đó là cơ duyên tự nhiên đưa tôi đến với kinh doanh.

- Trong hình dung của chị lúc đó, làm sữa và bán sữa như thế nào? Là bác sĩ đi kinh doanh, thời gian đầu chị đã phải “bơi” ra sao?

- Ở trung tâm lúc đó đa số là bác sĩ, dược sĩ, không ai có chuyên môn kinh doanh. Chúng tôi cùng xắn tay làm một cách tự nhiên thôi.

Thời điểm đó chúng tôi vừa học vừa làm, ban ngày đi làm, tối về học. Tôi phải học nhiều lắm để bổ sung cho chuyên môn mới, nào là quản trị nhân sự, quản trị bán hàng, rồi marketing, tài chính kế toán… Tất cả đều phải tập trung học vào buổi tối hết.

Nói thật, thời gian rất dài, mười mấy năm, mỗi đêm tôi ngủ không quá 5 tiếng.

Thời kỳ đầu làm sữa và bán sữa, chúng tôi không có tiền quảng cáo. Nhưng sản phẩm thật sự hiệu quả nên người này dùng rồi truyền miệng cho người kia. Thông tin sản phẩm lan truyền dần, tăng số lượng bán ra giống như có chân chạy trên thị trường vậy.

- Điều gì làm nên sự khác biệt giữa sữa của bác sĩ và sữa của các công ty khác? 

-  Yêu thích ngành này nên tôi cũng kinh doanh bằng tất cả tình yêu, sự say mê. Thời tôi mới ra trường, các sản phẩm dinh dưỡng rất hiếm, đặc biệt sữa thì rất đắt, nhất là các sản phẩm đặc trị. Đại đa số người dân mình lúc đó còn quá khổ, tiền để mua thuốc điều trị bệnh đã khó, làm sao đủ điều kiện có được sản phẩm dinh dưỡng bồi bổ cho mau lành bệnh.

Là bác sĩ, tôi biết tình trạng dinh dưỡng ảnh hưởng lớn đến chuyện điều trị bệnh. Lúc đó tôi mơ ước làm sao tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất, giá phù hợp với đại đa số người có nhu cầu, để người dân nào cũng dùng được. 

Kiến thức từ trường y, trách nhiệm một bác sĩ đã giúp tôi có một nền tảng tốt cho việc nghiên cứu những sản phẩm dinh dưỡng phục vụ cho cộng đồng. Chỉ có bác sĩ đi làm sữa mới có thể tạo ra những dòng sản phẩm đặc trị, như sữa nuôi người bệnh và người cần hồi phục nhanh sau khi hết bệnh tại các đơn vị cấp cứu, cho bệnh nhân tiểu đường, hay sữa cho trẻ suy dinh dưỡng, sữa cho trẻ biếng ăn, trẻ béo phì…

- Có thông tin hiện nay doanh nghiệp đang chuẩn bị tái cấu trúc, bằng việc mời chuyên gia giỏi tham gia điều hành. Chị có sợ phải dẫm lên vết xe đổ không?

- Tôi không sợ và nghĩ là sẽ không sai. Doanh nghiệp có những giai đoạn phát triển khác nhau, mỗi thời điểm qua đi có một giá trị lịch sử của nó. Một công ty muốn phát triển bền vững thì phải có hệ thống vận hành, nhân lực được đào tạo, làm việc chuyên nghiệp.

Chúng tôi đang từng bước thực hiện theo hướng đó. Chuyên gia hỗ trợ chúng tôi sẽ là những người có kinh nghiệm, để đào tạo cho lớp nhân viên trẻ kế thừa nhiệm vụ điều hành, phát triển về sau. Thật ra mỗi lần thay đổi, vấp ngã cũng đã mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm.

Thời khó khăn để lại cho chúng tôi nhiều giá trị quý nên trong lần tái cấu trúc này, những giá trị hay chúng tôi sẽ giữ lại, kế thừa, những gì không đúng chúng tôi sẽ thay đổi.

"Ở vị trí điều hành cấp cao, ngoài năng lực còn đòi hỏi sự cống hiến, hy sinh nữa. Nếu đủ tố chất đó thì bất kỳ là con của lãnh đạo hay ai, bạn cũng sẽ được đặt đúng vị trí". Ảnh: Lê Quân.

Có tố chất thì sẽ được đặt đúng vị trí

- Chị có nghĩ đến chuyện sẽ đưa doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán?

- Tới giờ này tôi chưa nghĩ đến, vì tôi muốn giữ doanh nghiệp 100% vốn thuần Việt. Thời điểm này, tôi khẳng định chúng tôi đủ nguồn lực tài chính để phát triển độc lập.

- Lãnh đạo doanh nghiệp từng chia sẻ tham vọng đạt doanh thu tỷ đô trong giai đoạn 2016-2020, con số này hiện nay ra sao?

- Chúng tôi đang từng bước đang thực hiện mục tiêu kinh doanh mình đề ra. Doanh thu 2016 đạt gần 8.000 tỷ đồng, nhưng 2016 là năm chúng tôi chững lại để củng cố, tái cấu trúc bộ máy, xây dựng nền tảng trước khi bước tiếp. Từ 2017 sẽ tăng trưởng mạnh hơn.

Nói gì thì nói, chúng tôi cũng mới có tuổi đời 17 năm, còn nhiều cô hội để tiếp tục phát triển.

- Thế hệ kế thừa ở doanh nghiệp chị có phải là là con cái, người thân không?

- Tôi không có quan niệm người kế thừa phải là người thân đâu, ai làm tốt nhất cho doanh nghiệp sẽ được chọn. Con cái của các gia đình có truyền thống kinh doanh nếu có tố chất, ham học hỏi và đủ tài năng thì việc đặt vào vị trí kế thừa hoàn toàn phù hợp.

Con tôi cũng vậy, nếu thực sự cháu có tố chất, có năng lực, đặc biệt làm ở những vị trí điều hành cao cấp thì còn phải hy sinh nữa, bởi cần ở họ sự cống hiến, kỷ luật bản thân rất lớn. Nếu bạn đủ tố chất đó thì bất kỳ bạn là con của lãnh đạo hay ai, bạn cũng sẽ được đặt đúng vị trí.

- Thử hình dung nếu không làm kinh doanh thì bây giờ chị có yên vị với công việc của một bác sĩ sáng đi làm chiều về nấu cơm cho chồng con?

- Câu hỏi này với tôi khó quá. Chắc tôi không yên vị với việc sáng cấp ô đi tối quay về nhà làm bà nội trợ đâu.

Tôi sẽ nghĩ đến việc gì khiến tôi phải hoạt động nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn.

Từ nhỏ tôi đã luôn mơ mình sẽ làm một người có ích, có đóng góp cho xã hội… Tôi phải làm công việc gì đó lấy đi nhiều thời gian của tôi hơn, hợp với sự năng nổ của tôi hơn.

Và thực sự đúng là bây giờ chiều tôi không có thời gian nấu cơm cho gia đình, chơi với con, chỉ có hướng dẫn các cháu. Hai con tôi rất hiểu về dinh dưỡng, cháu tự ăn tự chơi, tự điều tiết chuyện nghỉ ngơi, học hành hợp lý nên cũng hỗ trợ tôi nhiều.

Xin cảm ơn chị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top