Aa

Chậm quy hoạch, vi phạm xây dựng bùng phát

Thứ Tư, 12/02/2020 - 16:45

Đi kèm với tốc độ đô thị hóa nhanh, một số xã ven đô tại 5 huyện được phê duyệt đề án lên quận của Hà Nội là Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Đan Phượng đang đối mặt với tình trạng nhức nhối về trật tự xây dựng.

Nguyên nhân một phần do quy hoạch chi tiết, hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan chưa có dẫn đến tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn.

Tỷ lệ cấp phép xây dựng còn thấp

Báo cáo đợt giám sát quy hoạch xây dựng tại Hà Nội của Thường trực HĐND TP. Hà Nội mới đây đã cảnh báo về tình trạng xây dựng tùy tiện, không có hình ảnh kiến trúc đặc trưng, đặc biệt tại 92 xã thuộc 5 huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh. 

Theo đó, đối với các huyện là Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì đã được phê duyệt đề án lên quận, chỉ huyện Thanh Trì có 100% diện tích nằm trong khu vực phát triển đô thị, nhiều xã của 4 huyện còn lại có một phần diện tích nằm ngoài vùng phát triển đô thị. Các quy hoạch đã phê duyệt có nhiều điểm không còn phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển từ xã lên phường, từ huyện lên quận. 

Bên cạnh đó, hầu hết các huyện chưa cắm được mốc giới quy hoạch, đặc biệt là mốc giới phân ranh giữa khu vực phát triển đô thị và khu vực ngoài đô thị. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý, cấp giấy phép xây dựng tại địa phương. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, dù cơ bản có đầy đủ các quy định về cấp phép xây dựng, tuy nhiên tại 5 huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, việc cấp phép xây dựng cho các công trình nhà ở riêng lẻ cũng như các dự án lớn mới chỉ đạt khoảng 12 - 18% .

Một phần huyện Thanh Trì nhìn từ trên cao. Ảnh: Tuấn Anh

Tỷ lệ cấp phép xây dựng còn thấp đã dẫn đến tình trạng tại nhiều khu vực, các công trình xây dựng nếu không chủ động trong quản lý sẽ tạo ra những khó khăn về sau này hoặc để diễn ra nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng gây bức xúc. Điển hình, tại huyện Hoài Đức với 7 trường hợp xây trên đất nông nghiệp tại xã An Thượng. 

Còn ở huyện Thanh Trì, không chỉ công trình dân sinh và DN nhỏ, mà sai phạm xảy ra với cả dự án bất động sản lớn. Trong đó, đáng kể là Dự án Tổ hợp văn phòng và nhà ở Housinco Tân Triều do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nhà Hà Nội số 35 làm chủ đầu tư; Dự án Khu nhà ở xã hội tại ô đất NO3, NO4 Khu đô thị Tứ Hiệp do Công ty CP Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí làm chủ đầu tư; Dự án nhà ở cho cán bộ thu nhập thấp của Bộ Tài chính (quỹ đất 20%) tại ô đất NO5 cũng tại Khu đô thị Tứ Hiệp.

Gỡ vướng để xử lý

Chủ tịch UBND huyện Ðông Anh Lê Trung Kiên cho biết, tốc độ đô thị hóa tại 23 xã và một thị trấn của Ðông Anh diễn ra rất nhanh. Hàng loạt dự án trọng điểm của T.Ư và TP đang triển khai, nhiều nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, đến nay huyện còn 3 đồ án quy hoạch phân khu đô thị (GN-A; R-sông Hồng, R-sông Đuống) chưa được phê duyệt nên việc cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ giới đường đỏ để thực hiện dự án gặp khó khăn. Quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài quy định nhà ở riêng lẻ xây dựng không quá 3 tầng nhưng lực lượng quản lý trật tự xây dựng còn mỏng, chưa kiểm soát hết tình hình, dẫn đến nhiều hộ dân xây dựng vượt số tầng quy định. 

Ngoài ra, việc áp dụng quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01:2008/BXD về mật độ xây dựng trong các khu vực dân cư hiện có, chưa có quy hoạch chi tiết còn chưa phù hợp với thực tế, không phù hợp với nhu cầu của Nhân dân, dẫn đến sau khi có giấy phép xây dựng (GPXD), rất nhiều người dân xây dựng công trình vi phạm sai GPXD được cấp (sai mật độ xây dựng). Để tháo gỡ, huyện đề nghị UBND TP, Sở xây dựng có các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc áp dụng các quy chuẩn xây dựng về mật độ xây dựng tại khu vực dân cư hiện có, khu vực chưa có quy hoạch chi tiết...

Lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì cũng chia sẻ, theo Luật Xây dựng năm 2014, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng, trong khi trên địa bàn huyện đã cơ bản phủ kín các quy hoạch phân khu đô thị, dẫn đến chính quyền cơ sở rất khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng. 

Nếu không quản lý trật tự xây dựng sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch, để lại hậu quả rất lớn sau này nhưng quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng sẽ "vênh" với luật định. Một số quy hoạch chi tiết được phê duyệt trước khi có quy hoạch phân khu đô thị cho nên các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc chưa phù hợp, không đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân và gây khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở.

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các đơn vị cấp huyện chưa có hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan, kiểm soát xây dựng tại khu vực nông thôn. Do vậy, xu hướng tự phát sẽ vẫn diễn ra tình trạng xây dựng lộn xộn, không có khoảng lùi cho công trình nhà ở hoặc chia nhỏ các thửa đất vườn để chuyển nhượng, mua - bán quyền sử dụng... tiếp tục làm gia tăng các áp lực về dân số, hạ tầng cơ sở và môi trường sinh thái - nhân văn đối với khu vực đô thị trung tâm, đặc biệt tại 5 huyện/92 xã ven đô có tốc độ đô thị hoá nhanh.

Thiết kế kiến trúc cảnh quan, kiểm soát xây dựng tại khu vực nông thôn là thể hiện mối liên hệ chặt chẽ, hữu cơ giữa nhà quản lý - nhà chuyên môn tư vấn - chủ hộ đầu tư xây dựng công trình (thông qua việc quản lý về quy hoạch xây dựng, cấp GPXD). Tuy nhiên, lĩnh vực thiết kế kiến trúc cảnh quan, kiểm soát xây dựng tại khu vực nông thôn trên địa bàn Thủ đô là lĩnh vực còn bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đúng mức.

Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top