CEO T&T Mỹ: “Tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải thành công”
Không dễ gì để có một cuộc phỏng vấn trọn vẹn với Vinh. Không phải vì Vinh “chảnh” như người ta vẫn thường mặc định dành cho vị thiếu gia “nghìn tỷ”, “sinh ra đã ngậm thìa vàng”, mà bởi Vinh quá bận! Làm việc mỗi ngày từ 10 - 12 tiếng và luôn trong tư thế sẵn sàng giải quyết công việc trong những ngày nghỉ cuối tuần. Cũng bởi Vinh có một nguyên tắc, khi đã nhận một công việc gì sẽ phải làm cho nó được tốt nhất có thể, cũng giống như trả lời phỏng vấn. Thế nên, dù cuộc phỏng vấn đã kết thúc, nhưng, với Vinh, vẫn còn sự tiếc nuối. “Thật tiếc vì đang bận quá! Nếu không, Vinh sẽ có nhiều thời gian để chia sẻ hơn để mọi người sẽ hiểu một phần nào đó về con người và cá tính của mình”, CEO T&T Mỹ cười lý giải.
- Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày anh tiếp quản vị trí CEO của T&T chi nhánh ở Mỹ. Đến bây giờ, anh cảm thấy thế nào về hành trình vừa qua?
Đỗ Quang Vinh: Tôi cảm thấy tạm hài lòng với những gì mình đã làm được. 4 năm là khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng không hề ngắn và những gì tôi nhận được về mình là rất nhiều.
Bài học giá trị nhất là trở thành “Sếp”. “Sếp” vốn dĩ chỉ là một danh xưng nhưng với tôi nó mang rất nhiều ý nghĩa và trọng trách. Tôi mất năm đầu một mình tự tìm hiểu thị trường, kết nối mở rộng quan hệ với các đối tác tại Mỹ, xây dựng công ty, tuyển nhân sự, quản lý tài chính và lập kế hoạch kinh doanh.
Từ năm thứ 2, tôi mới tự tin để chính thức đầu tư vào dự án bất động sản đầu tiên và tới giờ thì T&T chi nhánh ở Mỹ đã có chỗ đứng tại miền nam bang California nhờ sở hữu những bất động sản ở vị trí đắc địa. Song song với việc đầu tư bất động sản, chúng tôi cũng đã làm việc với các đối tác Mỹ để thúc đẩy nhiều hoạt động thương mại - xuất nhập khẩu giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ. Trong năm tới, chúng tôi sẽ phát triển mạnh về mảng này.
- Chưa đầy 30 tuổi, anh đã được giao đảm nhiệm một vị trí mà chắc hẳn rằng thách thức không hề nhỏ. Từ thời điểm đảm nhiệm công việc này, có khi nào anh cảm thấy chùn bước và lo lắng những mục tiêu của mình sẽ khó trọn vẹn?
Đỗ Quang Vinh: Chắc chắn là có rồi!
Thử thách đặt ra với người trẻ như tôi là trở thành người lãnh đạo một doanh nghiệp mới tinh, kinh doanh đa ngành nghề và đặc biệt hơn là ở một đất nước đã rất phát triển như Mỹ. Tôi chân ướt chân ráo qua Mỹ với “zero” kinh nghiệm trong quản lý, ít kiến thức về bất động sản, xuất nhập khẩu vì tôi tốt nghiệp chuyên ngành tài chính – ngân hàng tại Anh. Trở ngại lớn nhất là tôi không quen ai tại Mỹ, không có người “cầm tay chỉ việc”. Có những lúc chạnh lòng vì công ty thì còn quá mới và bản thân thì còn quá trẻ để gây được ấn tượng và tạo uy tín với các đối tác.
Nhưng có lẽ, ý chí luôn chiến thắng tất cả! Bất cứ khi nào gặp khó khăn, tôi luôn nghĩ “Nothing is impossible/Không gì là không thể”. Nhờ có câu nói như vậy mà tôi luôn tìm được cách giải quyết mọi vấn đề, dù cho đó có phải là cách giải quyết tốt nhất hay không nhưng không bao giờ tôi cảm thấy muốn bỏ cuộc.
- Kinh doanh bất động sản ở Mỹ và tại Việt Nam khác nhau như thế nào? Nếu phải so sánh, theo anh, ở đâu công việc kinh doanh sẽ dễ dàng hơn?
Đỗ Quang Vinh: Thị trường bất động sản ở Mỹ tương đối ổn định hơn thị trường tại Việt Nam. Đa số thông tin đều có trên hệ thống và dễ dàng tra cứu minh bạch.
Các quy định về quy hoạch đều được công bố chi tiết và rõ ràng nên không có việc ưu tiên cho bất cứ trường hợp nào. Đặc biệt, ở Mỹ, bạn sẽ không thể cầm tiền mặt đi mua nhà đất. Tất cả các giao dịch bất động sản đều được thực hiện qua một công ty trung gian được chỉ định gọi là Escrow. Đơn vị này sẽ tính phí và giữ tiền bảo vệ quyền lợi của cả người mua và bán.
Tôi nghĩ kinh doanh ở đâu cũng có lợi và bất lợi riêng. Đối với tôi, có lẽ kinh doanh tại Việt Nam sẽ dễ chịu hơn vì cơ chế còn thoáng, không cứng nhắc như Mỹ.
- Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, anh có chia sẻ rằng, cha anh - doanh nhân Đỗ Quang Hiển - thường không ủng hộ những gì quá mới nhưng nếu chứng minh được bằng kết quả thì sẽ được ông tin tưởng, ủng hộ. Và anh sẽ nghe lời khuyên của cha mình khoảng 80%. 20% còn lại anh dành cho cái tôi cá nhân, làm những việc mình cho là đúng, chứng minh bằng kết quả cụ thể. Anh đã áp dụng điều đó khi đảm nhiệm vai trò CEO của T&T chi nhánh tại Mỹ như thế nào?
Đỗ Quang Vinh: Ba tôi vừa là ông Chủ tịch, một người vô cùng thành đạt, vừa là người cha và là thần tượng nên tôi luôn trân trọng, nghe theo những gì ông hướng dẫn và chỉ dạy. Nhưng ông thường chỉ ra đề bài và tôi sẽ phải là người viết lên một bài văn hoàn chỉnh. Tôi sẽ đưa ra chính kiến của mình và ông sẽ góp ý, sau đó thì tôi được thực hiện.
Cũng giống như đối với T&T Mỹ, ba tôi sẽ đưa ra định hướng phát triển trên cương vị của Chủ tịch. Tôi là người lập kế hoạch thực hiện trên cương vị của Tổng giám đốc.
Tất cả kế hoạch kinh doanh, phương án đầu tư, tôi đều phải xin phê duyệt từ các cấp liên quan trong Tập đoàn và người phê duyệt cuối cùng là ông Chủ tịch. Qua quá trình làm việc, tôi luôn được coi là giám đốc của một chi nhánh, không được sự ưu tiên đặc biệt nào và phải chịu trách nhiệm với những gì mình làm.
Vì vậy, thành quả của T&T Mỹ tới ngày hôm nay có lẽ đã chứng minh được thực lực của tôi với tập đoàn nói chung và cá nhân ba tôi nói riêng.
- Và những công việc khác thì sao, anh đã chứng minh cho cha mình thấy sự lựa chọn của mình là hoàn toàn hợp lý?
Đỗ Quang Vinh: Trong cuộc sống cũng như trong công việc, tôi và ba luôn có những quan điểm riêng nhưng nó đều bổ trợ cho nhau. May mắn hơn là tôi và ông đều có cách nhìn nhận và quyết định giống nhau, có lẽ cũng bởi tôi được ảnh hưởng nhiều từ cách sống và điều hành của ông. Vì vậy, khi tôi quyết định làm việc gì, thường sẽ được ông ủng hộ.
- Thực tế là cha anh - doanh nhân Đỗ Quang Hiển - đã dành rất nhiều tâm huyết, công sức để xây dựng lên một Tập đoàn T&T như hiện tại. Và sẽ không quá nếu nói rằng T&T Group hiện đã có cho riêng mình một “đế chế”. Trưởng thành trong một gia đình, một môi trường như vậy, anh cho rằng mình có “đam mê kinh doanh chảy từ trong máu” như người ta vẫn nói?
Đỗ Quang Vinh: Ngay từ nhỏ, khi có người hỏi tương lai tôi muốn làm gì, tôi đã trả lời là: “Businessman/Doanh nhân”. Cũng không biết máu kinh doanh đã chảy trong tôi từ khi nào nhưng ngay từ khi học cấp 3, tôi đã thấy mình học rất tốt các môn liên quan tới kinh doanh và kinh tế.
Đến bây giờ khi vào thương trường, tôi cảm thấy mình đã không hề lựa chọn sai vì công việc này luôn luôn mới mẻ và giúp tôi được gặp gỡ, có thêm rất nhiều mối quan hệ quý giá.
Chính vì vậy, tôi luôn biết đây là thế mạnh của mình và trau dồi thêm kiến thức mới và kinh nghiệm để trở thành một doanh nhân thành đạt như cha mình trong tương lai.
- Anh có thể chia sẻ về những kỷ niệm, những bài học về câu chuyện kinh doanh mà anh học được từ cha?
Đỗ Quang Vinh: Ba tôi là người dạy con theo quan niệm “thương cho roi cho vọt”. Ông rất nghiêm khắc trong công việc nên đòi hỏi sự tập trung, chỉn chu và cẩn thận từ chính những người con của mình.
Từ nhỏ, ông đã luyện cho chúng tôi cách sống tự lập, không dựa dẫm vào bất cứ ai, phải tự làm những việc trong khả năng của mình.
Sau khi tốt nghiệp, ông để tôi tự đi xin việc bên ngoài, để thực sự hiểu được khó khăn của một sinh viên mới ra trường là như thế nào, để hiểu được làm một người nhân viên khi không có sự hậu thuẫn sẽ phải phấn đấu vất vả ra sao. Kể cả đến khi tôi về làm cho tập đoàn T&T, ông cũng cho tôi vị trí ở thật xa, ở Mỹ, để tôi phải tự khởi nghiệp một mình. Ông cũng rất ít khi khen con vì muốn con liên tục phải phấn đấu, không được chủ quan, hài lòng với bản thân nhưng mỗi khi động viên thì mang giá trị tinh thần rất lớn. Dường như sự rèn giũa này thật sự hiệu quả, tôi giờ đã trở thành một doanh nhân độc lập, mạnh mẽ và tự tin đối diện với bất cứ thử thách nào.
Trong kinh doanh, ông luôn nhắc nhở tôi phải giữ một cái đầu lạnh thì mới có thể bình tĩnh giải quyết được vấn đề và là một nhà lãnh đạo giỏi không nhất thiết phải biết tất cả nhưng phải biết cách sử dụng người tài làm việc cho mình. Vì vậy, tôi luôn tập trung vào việc xây dựng bộ máy nhân sự, chú trọng đào tạo và ưu tiên người có ý thức phấn đấu, ham học hỏi thay vì chỉ có nhiều kinh nghiệm.
- Những doanh nhân thế hệ trẻ, giống như anh, đang ngày càng khẳng định được năng lực và bản lĩnh kinh doanh của mình, nhận được sự công nhận trên thương trường. Thời gian gần đây, câu chuyện thế hệ kế cận trong các gia đình doanh nhân đã được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn. Với cá nhân mình, anh đã sẵn sàng cho cuộc chuyển giao này hay chưa?
Đỗ Quang Vinh: Tôi đã sẵn sàng! Sẵn sàng ở đây là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tinh thần, kiến thức và kinh nghiệm để đón nhận những thử thách khó khăn nhưng vô cùng thú vị ở phía trước. Có thể nói, so với doanh nhân thế hệ trẻ cùng lứa, tôi hiện đang có ít những thành tích để “khoe” hơn vì những gì tôi làm được đều ở nước ngoài nhưng tôi lại thấy thoải mái vì không bị để ý quá nhiều.
Tôi nghĩ mình có lợi thế khi có thể hoàn toàn tập trung vào công việc, trau dồi năng lực và bản lĩnh kinh doanh mà không bị xao nhãng. Để khi trở về, tôi sẽ bung ra những thứ mà mình tích luỹ được và sẽ khiến mọi người bất ngờ.
Tôi bước chậm hơn những người khác nhưng được kinh qua khá nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính - ngân hàng, bất động sản, xuất nhập khẩu và dịch vụ. Tôi quan niệm “Học, học nữa, học mãi”! Vì vậy, lúc nào cũng cảm thấy những gì mình biết còn quá ít ỏi. Tôi luôn muốn được trải nghiệm, đón nhận những thử thách mới, được gặp gỡ giao lưu học hỏi từ những người đi trước và lắng nghe chia sẻ với những người đi sau. Với tôi, ai cũng có cái để mình học hỏi và rút kinh nghiệm.
- Liệu có áp lực nào không, khi anh tiếp quản sự nghiệp của cha mình trong tương lai? Ở cả 2 góc độ, là một người con và là một doanh nhân, thưa anh?
Đỗ Quang Vinh: Áp lực với tôi là một người bạn vô hình! Tôi thích nó và biết ơn nó!
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi vẫn luôn ý thức được việc mình là con của một người cha nổi tiếng thành đạt. Tôi luôn muốn khẳng định cho mọi người thấy “hổ phụ sinh hổ tử”. Và tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải thành công! Thành công trong cả học tập, công việc cũng như cuộc sống.
Người ta nghĩ tôi “sinh ra ở vạch đích khi có một người cha quá thành công nên việc thành công là quá bình thường, còn nếu thất bại thì cũng không có gì ghê gớm.” Nhưng tôi không quá quan tâm về định kiến này vì điều quan trọng là tập trung cho chính bản thân mình, gia đình mình để có cuộc sống thật tốt trong tương lai. Khi đó, tôi có thể đảm bảo được cuộc sống cho những người đang làm việc cho mình cũng như giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh ngoài xã hội.
Tôi nghĩ ai cũng nên có áp lực! Nếu không có, hãy tự biết tạo áp lực cho bản thân vì áp lực sẽ tạo nên thành công nếu biết vượt qua chính mình.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!