CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: “Người thành công là người không bỏ cuộc”

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: “Người thành công là người không bỏ cuộc”

Thứ Bảy, 15/07/2023 - 07:58

Trải qua nhiều thất bại trước khi nếm trái ngọt với Blusaigon, CEO Tôn Nữ Xuân Quyên cho rằng “chúng ta không thất bại cho đến khi mình nghĩ mình thất bại. Không có một con đường nào để đi tắt tới thành công”.

*********

Khởi nghiệp thất bại: 3 năm mất trắng, 4 năm trả nợ

Sau màn gọi vốn thành công ở Shark Tank, Blusaigon đã có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ. Nhưng trước đó, chị cũng từng nếm nhiều thất bại?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Quyên du học ở Mỹ. Lần khởi nghiệp thứ nhất vào năm 2009 khi còn là sinh viên năm thứ 3 đại học. Quyên và người thân lập ra công ty New Era làm về tư vấn tài chính, nhưng chỉ được 6 tháng phải dừng lại. Nhớ lại ngày đó, mình rất hoảng sợ khi gặp khách hàng. Mỗi ngày gọi 20-30 cuộc điện thoại mà “toàn bị chửi thôi”.

Lần khởi nghiệp tiếp theo của Quyên là năm 2011. Tình cờ một lần đọc báo thấy ý tưởng cơm kẹp khá thú vị và nghĩ có tiềm năng tiêu thụ tại TP.HCM, Quyên bay ra Hà Nội gặp đối tác để mua nhượng quyền với giá 3-4 tỉ đồng và chính thức dấn thân vào lĩnh vực thực phẩm này.

Cửa hàng đầu tiên khai trương vào tháng 1/2012 với rất nhiều kỳ vọng, doanh số bán mỗi ngày chạm mức 50 triệu đồng vì việc marketing rất tốt. Tuy nhiên, các tháng kế tiếp, doanh thu giảm dần không phanh và công ty thua lỗ...

Dù sản phẩm được bán ở nhiều nơi, nhưng ròng rã 7 năm sau đó, Quyên liên tục gồng lỗ. Thời điểm đó mình dừng lại có lẽ sẽ tốt hơn cho mình, nhưng vì trách nhiệm và các khoản nợ, Quyên đã tiếp tục. Mãi đến cuối năm 2018, khi trả hết các khoản nợ, Quyên chuyển nhượng công ty.

Chị từng chia sẻ, 7 năm khởi nghiệp của chị là 3 năm mất trắng và 4 năm trả nợ. Vậy đâu là những sai lầm dẫn đến thất bại đó?

Tôn Nữ Xuân Quyên: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại. Ví dụ, về tuyển dụng nhân sự, ban đầu, có thể nói mình không biết tuyển dụng. Có thể khi mình gặp vài người và thấy họ dễ thương, có thể làm việc chung với nhau thì mình tuyển. Việc tuyển dụng nhiều khi không hề dựa trên việc kiểm tra năng lực kỹ lưỡng của nhân sự, mà đơn giản nhiều khi thấy… có duyên với nhau là tuyển thôi. Đó là một sai lầm.

Ngoài ra, những lần khởi nghiệp trước Quyên cũng không mô tả công việc rõ ràng, không phân công trách nhiệm cụ thể cho từng nhân sự. Điều này dẫn đến khi có vấn đề xảy ra thì không có ai chịu trách nhiệm.

Một ví dụ đơn giản là vì mình không giao trách nhiệm rõ ràng. Có lần một bạn đầu bếp quên đóng cửa kho lạnh, dẫn tới một tấn sản phẩm bị hư hỏng; hoặc có ngày nhân viên quên tắt điện, tắt bếp dẫn tới cháy nổ trong xưởng làm. Lúc đó mình cảm thấy cái sai của mình khi mình chỉ đơn giản ghi trong mô tả công việc là “quản lý bếp” chứ không ghi rõ mô tả là quản lý những gì, nhiệm vụ những gì, nên khi xảy ra rất khó để quy trách nhiệm.

Sau này mình mới nhận ra tầm quan trọng của quy trình và mô tả công việc. Thậm chí, mình mất rất nhiều thời gian mới hiểu rõ quy trình là gì và mô tả công việc là gì. Ví dụ, để làm ra cây bút thì cần bao nhiêu quy trình, từ mạ, đánh bóng, làm phôi…, nhưng phải thử nhiều lần mới biết được quy trình nào là tối ưu; còn mô tả công việc nghĩa là biết công việc gì là cần cho công ty và người nào sẽ làm.

Một khó khăn khác mà Quyên mắc phải là về tài chính. Quyên tốt nghiệp tài chính loại ưu ở Mỹ. Chính vì vậy mà mình chủ quan nên có lần phải… rơi từ trên trời xuống đất. Mình cứ tưởng mình giỏi lý thuyết thì mình quản lý tiền được, nhưng thực tế không hẳn vậy.

Ban đầu mới về nước, Quyên chỉ hiểu hệ thống kế toán ở Mỹ nhưng chưa hiểu nhiều về hệ thống kế toán ở Việt Nam. Trong 2 tháng đầu, mình tự thu chi và dùng Excel để theo dõi chứng từ. Cuối cùng, mình không theo dõi hết được, ví dụ từ công ty sang công ty hay cá nhân sang công ty dẫn tới công ty “rối loạn”.

Một khó khăn nữa là lúc đó, Quyên không hiểu tiêu chuẩn là gì, trong khi yếu tố này thực sự rất quan trọng.

Ví dụ, khi mình giao việc cho một người chào hàng chẳng hạn, mình cần nắm rõ trung bình trên thị trường họ đang chào hàng bao nhiêu điểm một ngày thì mới gọi là tốt, bao nhiêu điểm là xuất sắc (để thưởng thêm) và bao nhiêu điểm thì nên cho nghỉ… Vì không làm rõ những vấn đề này dẫn đến nhân sự giỏi cũng không gắn bó với mình.

Vì sao lại như vậy, thưa chị?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Hồi ban đầu mình chỉ có 3 cổ đông mà hết người này quyết định đến người kia quyết định, khá bất cập. Quyên nghĩ phải có một người quyết định cuối cùng dựa trên số vốn góp vào.

Trong các cổ đông cũng cần phân chia rõ người này làm gì, người kia làm gì dựa theo điểm mạnh của họ. Ví dụ người giỏi về sản xuất, giỏi về bán hàng, tài chính… thì sẽ phân ra phụ trách từng mảng đó. Nếu cả 3 người mà chỉ giỏi ở một mảng còn các mảng khác không am hiểu thì cũng rất khó đồng hành.

Thậm chí, trong các cổ đông, nhiều người còn có công việc riêng bên ngoài. Do đó, cần quy định rõ thời gian dành cho công ty cũng như vấn đề lương, thưởng rõ ràng.

Ngoài ra, nên có hợp đồng rõ ràng để “mất lòng trước được lòng sau”. Ban đầu hợp tác ai cũng vui vẻ, nhưng sau đó công ty gặp vấn đề thì dẫn đến vừa mất tiền, vừa mất tình cảm, thậm chí lúc đó còn dính vào kiện tụng, rất mệt mỏi.

Một vấn đề nữa cần lưu ý là phải quyết đoán trong công việc. Trong kinh doanh mình ngán nhất câu “sao cũng được”. Trước đây, vì mình không có kinh nghiệm, nên cổ đông thuê một lúc 4 mặt bằng và họ đặt cọc luôn và mình chỉ nói “sao cũng được, anh cứ làm đi”. Sau đó, mỗi tháng mình mất 120 triệu tiền mặt bằng, chưa kể các chi phí khác, khiến mình rất áp lực. Vì quyết định đó dẫn đến mình phải đóng cửa hàng. Sau hơn 3 năm thì đóng hết 4 cửa hàng và mang nợ. Lúc đó, chủ nợ gọi đến, mình ngồi xuống với từng người và lên kế hoạch trả nợ.

Mục tiêu thương hiệu tặng phẩm cao cấp của người Việt

Như chị chia sẻ, đến hết năm 2018, chị bán công ty và khởi nghiệp lần 3 với Blusaigon. Vì sao lại là Bulusaigon và vì sao lại là bút ngọc trai, thưa chị?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Blusaigon chính thức thành lập từ 2018, nhưng thực chất từ 10 năm trước, Quyên đã R&D cùng ba mẹ. Ba tôi (doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa) trong 25 năm khởi nghiệp luôn trăn trở về việc giới thiệu và mang tặng những người bạn, đối tác quốc tế một món quà Việt Nam đúng nghĩa.

Quyên nhận thấy nhu cầu thị trường tặng phẩm rất lớn và mang hy vọng tạo được thương hiệu của người Việt. Chúng tôi sang Nhật Bản, Hàn Quốc và thấy họ có lòng tự hào dân tộc khá lớn và họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm của quốc gia họ. Người Việt không thiếu lòng tự hào dân tộc, họ vẫn luôn chờ các nhà sản xuất uy tín. Nếu doanh nghiệp làm ăn chân chính, đàng hoàng thì người dân họ sẽ rất ủng hộ.

Blusaigon mong muốn sẽ nối dài hành trình kiến tạo những sản phẩm mang vẻ đẹp Việt Nam vươn ra thế giới. Quyên mong muốn những chiếc bút sẽ vượt khỏi công năng ghi chép thông thường, để trở thành một tặng phẩm xứng đáng. Mỗi chiếc bút có thể trở thành quà tặng quốc gia, hoặc thành một kỷ vật mà chúng ta có thể lưu truyền lại cho con cháu của mình.

Thuyết phục nhà đầu tư từ tâm, tầm và team

Một trong những thách thức lớn nhất ở Việt Nam cho doanh nghiệp khởi nghiệp là tìm nguồn vốn, chị tìm kiếm nguồn vốn ở đâu?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Với mong muốn tạo ra được sản phẩm đặc trưng, một thương hiêu cao cấp của Việt Nam, nhưng nguồn lực giới hạn, Quyên cần một nguồn vốn mạnh để đi đường dài.

Do đó, Quyên gọi vốn ở chương trình Shark Tank, tham gia một số cuộc thi để đưa câu chuyện của mình được biết đến nhiều hơn; đồng thời cũng mong muốn có được sự đồng hành của các nhà đầu tư vì kinh nghiệm, nguồn vốn và tầm nhìn của họ để giúp mình có thể biến một sản phẩm trở thành một thương hiệu. Quyên cần một đối tác đi cùng với mình chứ không đơn thuần chỉ là tiền.

Quyên rút ra rằng, khi gọi vốn cần phải có kế hoạch rõ ràng và bản thân mình phải hiểu rõ doanh nghiệp. Mình phải đặt vị trí mình là nhà đầu tư để nhìn nhận. Nếu mình là nhà đầu tư thì mình có đầu tư vào một doanh nghiệp như vậy hay không? Các nhà đầu tư họ muốn hiểu rõ ràng về mình, về doanh nghiệp của mình và mình cần phải giải thích được những thông tin họ cần.

Vậy theo chị, để thuyết phục các nhà đầu tư rót vốn, doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Để gọi vốn thành công, có 3 thứ doanh nghiệp cần phải cho nhà đầu tư thấy, đó là cái tâm, cái tầm và team (đội ngũ) của mình.

Về “tâm”, mình phải hiểu về chính mình, về sản phẩm, về giá trị nguyên tắc cũng như hoài bão của mình. Mình cũng phải chứng minh cho nhà đầu tư thấy mình có động lực, sự nghiêm túc, chỉn chu để làm lâu dài, vì khởi nghiệp là hành trình rất dài và thậm chí rất cô đơn.

Còn về “tầm”, mình phải chứng minh được mình có khả năng, kinh nghiệm. Quyên đã thất bại nhiều lần, mình phải chứng minh cho họ thấy mình thực sự nghiêm túc với việc kinh doanh chứ không phải hứng lên là làm để rồi thất bại.

Từ những thất bại trong quá khứ, Quyên đã xây dựng một quy trình chuẩn cho doanh nghiệp của mình để có thể đi được xa hơn. Một công ty có quy trình, dù đơn giản thì cũng vẫn hơn là sự ngẫu hứng.

Về team (đội nhóm), nhà đầu tư sẽ nhìn thấy rằng, một startup mạnh sẽ có những đồng đội mạnh đồng hành và ngược lại. Mình có năng lực thì những người có năng lực mới đi cùng mình.

Doanh nghiệp cũng phải chia sẻ câu chuyện của mình, ví dụ bán sản phẩm gì, giải quyết vấn đề gì của thị trường, bán qua kênh nào, tình hình tài chính, kinh doanh ra sao, bán cho ai…? Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị báo cáo tài chính khi đi gọi vốn. Điều này sẽ thể hiện sự chuyên nghiệp, kĩ lưỡng của lãnh đạo doanh nghiệp.

Không ai thất bại cho đến khi họ nghĩ mình thất bại

Theo chị, khó nhất khi khởi nghiệp là gì?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Khó nhất là kỷ luật. Khi mình đi làm, mình có quản lý sẽ chỉ mình cần phải làm gì vì họ đã đi trước mình và thúc giục mình phải hoàn thành công việc. Nhưng việc mình khởi nghiệp lại khác, mình phải tự làm “giám thị” cho mình, nhắc nhở mình.

Ngoài ra, mình phải tự học hỏi rất nhiều. Ví dụ, khi đi làm thuê, gặp khó khăn có thể hỏi sếp và xin lời khuyên chẳng hạn, nhưng khi khởi nghiệp, mình phải tự học mọi thứ.

Bài học quan trọng nữa chính là sự kiên trì đến cùng, dám thử, dám làm và chấp nhận sai. Ba tôi thường nói phải tự tạo áp lực cho bản thân, đó chính là động lực cho sự phát triển; đồng thời phải nỗ lực, đứng lên sau thất bại. Không có ai thất bại cả cho đến khi họ nghĩ họ thất bại. Chừng nào mình vẫn còn khát khao muốn khởi nghiệp, muốn tạo ra giá trị cho xã hội, tạo ra công ăn việc làm… thì chừng đó mình chưa thất bại.

Ngoài những kinh nghiệm chị chia sẻ, chị có lời khuyên gì cho những người đang khởi nghiệp?

CEO Tôn Nữ Xuân Quyên: Cũng như gia đình, một công ty có rất nhiều lý do dẫn đến thất bại, nhưng để thành công thì các nguyên tắc phải tuân thủ khá giống nhau. Quyên nghĩ khi khởi nghiệp, chúng ta cần phải hiểu rõ bản thân mình, nếu cứ lao theo những thứ không hiểu sẽ tốn thời gian và tiền bạc. Khi mình hiểu bản thân thì cần học hỏi mỗi ngày để nâng tầm mình lên.

Cảm ơn chị vì những chia sẻ thú vị!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top