Chiều 9/6, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ tổng kết các vấn đề được thảo luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công.
Xác định rõ nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định đầu tư công là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế cần phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19.
Theo đó, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc và thành lập sáu tổ công tác kiểm tra đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Kết quả đến 31/5/2022 đã giải ngân đạt 22,37 % kế hoạch, trong đó vốn trong nước là 23,53% và vốn ODA đạt 6,26%.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thường trực cũng cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm đúng như ý kiến của một số vị Đại biểu Quốc hội. Hiện tại có tới 41/51 Bộ ngành cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Thực trạng giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng qua ghi nhận tổng giá trị thanh toán 115.900 tỷ đồng, chỉ bằng 22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đặt ra.
Trong các phiên chất vấn, đa số các đại biểu cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ là một lãng phí lớn, gây thất thoát nguồn lực quốc gia, kìm hãm sự phát triển của đất nước và giảm sút lòng tin của nhân dân.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương chưa đạt hiệu quả. Qua làm việc và kiểm tra thực tế tình hình giải ngân tại các Bộ và cơ quan địa phương, sáu tổ công tác của Chính phủ đã xác định các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ nét.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng vẫn chưa đầy đủ, thậm chí rắc rối và thiếu minh bạch.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ và Thủ tướng chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ban ngành địa phương, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022.
Trong tháng 5/2022, tổ trưởng sáu tổ công tác của Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu các địa phương nhanh chóng có giải pháp hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Hầu hết các bộ và cơ quan địa phương đều cam kết sẽ có giải pháp mạnh mẽ để hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022.
Tổng kết phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 9/6, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định cần quyết liệt trong điều hành chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó khẩn trương rà soát hoàn thiện chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng.
Đồng thời đẩy mạnh phân cấp phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến đất đai, nguyên vật liệu; rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án để giải ngân nhanh và hiệu quả.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong kết quả giải ngân và hiệu quả đầu tư của các dự án. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đạo đức công vụ, xử lý nghiêm các vi phạm và các chủ đầu tư, nhà thầu và ban quản lý dự án cố tình vi phạm, cản trở làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng thường trực cũng đề nghị các ban đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân các địa phương tăng cường giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan đơn vị địa phương mình, kịp thời có ý kiến với UBND các tỉnh để thúc đẩy giải ngân, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn trong năm 2022.
Để giải ngân toàn bộ lượng vốn đầu tư công năm 2022 vào nền kinh tế, trong phiên trả lời chất vấn trước đó (2/6), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ đã đưa ra các giải pháp cụ thể.
Trước hết, cần sớm sửa đổi và ban hành các quy định tại các luật liên quan đến đầu tư công như Luật đất đai, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng,... bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát các vướng mắc về thể chế làm chậm quá trình phân bổ, giải ngân dự án. Trên cơ sở đó sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản và các luật liên quan để bảo đảm hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công thống nhất, phân cấp triệt để gắn với trách nhiệm của từng cấp.
Ngoài ra, các bộ, địa phương giải ngân chậm cần kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. Đồng thời, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công; Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; Thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để đôn đốc, xử lý các vướng mắc trong hoạt động giải ngân; Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch và lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực.
Chính phủ coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị cấp bách, đặt trong bối cảnh nền kinh tế đang chờ nguồn vốn này để phục hồi. Hy vọng với các biện pháp quyết liệt của Chính phủ, và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc giải ngân vốn sẽ đạt được mục tiêu đề ra.