Aa

Chậm giải ngân đầu tư công - "Tiền chùa" không xót

Thứ Năm, 03/09/2020 - 07:00

Khi đất nước chưa phải là giàu, các bộ ngành và địa phương cố chạy vạy để xin được ngân sách. Ấy vậy mà khi có tiền lại không tiêu, rồi… trả lại ngân sách. Phải chăng đó là căn bệnh rơi rớt từ thời… bao cấp?

Đã nhiều năm nay, Chính phủ đau đầu về chuyện chậm giải ngân vốn đầu tư công. Năm nào cũng đốc thúc, năm nào cũng hô hào, năm nào cũng “làm quyết liệt”…, nhưng rồi năm nào cũng tồn lại một đống tiền. Rất xót xa.

Xin tiền rồi không tiêu

Một đất nước còn nghèo, tiền bạc chả dư dả gì, thậm chí còn phải đi vay nước ngoài về để đầu tư. Có được đồng tiền đã chật vật, phân bổ đồng tiền cũng chẳng hề nhẹ nhàng, vì trong tình cảnh phải đi vay mượn, giật gấu vá vai thì làm thế nào cho công bằng, cho hiệu quả cũng phải suy tính đến nát óc.

Đối với việc phân bổ ngân sách đã vậy, ngay người được phân bổ cũng chẳng phải là nhàn hạ. Để có được đồng tiền đầu tư từ ngân sách, địa phương, bộ ngành phải lên kế hoạch, lập dự án, lên dự toán, rồi thuyết minh, thuyết phục, và thậm chí cả… chạy vạy mới được phê duyệt.

Ấy vậy mà, đồng tiền phải qua bao nhiêu khâu, bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới có được ấy kết cục lại nằm chết dí một chỗ, để rồi hết năm lại chuyển sang năm sau hoặc trả lại ngân sách.

unnamed (2)

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phải than phiền rằng, mỗi khi Thủ tướng làm việc với các địa phương hay bộ, ngành, các đơn vị đều đề nghị xin thêm vốn đầu tư. Nhưng khi nhận vốn thì nhiều nơi lại tổ chức thực hiện không đến nơi đến chốn. Giải ngân vốn đầu tư công năm nào cũng chậm. Và thực tế này diễn ra đã nhiều năm.

Riêng năm nay, trong Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, diễn ra ngày 21/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải nhắc nhở, yêu cầu lãnh đạo của 31 bộ, cơ quan trung ương và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, đặc biệt là các địa phương và bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có biện pháp cụ thể, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân trong những tháng cuối năm. Bởi vì, chỉ còn hơn 4 tháng là hết năm mà vốn đầu tư công còn đọng tới 633.000 tỷ đồng, tức là gần 28 tỷ USD.

Mới đây nhất, ngày 26/8, Bộ Tài chính cho biết đã có 9 bộ, ngành đề nghị trả lại vốn ODA, trong đó có 8 bộ đã có văn bản chính thức với tổng vốn 3.700 tỷ đồng, chiếm 32% dự toán được giao. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin hoàn trả số vốn lớn nhất với hơn 1.800 tỷ đồng; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam xin trả lại số vốn 1.135 tỷ đồng; còn lại một số bộ xin trả lại số vốn từ 87 đến 500 tỷ đồng.

Điều trớ trêu là, nhiều bộ ngành, địa phương xin tiền ngân sách rồi không tiêu, trong khi đất nước lại đang rất cần tiền để phát triển kinh tế xã hội, thực hiện các mục tiêu lớn của quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế đang rơi vào trì trệ do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu COVID-19, thì đầu tư công càng có vai trò quan trọng để kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ tăng thêm 1% vốn đầu tư được giải ngân sẽ góp phần tăng 0,06% GDP. Ấy thế mà, tính đến hết tháng 7, cả nước mới giải ngân vốn đầu tư công được 35,6% kế hoạch; thậm chí có tới 10 bộ, cơ quan giải ngân… dưới 10%.

Dân gian có câu, tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra cửa tiền đẻ. Đối với đầu tư công, tiền không chỉ quan trọng ở chỗ đẻ ra tiền, mà trước hết là tạo ra cơ sở, tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội, tạo ra sự công bằng xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch dã thì việc giải ngân được vốn đầu tư công còn là giải pháp tài khóa kích thích nền kinh tế, tạo ra việc làm, bảo đảm dân sinh… trong hoàn cảnh hoạt động kinh tế đình trệ.

Ngược lại, vốn đầu tư công không giải ngân được, không những không phát huy được những tác dụng tích cực nói trên, mà còn là sự lãng phí ghê gớm. Cứ hình dung 633.000 tỷ đồng, tức là gần 28 tỷ USD nằm chết dí từ đầu năm đến giờ, và phần lớn trong số đó tiếp tục đóng băng đến cuối năm, nếu tính theo lại suất tín dụng, thì đã có hàng nghìn tỷ đồng bị ném qua cửa sổ. Đó là chưa kể uy tín quốc gia bị ảnh hưởng không nhỏ, khi trong số đó có không ít là vốn vay ODA. Quá xót xa.

Nhưng nguyên nhân là tại đâu?

"Tiền chùa" không xót

Chính phủ và các cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong đó có nguyên nhân từ quy trình, thủ tục, có nguyên nhân từ việc chậm phân bổ vốn của các địa phương, bộ ngành, năng lực của một số nhà thầu hạn chế, có nguyên nhân từ đại dịch COVID-19… 

Còn khi phân tích các nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân, qua tổng hợp báo cáo từ các Đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khó khăn lớn nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2020 đến nay là công tác tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù. Bộ Tài chính cũng cho rằng, chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn có vướng mắc dẫn đến tình trạng khiếu kiện ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án. Vân vân và vân vân…

07_nymu

Tất cả những nguyên nhân trên đều đúng, nhưng chưa đủ, và không phải là nguyên nhân khách quan. Bởi vì, trừ đại dịch toàn cầu COVID-19 là yếu tố đột xuất, bất khả kháng, thì những khó khăn còn lại các bộ, ngành, địa phương đều đã biết trước hoặc phải biết trước khi lập dự án, lên dự toán. Do đó, nếu để những yếu tố này cản trở đến tiến độ thực hiện dự án thì, một là do chủ đầu tư tính toán không sát, không đúng, chứ không thể đổ lỗi do khách quan; và hai là chủ đầu tư biết là sẽ chậm, thậm chí không thể triển khai được nhưng… vẫn xin dự án để được cấp tiền ngân sách.

Một câu hỏi đặt ra, nếu là một công trình tư nhân, ví dụ như ông chủ tịch tỉnh xây một cái nhà riêng chẳng hạn, liệu rằng ông chủ tịch ấy có đi vay tiền ngân hàng để xây ngôi nhà mà ông ta không biết chắc có xây được để phải trả lãi hằng tháng hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Thậm chí ông ta còn phải tính toán cụ thể xây vào tháng nào để thời tiết thuận lợi ít gặp mưa, xây vào tháng nào để tránh được việc thợ phải nghỉ dịp lễ tết ảnh hưởng đến tiến độ.

Của riêng chi li như thế, vậy tại sao của công thì lại có tình trạng xin tiền về rồi… để đấy?

Viết đến đây, tôi chợt hình dung cái cảnh mua hàng phân phối thời bao cấp. Do hàng hóa phải phân phối nên hiếm hoi đã đành, mà rất nhiều khi xảy ra tình trạng cái cần thì không có, cái có thì chưa cần. Chưa cần, nhưng chả biết bao giờ mới đến lượt mình, chả biết bao giờ mới mua được, nên khi được phân phối, cái lốp xe đạp chẳng hạn, thì cứ mua, thậm chí là “tội gì không mua”, cho dù lốp xe đang đi vẫn còn rất tốt. Mua về rồi treo trong nhà, dự trữ đấy. Vậy là mua do giá bao cấp rẻ, mua vì mình được diện mua, nếu không mua thì thiệt, chứ không phải mua vì nhu cầu sử dụng.

Đó là đồ phải bỏ tiền túi ra mua còn thế, huống hồ tiền công.

Cái tâm lý từ thời bao cấp đã ăn sâu vào máu, cộng với sự tính toán của thời kinh tế thị trường, lại bị ảnh hưởng của cơ chế xin cho còn rơi rớt lại, đã chi phối không nhỏ dẫn đến tình trạng ứ đọng vốn đầu tư công trong những năm qua.

Tiền của nhà nước, dự án phục vụ cho lợi ích của địa phương. Tội gì không xin. Thậm chí nếu theo dư luận đồn đoán, thì dự án nào chả có “phết phẩy”, vậy là “ích địa phương, lợi nhà”, nên chỉ có… không khôn mới không xin. Nhiệm kỳ mình không xin, nhiệm kỳ sau cán bộ kế nhiệm cũng xin, chỉ có mình là… thiệt. Vậy nên, xin được càng nhiều càng tốt. Còn nếu dự án chậm tiến độ thì xin giãn sang năm sau, cùng lắm không giãn được thì trả lại. Có mất gì đâu (!).

unnamed (1)

Tôi không có ý định vơ đũa cả nắm, bởi rất nhiều dự án được xây dựng xuất phát từ mục đích phục vụ quốc kế dân sinh, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, xuất phát từ cái tâm, cái tầm của cán bộ đầu ngành, đầu tỉnh. Cũng có những trường hợp chậm giải ngân là do khách quan, bất khả kháng. Tuy nhiên trong thực tế, vẫn có không ít trường hợp ít nhiều ảnh hưởng bởi tư tưởng, suy nghĩ “tiền chùa”, “mất gì mà không xin”, từ đó dẫn đến tình trạng tiền xin về không tiêu, giải ngân chậm, thậm chí xin trả lại với những con số khổng lồ như trên đã đề cập.

Vậy, phải làm thế nào để hạn chế, dần dần đi đến thanh toán tình trạng này?

Sức ỳ lớn cần biện pháp mạnh

Trước đây, khi dự án chậm thì thường được chuyển vốn sang năm tiếp theo, thực chất là kéo dài, gia hạn dự án. Sau đó, để thúc đẩy dự án đầu tư công, Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ điều chuyển vốn đầu tư công của Nhà nước từ địa phương này sang địa phương khác, từ ngành này sang ngành khác, từ công trình này sang công trình khác. Điều đó là cần thiết, bởi anh không làm được, không tiêu được tiền, không tiêu hết tiền… thì tôi cắt cho anh khác cần hơn. Tuy nhiên, biện pháp đó vẫn chưa giải quyết được tâm lý “mất gì của mình”, “tội gì không xin” vẫn còn lẩn quất đâu đó.

Chính vì vậy, trong Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, diễn ra ngày 21/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải đưa ra các chế tài cần thiết. Đó là, ngoài việc cắt vốn, điều chuyển vốn thì cần phải có các chế tài khác về thi đua khen thưởng và xử lý các vấn đề đặt ra như đánh giá cán bộ.

Điều đó là hết sức cần thiết, bởi tiến độ dự án, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công phản ánh khá trung thực năng lực cán bộ, trước tiên và tập trung là người đứng đầu bộ ngành, địa phương, từ việc định hướng phát triển, lập dự án đến tổ chức triển khai, thực hiện dự án. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng đặt câu hỏi: "Tại sao cùng cơ chế đó, có địa phương lại giải ngân rất tốt, còn nhiều địa phương lại rất ì ạch?”. Vì vậy, trách nhiệm cá nhân là điều không thể thiếu trong việc giải quyết vấn nạn này.

Mặt khác, cũng cần nhận thức, đầu tư công là chính sách tài khóa, là biện pháp kinh tế. Vì vậy, để bảo đảm hiệu quả của đầu tư công, phải có chế tài mang tính kinh tế. Nếu chỉ xử lý bằng cách điều chuyển, thu hồi vốn đầu tư công chậm giải ngân thì vẫn dung dưỡng cho suy nghĩ “tiền nhà nước, mất gì không xin”, vì đúng là có giải ngân chậm hoặc thậm chí không giải ngân được một đồng nào thì địa phương, bộ ngành cũng chả mất gì thật. Và như vậy vẫn diễn ra cảnh xin tiền ngân sách kiểu xí phần, giữ chỗ.

unnamed
(Nguồn ảnh: Internet)

Dân gian có câu: “Đồng tiền liền khúc ruột”. Điều đó cũng có nghĩa, không mất thì không xót. Do đó, để giải quyết căn bản vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, rất cần có biện pháp kinh tế. Nếu địa phương, bộ ngành nào chậm giải ngân vốn đầu tư công, thì song song với việc thu hồi, điều chuyển vốn, trừ vào điểm thi đua, coi đó là một tiêu chí đánh giá cán bộ, còn cần một biện pháp mạnh là phạt về kinh tế. Chẳng hạn như căn cứ trên số vốn chậm hoặc không giải ngân được và thời gian chậm, sẽ phạt bằng tiền theo một mức lãi suất tín dụng nào đó.

Chỉ như thế, mới có thể giải quyết được tận gốc tư tưởng coi tiền ngân sách là "tiền chùa". "Tiền chùa" nên không xót./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top