Aa

Chất thải rắn - nỗi ám ảnh của môi trường đô thị

Thứ Hai, 24/07/2017 - 15:19

Tại các đô thị, chất thải rắn phát sinh từ hộ gia đình, khu công cộng, công trình xây dựng… là nguồn ô nhiễm có nguy cơ gây hại lớn đối với môi trường đất. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất.

Đến nay, tình hình phát sinh và xử lý chất thải rắn (CTR) ở khu vực đô thị vẫn là vấn đề nổi cộm và chưa có biện pháp tháo gỡ.

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, lượng CTR sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị là khoảng 38.000 tấn/ngày với mức gia tăng trung bình 12% mỗi năm và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Những con số đáng ngại

CTR được phân thành 4 loại chủ yếu là: CTR sinh hoạt, CTR y tế, CTR công nghiệp và CTR xây dựng.

Tại Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 được Bộ Tài nguyên & Môi trường công bố ngày 20/7, CTR sinh hoạt ở các đô thị hiện chiếm đến hơn 50% tổng lượng CTR sinh hoạt của cả nước mỗi năm.

Thành phần chính của CTR sinh hoạt bao gồm chất vô cơ (phế thải thủy tinh, sành sứ, kim loại, nilon, nhựa, vải…) và chất hữu cơ (cây cỏ, rau củ hư hỏng, đồ ăn thừa, xác và phân động vật…).

CTR sinh hoạt đô thị phát sinh chủ yếu từ các hộ gia đình, khu vực công cộng (đường phố, chợ, văn phòng, trường học…), có tỷ lệ hữu cơ vào khoảng 54 - 77%, chất thải có thể tái chế chiếm khoảng 8 - 18%.

Đặc biệt, thói quen sử dụng túi nilon tràn lan ở nước ta gây nên một nguồn lớn rác vô cơ. Loại túi thường được dùng nhỏ, mỏng, ít có giá trị đối với người thu gom, tái chế nên tồn tại nhiều trong các bãi chôn lấp và hầu như không phân hủy được, khi bị đốt sẽ phát thải các khí gây ô nhiễm như HCL, COV, Dioxin, Furan…

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Và con số này không ngừng tăng lên qua mỗi ngày.

Theo một khảo sát của cơ quan môi trường, hằng năm, một người Việt Nam sử dụng 30kg các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa.

Trong CTR sinh hoạt có một lượng CTR nguy hại như pin, ắc-quy, đèn tuýp, nhiệt kế thủy ngân, vỏ thuốc trừ sâu, thuốc xịt côn trùng… bị thải lẫn vào chất thải sinh hoạt và mang đến bãi chôn lấp, tỷ lệ là 0,02:0,82%.

Về CTR y tế, do sự tăng nhanh về số lượng giường bệnh nên khối lượng phát sinh CTR có chiều hướng gia tăng. Mức tăng chất thải hiện nay là 7,6/năm. Năm 2015, lượng CTR y tế phát sinh là 600 tấn/ngày và ước tính năm 2020 sẽ là 800 tấn/ngày.

Chỉ riêng địa bàn Hà Nội, qua khảo sát của Bộ Y tế, lượng CTR do hoạt động y tế trên địa bàn thành phố do Sở quản lý trong năm 2014 là khoảng 3.000 tấn. Trong đó chất thải nguy hại y tế từ hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố mà không bao gồm các các bệnh viện tuyến TW năm 2014 đã là trên 1,6 nghìn tấn.

CTR công nghiệp đô thị phát sinh từ các cơ sở công nghiệp nằm xen kẽ khu vực dân cư. Đến này, Tổng cục Môi trường vẫn chưa đưa ra số liệu thống kê cụ thể về lượng phát sinh CTR công nghiệp do tính phức tạp về đặc điểm, tính chất công nghệ, quy mô sản xuất của các ngành sản xuất ở nước ta.

Tại Hà Nội, CTR công nghiệp từ ngành cơ khí có khoảng 50% là chất thải độc hại chứa kim loại nặng, chất ăn mòn và dễ cháy; từ công nghiệp dệt, may mặc chứa khoảng 44,5% chất thải độc; từ ngành điện tử có trên 70% là chất thải độc hại chứa các cặn kim loại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; từ ngành hóa chất có khoảng 62% chất thải độc hại dưới dạng vi sinh vật và kim loại hòa tan; từ ngành công nghiệp thực phẩm có khoảng 20% chứa các vi khuẩn gây thối rữa…

Xử lý chưa hiệu quả

Công tác phân loại, thu gom và xử lý CTR đã đặt kết quả nhất định, tỷ lệ trung bình đạt khoảng 85% vào năm 2014 và tăng lên 85,3% trong năm 2015.

Công nghệ xử lý phổ biến để xử lý CTR sinh hoạt vẫn là chôn lấp, ủ phân hữu cơ và đốt. Phần lớn CTR sinh hoạt đô thị chưa phân loại tại nguồn, ở một vài đô thị lớn mới triển khai thí điểm tại một số phường, quận. Tỷ lệ CTR được chôn lấp trực tiếp khoảng 34%, được tái chế tại các cơ sở xử lý đạt khoảng 42%.

Hơn 90% bệnh viện thực hiện thu gom hàng ngày và phân loại chất thải từ nguồn, tỷ lệ đạt trên 75% vào năm 2014. Tuy nhiên, phương tiện thu gom còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đạt tiêu chuẩn, không có trang thiết bị đảm bảo cho quá trình vận chuyển được an toàn, công nghệ xử lý chủ yếu bằng lò đốt.

Với CTR công nghiệp, lượng thu gom, xử lý tăng qua các năm, một số loại được cơ sở tận dụng tái sử dụng, tái chế. Với chất thải nguy hại được thu gom, xử lý bởi các đơn vị có chức năng do cơ quan quản lý cấp phép thực hiện.

Công tác thu gom, xử lý CTR vẫn chưa thực sự được làm tốt. Các trạm trung chuyển CTR không đảm bảo vệ sinh gây ra tác động xấu tới đời sống sinh hoạt của người dân và mất mỹ quan đô thị, giảm lượng khách du lịch.

Có thể thấy rõ điều đó qua những bức xúc của người dân đối với vấn đề này, điển hình như ở vụ bãi rác Đa Phước (TPHCM) và gần đây nhất là bãi rác Nam Sơn (Hà Nội).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top