Aa

Chạm trán thợ “móc” siêu đẳng châu Âu

Thứ Năm, 09/11/2017 - 10:23

Không ai mong muốn và đều cố tránh để mình khỏi bị dính đến việc bị mất cắp, bị móc túi. Bị mất cắp, bị móc túi, cũng giống như tai nạn, như sự cố xảy ra trong đời ta vậy… Khi xảy ra rồi thì thường là dễ buồn bực, trách giận. Tuy nhiên, nếu biết cách xem nó là một trong những trải nghiệm không dễ có, thì lại thấy những khía cạnh thú vị, mà đỡ buồn bực, trách giận đi. Lâu lắm rồi, kể từ thời bao cấp, tôi không bị mất cắp, móc đồ hay bị rạch túi.

Vì thế, việc chạm trán mấy cú với đám thợ “móc”, hay gọi là quân “hai ngón”, “trình” vào loại siêu đẳng, tại các thành phố nổi tiếng ở châu Âu là Copenhagen (Đan Mạch), Paris (Pháp), Vatican - Roma (Italia), mà đều đến sau khi đã trải qua một hành trình đầy thú vị, no nê cảm xúc tích cực, hân hoan, nên lại thành ra như lời nhắc nhở là tôi đang sống giữa đời thực đây, nhắc tôi nhớ cái cảm giác lạnh người khi bị mất sổ gạo, bị móc mất hết tiền bạc, tem phiếu thuở xa xưa... Chuyện này không mới, đã kể rồi, nay xin kể lại kỹ càng và đầy đủ hơn, để hầu bạn đọc thư giãn, mà cũng là chia sẻ những kinh nghiệm mà tránh, khi bạn có điều kiện đi công tác hay du lịch đến những địa danh tuyệt vời ở châu Âu cổ kính, trầm mặc, quyến rũ mà vẫn đầy sống động, biến động từng ngày trong đời thường…

Kỳ 1: Dàn thợ “móc” đẹp trai, đầy vẻ hào hoa ở Copenhagen

Copenhagen là một thành phố lớn của Đan Mạch, đất nước của Andersen, cha đẻ ra “Những chú lính chì dũng cảm” trong chuyện cổ tích quyến rũ bao nhiêu thế hệ thiếu nhi thế giới. Thành phố này có cái tên được cắt nghĩa là “Cảng biển của các nhà buôn”, khởi phát từ một làng chài nhỏ bé cách đây hơn mười thế kỷ, giờ đã thành thủ đô cổ kính của quốc gia gắn với huyền thoại Viking, thành phố lớn thứ hai của vùng Scandinavie, sau Stockholm, thủ đô của Thụy Điển. Đứng sau về diện tích và dân số, nhưng Copenhagen luôn luôn nhộn nhịp và có vẻ “đời” hơn Stockholm nhiều.

Tôi đã đọc nhiều về Andersen, đã nhiều lần mơ đến đây, chắc đến được rồi thì sẽ lý giải được phần nào lý do vì sao một chàng trai con nhà nghèo khổ, bình dân, tìm đến đây, đã được tuyển chọn để làm ca sỹ hát opera mà đột nhiên mất giọng, phải bỏ dở giấc mơ ca sỹ, rồi thành người phục vụ rạp hát, viết kịch và sau cùng thì trở thành nhà văn, người kể chuyện cổ tích, làm say lòng không chỉ tuổi thơ mà tất cả nhân loại. Andersen có một cuộc đời kỳ lạ, yêu đương khắc khoải không thành, thế mà văn chương thì giản dị, dào dạt nhân văn. Andersen góp vào cho Đan Mạch, cho Copenhagen thêm rất nhiều kỳ ảo…

Tượng Nàng tiên cá ở Copenhagen

Tượng Nàng tiên cá ở Copenhagen

Khi chúng tôi đến châu Âu là đúng vào thời điểm cảnh vật thiên nhiên ở đây đẹp đẽ và lãng mạn nhất. Trời trong xanh, nắng vàng hươm, nhiệt độ vừa qua giá rét, chỉ từ 15 đến 20 độ C. Và hoa, muôn ngàn loài hoa đua sắc ở khắp mọi nơi… Và chim, chim đủ loại sà xuống bên chân người trong công viên, trên hè phố, dưới nắng vàng tha thẩn lanh chanh bay đi kiếm ăn…

Chúng tôi ở học viện báo chí FOJO đóng tại thành phố Kamar (Thụy Điển) bên bờ biển Bantic xanh thẫm. Nhìn ra xa xa là đảo Orland như một mảnh lược dài nằm thư thái bềnh bồng giữa những làn sóng nhẹ nhàng mơn trớn. Hết giờ học chiều hàng ngày, thường vẫn còn khá sớm, chúng tôi rủ nhau đi vào phố dạo chơi. Đường phố vắng người… Những công viên cây xanh và hoa đủ màu sắc. Những lâu đài xám lặng và yên tĩnh. Có lần ra đảo Orland chơi, biển và đất yên bình, tĩnh lặng đến nghe rõ cả tiếng đập cánh của các bầy chim đang đáp xuống hay tưởng chừng như nghe được cả những bước chân của những đạo quân Viking chinh phạt biển vọng về từ trong lịch sử xa xưa. Đẹp và yên bình đến không tưởng tượng nổi.

Có vài đêm buồn, máu mạo hiểm dâng lên, chúng tôi kéo đi, thâm nhập vào những night club. Thì cũng mua một vài ly rượu mạnh, ngồi nhâm nhi xong, chả biết làm gì, lại đi lang thang ra phố. Họa hoằn lắm mới gặp được mấy thanh niên sửng cồ bằng cách nói to với nhau vì quá chén. Ghé vào chơi bạc, thả vài đồng bạc lẻ trong máy là mất hút, không đủ độ phê cho mấy nhà báo vốn thích phiêu lưu… Nói chung, Kamar của Thụy Điển đúng là một chốn thần tiên, an bình, trật tự và… trong lành đến phát… chán.

Có ai đó nêu: “Đi sang Copenhagen chơi vào chủ nhật tới đi”. Tất cả liền hưởng ứng ngay tắp lự.

Ga trung tâm thủ đô Copenhagen

Ga trung tâm Thủ đô Copenhagen

Sáng sớm chủ nhật, chúng tôi lên tầu hỏa ở Kamar, đi xuôi xuống phía Nam dọc biển Bantic tới thành phố Malmo, rồi vượt cây cầu biển dây văng Oresund dài gần 8 cây số là tới ga trung tâm Copenhagen rồi, chỉ non hai tiếng là đã sang vùng đất khác, quốc gia khác…

Ra khỏi cửa ga sáng chủ nhật hôm ấy, chúng tôi đã như bị lôi đi bởi không khí đang dần nhộn nhịp trên đường phố. Những dãy hàng quán hai bên phố cổ chui xuống lòng đất luôn tấp nập. Những quán café bày trên vỉa hè. Một vài đám hát, chơi nhạc, diễn trò. Những đàn ông, đàn bà cởi trần bôi khắp người loại sơn nhũ óng ánh, tạo hình thành những bức tượng đồng cho du khách đến đứng cạnh chụp ảnh, để xin tiền người qua đường… Có tiếng nhạc rộn rã vui tươi đang vang tới. Gặp may rồi, hôm nay có lễ hội Carnaval trên đường phố. Mọi người vội vàng chuẩn bị máy ảnh… Những hình ảnh xưa nay mới chỉ thấy trên tivi, phim ảnh, nay bày ra ngồn ngộn trước những cặp mắt háo hức.

Một đám nhà báo “bị nhốt” hơn chục ngày trong không khí yên bình, tĩnh lặng, giờ được hòa vào ngay náo nhiệt, ở giữa những đám đông, thì “đã đời” còn hơn đất nắng hạn lâu ngày đón trận mưa rào đầu mùa hạ.

Tôi say sưa đi, rồi ghé vào một cửa hàng bán đồ lưu niệm và sách. Chọn mua được cuốn “Truyện cổ tích Andersen” nguyên bản đã cu cũ để làm kỷ niệm cho vào trong túi xách. Một bạn cùng đoàn ghé vào, kêu ra ngay, có một đám Carnaval toàn phụ nữ, trang trí đầy lông chim trên đầu, trên vai và dưới bắp chân, còn vòng một, vòng hai, vòng ba thì phơi ra, hấp dẫn lắm. Cùng kéo ra xem, đi theo một đoạn rất dài. Tôi thấy là cần phải chụp để ghi lại nên lấy máy ảnh ra. Thôi chết rồi, để quên túi xách có máy ảnh ở chỗ mua sách. Kéo tay nhau chạy thục mạng trở lại chỗ cũ. Túi xách tôi vẫn còn nguyên đấy, chủ quán tươi cười đưa cho. Chao ôi, cái đất nước này văn minh, lịch sự, đáng yêu đến như vậy cơ chứ!

Lễ hội Carnaval

Lễ hội Carnaval

Háo hức ghi không biết bao nhiêu hình ảnh lễ hội và đường phố xong thì đến trưa, chúng tôi vào một quán ăn làm một bụng đẫy. Buổi chiều thư thả dạo bước khắp kinh đô Copenhagen. Này đây tượng Nàng tiên cá nổi tiếng. Đây cung điện Amalienborg, cung điện Frederiborg hoành tráng với những lính tráng trong trang phục cổ xưa đúng phiên đổi gác. Đây lâu đài Rosenborg trầm mặc, uy nghiêm. Đây vườn hoa Tivioli nổi tiếng rực rỡ sắc màu. Và bao nhiêu những tượng đài, công trình kiến trúc từ thời Phục hưng đang phập phồng sống động dưới nắng chiều…

Xẩm tối, tất cả quay lại ga trung tâm đợi tầu trở về trong tâm trạng đầy phấn khích và no nê cảm xúc.

Chừng năm phút nữa thì tàu đến. Có một nhóm thanh niên dáng cao to như những cầu thủ bóng đá, đầu tóc cắt ngắn lịch sự, ăn mặc bảnh bao, áo sơ mi sáng màu sơvin trong quần âu sẫm màu. Đám ấy, tay cầm vé tàu, cười nói tiến lại hỏi chúng tôi về chuyến tàu, giờ tàu chạy. Đang sẵn cảm mến con người và đất nước này, chúng tôi xúm vào hướng dẫn rồi chuyện trò bằng thứ tiếng Anh bập bõm, xen lẫn cử chỉ tay chân bổ sung cho lời thoại hết sức vui vẻ.

Tàu vào ga. Nhóm thanh niên đi nhanh. Chúng tôi cũng vội vã lên tàu...

Thôi chết rồi, chiếc túi, trong đó có chiếc máy ảnh, tôi để ngay chân mình vừa ngồi đây đi đâu rồi?

Tôi và mọi người trong đoàn cùng ngơ ngác nhìn quanh. Mấy người còn ở sân ga hất đầu chỉ theo nhóm thanh niên, như bảo: “Ở đấy đấy! Bọn trộm đấy!”.

Hóa ra cái đám thanh niên trông như tài tử xi nê, đẹp trai, đầy vẻ hào hoa ấy chính là một đội thợ “hai ngón”. Màn hỏi han thân ái và trò chuyện cởi mở lúc nãy là để đánh lạc hướng chúng tôi cho một thằng “nẫng” túi.

Làm sao bây giờ? Chỉ còn chuyến tàu cuối này để trở về Thụy Điển, không lẽ ở lại đây qua đêm để báo cảnh sát tìm bọn trộm? Mà báo thì chắc gì cảnh sát đã tìm lại được? Tôi đành lên tàu cùng mọi người.

Trên tàu, tôi ngẫm nghĩ và thấy bật cười khi nhận ra mình đã như anh chàng Đum ngố trong bộ phim nổi tiếng “Thiên hạ vô tặc” (Đời không trộm cắp) của Phùng Tiểu Cương. Tôi đúng là một con người phi thực tế. Đi giữa nơi ồn ào náo nhiệt, đầy kẻ xấu mà y như chàng dân quê Đum ngố mang theo hơn nửa triệu bạc tích cóp bao năm trên tàu hỏa đầy những kẻ móc túi từ chỗ làm thuê về nhà để cưới vợ mà cứ tin rằng trên đời chẳng có ai là người xấu.

Đum ngố ngây thơ, tin người, vô tư giúp người nên đánh động lòng cảm mến của đôi vợ chồng móc túi khét tiếng vừa kịp hoàn lương, họ quyết giữ cho niềm tin của Đum ngố không bị lấy cắp đi. Tiền của Đum ngố trên tầu bị lấy cắp rồi lại được trả về, có lúc bị tráo đổi thành bạc giả rồi lại về là tiền thật ban đầu mà Đum không hề biết. Đum ngố kết cục rất có hậu khi không hề bị suy suyển món tiền, dù đã xảy ra bao nhiêu xung đột của các băng nhóm, thậm chí có cả công an và cái chết của anh chồng trong cặp đôi hoàn lương quyết chí bảo vệ niềm tin của cậu. Tôi bật cười khi nhớ lại các tình tiết của bộ phim thật hay này. Nhưng rồi cũng không thể tránh được thẫn thờ, khi thấy mình không có hậu như anh chàng kia. Lại thấy tiếc đứt ruột chiếc máy ảnh, không, đúng ra là chỉ tiếc trong đó có bao nhiêu khuôn hình tôi mới chụp thật đẹp ở thủ đô Copenhagen…

Đón xem Kỳ 2: Một trung đoàn móc túi dưới tàu điện ngầm ở Paris

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top