Bà Nguyễn Phương Thảo xuất hiện ở Women’s Summit với một bộ váy đen đơn giản với mái tóc kẹp thắt nơ cao, mái hỉ nhi quen thuộc. Bà Thảo dành 45 phút để chia sẻ về công việc của mình.
“Gần đây tôi bắt đầu phải làm quen với danh xưng tỷ phú. Thú thực tôi chưa quen. 30 năm làm doanh nhân, tôi chưa bao giờ đếm xem mình có bao nhiêu tiền, trở thành triệu phú hay tỷ phú từ lúc nào”, bà Thảo nói.
Lớn lên không thiếu thốn vật chất, đối với CEO Vietjet kiếm tiền chưa bao giờ là mục đích. Điều mà bà quan tâm là làm sao cho doanh nghiệp có chỗ đứng, sản phẩm làm ra chất lượng tốt cho người sử dụng, nhân viên được đãi ngộ tốt hơn. Bà cho rằng mọi việc đã được đẩy đi như vậy, để mọi người cùng làm việc, cùng cống hiến. Vì vậy bà cho rằng trở thành tỷ phú không phải là mục tiêu.
Nói về câu chuyện IPO của Vietjet, bà Nguyễn Phương Thảo bật mí hãng đã phải mất đến 800 ngày làm việc liên tục với sự tư vấn của 3 hãng luật quốc tế mới có thể niêm yết cổ phiếu VJC trên sàn chứng khoán.
“Mục tiêu của chúng tôi là muốn mang đến cho nhà đầu tư một sản phẩm mới mẻ. Nhưng khi bắt tay vào làm, chúng tôi mới biết có nhiều rào cản, có những thứ chênh lệch rất lớn giữa chuẩn mực của Việt Nam và quốc tế. Chúng tôi đã mất 800 ngày cùng dự án, do 3 hãng quốc tế lớn tư vấn”, bà nói.
Thực tế, dự án này đã có lúc suýt bị dừng lại bởi những rào cản, thách thức.
“Tháng 11 năm ngoái, có những lúc ban lãnh đạo, ban dự án đã có những lúc họp để quyết định đi hay dừng, vì có những rào cản không vượt qua được. Cuối cùng, chúng tôi đã dũng cảm để đi và đã làm được. Hi vọng, sản phẩm có thể làm hài lòng các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi cũng hướng đến cả thị trường New York”, bà Thảo cho biết thêm.
Dù vậy, CEO Vietjet tự nhận mình chẳng phải “dồn sức” gì trong 800 ngày này, bởi làm việc với bà đã thói quen suốt 30 năm qua, “thách thức chủ yếu đến từ team dự án”.
Đó là việc làm thế nào để mọi người trong nhóm có thể làm việc, nghỉ ngơi, tiếp thu những điều mới trong dự án; động viên mọi người nhẫn nại đến cùng. Rồi khi bế tắc quá, các hãng luật nước ngoài cũng chào thua thì bà Thảo lại đi “năn nỉ” các cơ quan, rằng Vietjet làm thật, rất cần sự ủng hộ từ các cơ quan chức năng.
“Công việc của tôi chỉ có vậy”, bà nói. Vị CEO này cũng nói thêm rằng trong công việc, nếu không có nhẫn nại, không có bao dung, sẽ không đi đến kết quả.