Chẳng có phương pháp xử lý rác thải nào ở Việt Nam là triệt để!
Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, rác thải ngày càng gia tăng và trở thành vấn nạn khó giải quyết. Tại Việt Nam, chỉ riêng lượng rác thải sinh hoạt đã có khoảng 25,5 triệu tấn/năm, rác thải ở đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày và rác thải ở nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày. Trong đó, các biện pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp (70%), đốt thủ công (28%). Để hiểu hơn về các biện pháp xử lý rác thải tại Việt Nam, chúng tôi có trao đổi với PGS.TS Nguyễn Đình Hòe – Giảng viên khoa môi trường tại ĐH KHTN - ĐHQG Hà Nội.
PV: Thưa ông, mỗi năm Việt Nam thải ra tận 25,5 triệu tấn rác thải sinh hoạt, vậy có những cách xử lý nào để lượng rác thải này ít ảnh hưởng nhất đến đời sống người dân cho đến thời điểm hiện tại?
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe: Hiện nay ở Việt Nam có 3 phương pháp xử lý rác thải phổ biến. Thứ nhất là là đổ xuống sông xuống biển. Rất nhiều địa phương cứ cho rác vào tải rồi đem vất ra ngoài môi trường. Rồi một số cộng đồng ven biển đem rác đổ ra bãi biển cho sóng nó cuốn đi.
Cách thứ hai là đốt nhưng xử lý đốt vẫn theo quy mô nhỏ và rời rạc. Nhiều địa phương cũng chỉ đốt được lượng nhỏ so với lượng thải ra.
Phương pháp thứ 3 phổ biến nhất tại Việt Nam là chôn lấp như trường hợp ở Sóc Sơn, hay TP. Hà Nội, TP. HCM đều chôn lấp nhưng không xuể, đặc biệt là chất dẻo, nilon, nhựa cứng chôn lấp cũng không thể tiêu hủy được hoàn toàn dù có qua hàng trăm năm.
PV: Trong những biện pháp xử lý rác thải trên, biện pháp nào được xem là tối ưu nhất và ít để lại hậu quả cho môi trường sống?
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe: Biện pháp đốt khá triệt để, vì vậy nhiều quốc gia đã đốt rác để thu hồi năng lượng điện. Tuy nhiên, công nghệ đốt không phải dễ thực hiện. Không phải như cho củi vào lò là đốt thành tro, thành than mà cần cả hệ thống máy móc công nghệ đặc biệt, để rác có thể bị tiêu hủy hoàn toàn và thu khí bay lên khử hết độc rồi mới thải ra môi trường. Đối với một số loại rác là chất dẻo, nếu lò đốt không đủ nhiệt độ sẽ gây ra chất dioxin độc hại.
Trước đây, tôi có đi công tác ở Bỉ và chứng kiến hậu quả của việc đốt rác không triệt để nơi đây. Thủ đô Brussels không có nơi chôn lấp rác nên đã xây dựng lò đốt sát biên giới của bang, kết quả là khói độc khiến các bà mẹ của Brussels bị nhiễm Dioxin và từ đó luật pháp Bỉ cấm các bà mẹ cho con bú, buộc trẻ em ở đây phải uống sữa bột công thức. Bất kỳ phụ nữ Brussels nào nếu cho con bú sẽ bị phạt tù.
Tại Việt Nam, ở một số tỉnh nhỏ như Hà Nam có lò đốt mini ở cấp thị trấn hay làng xã. Tuy nhiên, các lò đốt này cũng chỉ gọn nhẹ chứ không triệt để.
Tình trạng xử lý rác thải tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập
Phương pháp chôn lấp khá phổ biến ở nước ta, nhưng cũng có bất cập. Như chất dẻo chẳng hạn chôn bao lâu nó mới phân hủy và chôn không đúng quy cách sẽ gây hậu quả thế nào? Rồi còn nhiều điều cần phải bàn, thứ nhất là nước rỉ từ rác, thứ hai là ruồi, thứ ba là động vật có vú nhỏ sống trong bãi rác như chuột, mèo hoang có thể lan truyền vi khuẩn như vi khuẩn ăn thịt người Whitmore. Vi khuẩn này từ xác chết của động vật chảy theo dòng nước bẩn ngâm xuống bùn và chẳng may con người tiếp xúc với bùn đất đó sẽ gây bệnh. Người ta cứ nói, đất bùn ô nhiễm nhưng chính xác là từ động vật chứ bùn không thể tự nhiên mà hình thành nên Whitmore, nó chỉ là môi trường chứa vi khuẩn thôi.
Nếu chôn đúng quy trình đi chăng nữa thì các bãi chôn cũng cần để nguyên ít nhất 25 năm mới hết độc hại và phải cách thật xa dân cư, ít nhất vài chục cây số. Việt Nam không có bãi rác nào để nguyên được 25 năm để nó hủy hoại, chỉ qua vài ba năm là người ta lại làm nhà làm cửa làm đủ mọi thứ trồng cây ăn trái... vô cùng độc hại.
PV: Theo số liệu của Bộ Tài nguyên Môi trường, mỗi ngày có khoảng 350 đến 400 tấn chất thải y tế được thải ra, trong đó có tới 42 tấn chất thải y tế độc hại cần được xử lý. Vậy rác thải y tế có công nghệ nào xử lý để giảm thiểu tác hại này không?
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe: Rác thải y tế là thứ vô cùng độc hại và nó không thể chôn lấp mà chỉ có một biện pháp duy nhất là đốt ở nhiệt độ thật cao, cao hơn nhiệt độ đốt của rác thải sinh hoạt rất nhiều. Cho nên người ta mới yêu cầu phân loại rác ngay tại bệnh viện trong thùng màu vàng, nếu rác thải sinh hoạt có lẫn một chút rác thải y tế thì toàn bộ lượng rác ấy cũng phải được xử lý như rác thải y tế.
Đã có quy định xử lý rác thải y tế dành cho các bệnh viện rất rõ ràng nhưng vấn đề là họ có thực hiện nghiêm túc không? Các bệnh viện vẫn bán chai lọ, dây truyền xirom, rác thải y tế bằng chất dẻo để tái chế, bằng chứng là rất nhiều phóng sự điều tra trước đó trên truyền thông về việc rác thải y tế từ các bệnh viện được thu gom tuồn ra ngoài cho các làng đồng nát.
Còn với các cơ sở y tế địa phương nhỏ hơn, quy định rác thải y tế là đốt nhưng người ta cũng chỉ có thể đốt bình thường chứ không có lò đốt nào đủ tiêu chuẩn, ví dụ các trạm xá thì thường đào hố ngoài vườn và đốt, theo hình thức đó thì không thể triệt để được.
PV: Vậy, theo ông, cần có giải pháp gì để cải thiện tình hình, giải quyết những nguy cơ tiềm ẩn trong vấn đề rác thải đối với vệ sinh môi trường và đời sống xã hội?
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe: Rác là thứ xã hội loài người vất bỏ không muốn quan tâm đến, nếu muốn quan tâm thì phải làm thế nào cho nó đàng hoàng, phải bỏ rất nhiều tiền của mới có thể xử lý được.
Ở Việt Nam chưa có tỉnh thành nào, chưa có công nghệ nào có thể xử lý được rác thải một cách triệt để. Ngay cả thành phố HCM, có bãi rác khổng lồ Đa Phước đầu tư rất lớn cuối cùng cũng chỉ chôn lấp chứ không xử lý được gì.
Với phương pháp chôn lấp nếu thực hiện phải để nguyên trong vòng 25 - 30 năm và đất rộng, dân thưa. Việt Nam mình còn đang dự đoán dân số lên 150 triệu, trước đây mỗi gia đình chỉ 1 - 2 con giờ chính sách sinh đẻ nới rộng hơn do đó dân số ngày càng bùng nổ, nhất là các đô thị phình to rất nhanh. Hà Nội trước kia chỉ vài ba triệu người, nay đã 7 - 8 triệu dân, cộng với dòng người đổ về làm ăn trong ngày và khách du lịch là hơn chục triệu người thì khó có thể gom và xử lý rác tốt.
Số lượng rác quá lớn cho nên không chỉ xử lý bằng công nghệ, thu gom, ... mà còn phải đặt nó trong một kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế quốc dân, hài hòa với các lĩnh vực khác thì mới quản lý được. Ngoài các biện pháp xử lý thì cộng đồng cũng phải nâng cao ý thức tăng cường tái sử dụng đồ nhựa, phân loại rác tại nguồn chứ rác thải ngày càng nhiều, người người đều ném ra thì không có cách nào xử lý được.
Tác giả: Lam Anh/Đô Thị Mới
Thiết kế:Lam Anh