Aa

Chạm tới yên bình nơi tòa nhà xanh giữa Thủ đô

Thứ Tư, 13/03/2019 - 06:00

Thú thực là đầu tiên đi làm ở tòa nhà này, tôi không hứng thú lắm vì vừa xa, vừa có cảm giác tẻ nhạt. Nhưng chỉ mấy tháng sau thì sự thích thú cứ tăng dần lên, và tôi bị… chinh phục.

Đó là tòa nhà Ecolife Capitol của chủ đầu tư Capital House, số 58 Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Lần đầu đến tòa nhà ấy, tôi đi xe máy nhưng hơi bụi và nếu đi đúng giờ cao điểm thì tắc đường là cái chắc. Thế là tôi chuyển sang đi xe buýt, sống chậm tí sao đâu. Bây giờ quen rồi, xe buýt là một điều thú vị, mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu, sạch sẽ không bụi bặm lại... an toàn, tiết kiệm. Ra cổng công viên Thống Nhất đường Đại Cồ Việt bắt xe 44, xuống trạm Nguyễn Tuân chuyển sang buýt nhanh (BRT), xuống trạm Lương Thế Vinh, đi bộ dăm sáu phút nữa là đến nơi.

Từ xa đã nhìn rõ tòa nhà bởi xung quanh là khoảng không mênh mông.  

Bước qua lối vào là bắt gặp ngay sắc xanh ngập tràn, từ tiểu cảnh phía trước ngăn cách với đường Tố Hữu đến con đường và vườn hoa bao quanh đều phủ đầy hoa lá.  
Đây là khu phức hợp văn phòng làm việc và căn hộ để ở. Ba tòa nhà liền khối chạy dài theo dải đất khiến cho mật độ xây dựng ở đây không cao, chắc chỉ khoảng 30 – 35%, tạo không gian thoáng đãng.  

Nơi tôi làm việc ở tầng 6 của khu Văn phòng A3 cao hơn 30 tầng. Như thế là tầng thấp, nhưng do không bị che khuất, lại có hai mặt thoáng nên thoải mái tận hưởng view về hướng Nam và hướng Tây.  

Không chỉ xanh ở bên ngoài, không gian xanh tràn vào trong sảnh, tràn vào hành lang, vào các phòng làm việc và tràn ra ban công... Nơi nào cũng ngời lên một màu xanh mướt mắt… 
  
Càng lên tầng cao, thành phố càng mở ra mênh mông trước mặt. Khu vực tòa nhà vừa có sự tấp nập của chốn thị thành, nhưng vẫn lác đác chất thôn quê với những luống rau xanh và làn khói lam chiều.  

Đây là trường Trung học phổ thông Trung Văn, xa hơn là khu đất đang chờ xây dựng người ta tranh thủ làm sân bóng mà hằng tuần, các bạn trẻ cơ quan tôi vẫn xỏ giầy rủ nhau ra đó đá phủi... Qua đường Lương Thế Vinh là Bệnh viện Y học cổ truyền của Bộ Công an, rồi khu đô thị Phùng Khoang đang được xây dựng… 

Buổi sáng mùa đông, đứng trên sân thượng nhìn về phía trung tâm vẫn thấy thành phố chìm trong sương sớm. Có hôm còn có cả mảng mây mù vờn trên nóc tòa nhà Keangnam, tưởng như chỉ với tay là chạm tới.  
Buổi chiều mùa hè, chẳng cần phải lên tầng cao, đi dạo ngay con đường phía Tây cũng được chứng kiến cảnh hoàng hôn tưởng như chỉ có thể tận hưởng nơi vùng quê thôn dã. 
Còn mùa xuân, những hàng cây mới trồng chưa thể cho không gian nơi đây ngập tràn sắc hoa nhưng cũng đủ điểm tô cho cuộc sống sinh khí mới. Tiết trời nhuần nhị, đàn cá vàng bơi lội tung tăng trong bể cá cảnh ngoài trời. Tôi bước đến gần, chưa cần gọi “bống bống, bang bang…” thì chúng đã bơi xô đến. Và chợt phát hiện ra điều thú vị nho nhỏ, tôi cứ đi về phía nào thì đàn cá lại bơi theo về phía ấy, tôi đứng lại thì chúng lượn vòng tròn như biểu diễn điệu múa xòe… Tôi lại chợt nhận ra, có những niềm vui vẫn ở quanh ta hằng ngày nhưng nhiều khi bị cuốn vào công việc mà ta chẳng hề hay biết…  
Nhưng tôi thích nhất là mùa thu. Không chỉ là cây hoa ban hay lộc vừng thay lá vàng rực, mà ngay đến cả những cây dây leo vô danh bám trên bức tường bao phía Đông cũng trở nên đẹp đến lạ lùng. Những dây leo nhằng nhịt, rối rắm, những chiếc lá vàng, lá đỏ khiến cho những mảng tường vô tri bỗng hóa thành những bức tranh sinh động đến mê hồn. Tôi cứ đứng ngẩn ngơ ngắm nhìn và tưởng tượng ra muôn hình thù kỳ lạ. Và chợt nhớ đến câu thơ của Phạm Tiến Duật trong bài “Nghĩ về trẻ con trước trận đánh”, rồi thầm thì khe khẽ:

“Nhớ những bức tường trên đường ta qua

Có nét vẽ bằng gạch non than củi

Không ra hình thù gì những đường vẽ rối

Là sơ đồ con đường con trẻ nhà ai…

Là sơ đồ con đường ngày mai

Con đường ta đi suốt đời không hết…”. 

Tôi chợt thú nhận, mình đã yêu nơi này tự lúc nào!

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. (Chế Lan Viên)

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top