Aa

Hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ đồng nào, ai chịu trách nhiệm?

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Bảy, 13/11/2021 - 06:15

Một lần nữa vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công lại làm nóng nghị trường Quốc hội khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phần lớn lỗi là của địa phương.

Trách nhiệm của bộ hay địa phương?

Chuyện bi hài này diễn ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào chiều 11/11, Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) nêu "Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/10/2021 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng như việc giải ngân vốn ODA còn đạt thấp so với kế hoạch. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và những năm tiếp theo?".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, đây không phải lần đầu vấn đề giải ngân đầu tư công được nêu tại kỳ họp Quốc hội. Nguyên nhân của việc chậm trễ này lớn nhất là do chất lượng công tác chuẩn bị dự án kém, mang tính hình thức nhiều, qua loa, sau khi được chấp thuận chủ trương mới thực hiện một cách thực tế, lúc đó lại mất thời gian làm lại, sửa đi sửa lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian.

Bộ trưởng cho rằng, về giải phóng mặt bằng là câu chuyện muôn thuở, nếu các quy định về đất đai chưa giải quyết được triệt để, vì vẫn bị vướng mắc về nguồn gốc đất, giá đền bù, tranh chấp, ý thức người dân... làm chậm tiến độ. Riêng năm 2021, có những nguyên nhân là bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phải giãn cách xã hội ảnh hưởng đến nhiều vấn đề về nguyên vật liệu, nhân công thiếu lao động, chi phí tăng cao, nguyên vật liệu tăng cao.

Theo ông Dũng, nguyên nhân ở khâu thực hiện vẫn là chính, toàn bộ vấn đề từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tất cả các dự án nhóm A, B, C đều đã phân cấp địa phương; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; điều chỉnh chủ trương đầu tư đều đã phân cấp cho địa phương...

Bộ chỉ còn ba chức năng chính là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; đảm bảo chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí điều hành hàng năm. Khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã giao vốn một lần, theo một khoản cho các địa phương ngay từ tháng 11 năm trước. Vì vậy, vấn đề hiện nay là nằm ở địa phương, còn những vấn đề thuộc về trách nhiệm Trung ương và Bộ thì cầu thị.

Về trách nhiệm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đã phân cấp chủ yếu cho các địa phương. Do đó, nếu có chậm chủ yếu là ở khâu thực hiện, trong đó trách nhiệm chủ yếu thuộc về địa phương, tính đến hết tháng 10, có tới 30 tỉnh giải ngân dưới 60%.

bo truong nguyen chi dung

Tuy nhiên, Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đã bấm nút tranh luận và cho rằng, vấn đề này đã tồn tại nhiều năm, vậy vai trò, trách nhiệm, giải pháp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vốn được coi là cơ quan “gác cửa” ra sao? Nếu cứ để tồn tại, vướng mắc như thế này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển.

Trước ý kiến tranh luận trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải giải trình, làm rõ, xác định được nguyên nhân chủ quan, khách quan, cốt lõi và phải đột phá ở đâu.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2020, giải ngân đầu tư công đạt kỷ lục 98% nhưng 10 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư chưa được 50%. Cùng môi trường thể chế như nhau nhưng có đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp. Doanh nghiệp, người dân đều mong có gói kích thích mới, trong khi tiền có còn chưa tiêu hết, thậm chí tiền phân bổ cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia đến nay chưa phân bổ được.

“Toàn bộ số tiền chúng ta đang có mà còn chưa tiêu hết, thì còn tiêu mới cái gì đây? 16 nghìn tỷ của ba chương trình mục tiêu quốc gia đến nay chưa phân bổ đồng nào, 56 nghìn tỷ của địa phương cũng chưa phân bổ được đồng nào, chưa kể năm 2022 tới đây thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu không làm rõ thì dù Quốc hội chất vấn xong, có Nghị quyết cũng vẫn chưa giải quyết được vấn đề, các cấp, các ngành và các bộ phải làm rõ trách nhiệm ở đâu, tình hình kiểm tra giám sát giải quyết, không thể nói chung chung là có vướng mắc.

chu tich quoc hoi vuong dinh hue

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thể chế liên quan đến đầu tư công đều đã đầy đủ, đã phân cấp đầy đủ cho địa phương, không còn gì lên tới Trung ương cả. Ngay cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý chung, không có giấy tờ gì, không gặp nhau.

Nguyên nhân chính là do ở khâu thực hiện, lập kế hoạch không sát, rồi địa phương, bộ, ngành thờ ơ, chưa làm hết trách nhiệm và ông Dũng nói rằng “Chúng tôi có trách nhiệm là nể nang, không sát, cứ tổng hợp và đưa lên”!

Tuy nhiên, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng “Nói chậm giải ngân vốn đầu tư công do địa phương thì tội địa phương quá”. 

Theo Đại biểu Hòa, các dự án nhóm A trọng điểm quốc gia do bộ, ngành trung ương thẩm định. Nếu có địa phương chậm thì đó là nơi nào, phải chỉ rõ để xử lý; bộ ngành trung ương thẩm định nhóm dự án A chậm thì ai chịu trách nhiệm cũng phải làm rõ.

Việc giao vốn và ghi dự án song song là bất cập, vì chưa phê duyệt xong, thậm chí mới thẩm định sơ bộ, chưa thẩm định chính thức thì đã kèm theo vốn. Dự án chưa xong thì không thể giải ngân, nên bất cập cần điều chỉnh.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nêu: “Khi đi giám sát tại địa phương, đại biểu được nghe trách nhiệm đó thuộc về Trung ương, song khi làm việc với bộ chủ quản thì lại được nghe nguyên nhân đó thuộc về địa phương”.

Dù có nhiều ý kiến về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dự án giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm: “Dự án của địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm, dự án của Trung ương thì Trung ương phải chịu trách nhiệm. Còn dự án Trung ương có cấu phần liên quan và đã trao cho địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm”.

Cũng theo ông Dũng, trong đề án tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công sắp tới sẽ trình Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình riêng phần giải phóng mặt bằng giao cho địa phương và địa phương có thể dùng cả ngân sách của trung ương để thực hiện, hoặc có thể dùng cả ngân sách địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng. Nếu tách được và giao hẳn cho địa phương thì sẽ phân biệt rõ ràng trách nhiệm Trung ương hay địa phương đối với dự án của Trung ương trên địa bàn.

"Chúng tôi luôn nỗ lực không để chậm một ngày, một giờ nào. Còn quy trình thủ tục gồm nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan để tổng hợp lại có thể chậm, chúng tôi rút kinh nghiệm và cố gắng cao nhất", ông Dũng nói.

Như vậy là sau phần chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa làm rõ được trách nhiệm của Trung ương và địa phương, từ đó xem xét trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân, tổ chức và tình trạng này có thể sẽ tiếp tục tái diễn vào năm sau.

Thiệt hại ra sao, truy trách nhiệm thế nào?

Thảo luận với Reatimes về vấn đề này, ông Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá, việc chậm giải ngân đầu tư công kéo dài nhiều năm gây ra những hệ lụy lớn và lâu dài với nền kinh tế.

Ông Kiêm phân tích: “Đầu tư công là một trong những yếu tố quan trọng phản ánh tăng trưởng GDP, cho nên tiến độ càng chậm thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến chỉ số này. Vấn đề thứ hai quan trọng hơn, đây là nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào nhiều dự án đặc biệt là hạ tầng, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội.

Quá trình giải ngân chậm thì khiến cho dự án không hoàn thành được theo tiến độ, ảnh hưởng dây chuyền tới các nhà đầu tư khác đang chuẩn bị triển khai dự án. Bên cạnh đó việc không giải ngân kịp tiến độ còn gây lãng phí bởi vì tiền có nằm đó không tiêu được đúng mục đích nhưng các chi phí phát sinh thì vẫn cứ phải chi ra. Cuối cùng là khiến cho nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư chịu thêm một phần gánh nặng chi phí, có thể làm tăng nợ nần và suy giảm uy tín”.

Từ những phân tích trên, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng cần phải có những kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn hết sức rõ ràng, cụ thể. Khi phân bổ vốn và triển khai vào từng dự án, cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan, truy xét và xử lý nghiêm túc, qua đó cũng phân loại và đánh giá năng lực và trình độ của cán bộ. Câu chuyện này kéo dài cả chục năm nay thì cần phải làm rõ trách nhiệm cụ thể chứ không thể cứ tranh luận đổi lỗi cho nhau.

Theo Nghị quyết 63 của Chính phủ đề cập tới các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đã nêu rõ một trong những mục tiêu trọng yếu là phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm. Trong đó đến hết quý III/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch, tuy nhiên từ báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho thấy tiến độ giải ngân năm nay không đạt được mục tiêu.

Đề cập tới nghịch lý “có tiền mà không tiêu được”, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong phân tích, năm 2021 là giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh và rộng, kéo dài hơn và gây thiệt hại về người, vật chất và tinh thần hơn hẳn năm 2020. Dịch bệnh buộc các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn, nhất là ở các địa bàn có dịch; Các địa phương cũng bị động và phải ưu tiên cả thời gian và nguồn lực con người, nguồn lực vật chất cho công tác chống dịch.

Làn sóng dịch thứ tư lại bùng phát vào quý III/2021 là thời điểm tăng tốc mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chu kỳ thông thường hàng năm. Cơn sốt tăng giá nguyên liệu đầu vào khiến nhà thầu khó tìm nguồn cung về nguyên liệu, hoặc ảnh hưởng đến phương án tài chính khi triển khai dự án theo hợp đồng đã ký.

Đồng thời, sự chậm trễ trong giải ngân đầu tư công còn gắn với những khó khăn về giải phóng mặt bằng, những vướng mắc về văn bản quy phạm pháp luật và cả do sự thiếu quyết tâm chính trị, chưa phát huy đầy đủ vai trò người đứng đầu.

Công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân. Công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm. Nhiều quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; Sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; Việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...

Ông Phong cho hay: “Có nhiều giải pháp được đưa vào áp dụng giải quyết thực trạng này, tôi lưu ý cần phải sớm điều chỉnh các quy định pháp lý, giảm thủ tục hành chính quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, trong đó có hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Thành lập các Tổ công tác đặc thù do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đứng đầu để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công.

Cần nhấn mạnh rằng, giải pháp mang tính đột phá thúc đẩy giải ngân đầu tư công phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm, chí công vô tư, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân, bộ phận chức năng liên quan trong toàn bộ quy trình quản lý, chỉ đạo điều hành, thực hiện dự án đầu tư công, bất kể là dự án có quy mô lớn hay nhỏ”.

TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm chễ xảy ra nhiều năm qua nhưng chưa kỷ luật, xử lý cách chức được cán bộ nào không hoàn thành nhiệm vụ.

“Tôi cho rằng phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân yếu kém về năng lực, cố tình gây khó khăn, cản trở, trì trệ, nhũng nhiễu, tiêu cực, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Phải  rà soát và linh hoạt điều chuyển việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài. Công khai tình hình thực hiện và tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Phong nêu quan điểm.

Ngọc Quang
13/11/2021 06:15
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top