Giải phóng mặt bằng vẫn được nêu ra là một trong những nguyên nhân cản trở nhiều nhất tới tiến độ thực hiện. Điều này không những làm đội chi phí thi công của nhà thầu, chậm tiến độ giải ngân vốn vay ODA… mà còn làm mất cơ hội tạo ra những động lực phát triển cần thiết cho nền kinh tế.
Chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 30/9/2021, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt trên 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân 56,33% của cùng kỳ năm 2020. Theo đó, có tới 46/50 bộ, cơ quan trung ương và 52/63 địa phương đến hết tháng 9/2021 giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2021.
Lý giải việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã tồn tại từ lâu như: thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, điều chỉnh dự toán… thì một thực tế tồn tại hiện nay là nhiều dự án, công trình tuy mang tiếng là trọng điểm nhưng tiến độ triển khai khá chậm chạp, thậm chí kéo dài nhiều năm, nguyên nhân chính là do giải phóng mặt bằng.
Nhiều chủ dự án chia sẻ, có dự án thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài đến 2 - 3 năm hay giải phóng mặt không dứt điểm, nhà thầu thi công rất khó khăn, phát sinh thêm nhiều chi phí. Nhiều dự án ODA khi vay xong, các tỉnh chưa sẵn sàng vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ giải ngân vốn vay…
Hầu hết các địa phương cho rằng, việc bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng là vấn đề phức tạp. Do đó, các địa phương đã đề xuất tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, để dự án đầu tư khi có vốn là có mặt bằng thực hiện ngay, tránh lãng phí nguồn vốn được phân bổ.
Đại diện một doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải cho biết, hơn 2 năm qua, chỉ 1 trong tổng số 4 dự án trúng thầu của doanh nghiệp là được giải phóng mặt bằng tương đối gọn để triển khai các bước tiếp theo; 3 dự án còn lại gần như “dậm chân tại chỗ” vì tỷ lệ giải phóng mặt bằng chỉ vài chục phần trăm không đáng kể.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngay dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, mặc dù, các cơ quan chức năng vẫn tích cực triển khai các công việc, nhưng tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng đang có dấu hiệu chậm lại, nhất là khi những hồ sơ còn lại thuộc nhóm phức tạp, khó giải quyết. Điều này gây lo ngại tới tiến độ chung của dự án trọng điểm quốc gia.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cũng khẳng định quá trình triển khai dự án tại Hà Nội trong nhiều năm qua bị kéo dài do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Tại một số dự án như xây dựng đường Vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục; Tuyến đường số 3, số 5 vào trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây; Tuyến đường số 8 Khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm, người dân còn có kiến nghị về giá đất, cơ chế đối với đất có nguồn gốc đất nông nghiệp trong khi các hộ dân đã sinh hoạt ổn định lâu năm; về quy hoạch, quỹ nhà tái định cư chưa hoàn thành... nên đã không đồng thuận nhận tiền bồi thường dẫn đến gây ảnh hưởng đến mặt bằng thi công…
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 cả nước có 1.867 dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách bị chậm tiến độ, chiếm 2,6% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ; trong đó, có 1.074 dự án, chiếm gần 60% tổng số dự án chậm tiến độ gặp vướng mắc do giải phóng mặt bằng.
Tạo đột phá
TS. Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế thừa nhận, giải phóng mặt bằng hiện vẫn đang là câu chuyện “đau đầu” với doanh nghiệp khi triển khai dự án. Việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án là rất tốt để đảm bảo tiến độ dự án đầu tư tuy nhiên nếu không giải quyết được bài toán về giá đất thì có thể chính dự án giải phóng mặt bằng lại cũng bị tắc.
Do đó, việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng được xem như một giải pháp quan trọng tháo gỡ “điểm nghẽn” làm chậm tiến độ đầu tư công.
Theo đó, để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ vừa thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư (Tổ công tác).
Nhiệm vụ của Tổ công tác là tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, rà soát, tổng hợp các căn cứ, luận cứ, làm rõ sự cần thiết, đánh giá tác động chính sách. Tổ sẽ kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. “Như vậy, về chủ trương, việc tách riêng giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư được chấp thuận. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là cách thức xử lý như thế nào”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Hiện nay, Luật Đầu tư công có cho phép tách phần chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, nhưng mới chỉ tách ở các dự án nhóm A mà chưa áp dụng với các dự án nhóm B, C. Điều này đang khiến quy trình giải ngân vốn đầu tư công bị vướng bởi thực tế giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước.
Theo ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, việc tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập tại thời điểm trước khi quyết định chủ trương đầu tư sẽ tạo thuận lợi để triển khai dự án. Đây là một giải pháp quan trọng khắc phục sự chậm trễ trong việc thực hiện các dự án đầu tư công trong giai đoạn tới.
Theo ông Nguyễn Hồng Dương, việc này cần giao cho địa phương để tăng trách nhiệm, tránh đùn đẩy giải ngân chậm do đầu tư hay giải phóng mặt bằng… Tuy vậy, cần có cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện giải phóng mặt bằng cho các địa phương khó khăn, nguồn thu thấp, không cân đối được nguồn vốn.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia, việc sửa đổi Luật Đất đai cũng cần được chú trọng tháo gỡ tận gốc vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Theo đó, Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định tất cả các dự án phải thu hồi đất đều do cơ quan nhà nước ra quyết định thu hồi, quyết định phương án bồi thường tái định cư và đứng ra thu hồi, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng theo một cơ chế thống nhất.
Theo các chuyên gia kinh tế, để “đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án” thực hiện được mục tiêu đề ra là tạo đột phá trong giải phóng mặt bằng thì Tổ Công tác cần giải quyết được một số vấn đề. Đó là sửa đổi Luật Đất đai cần đưa ra được quy định và hình thức về bảng và khung giá đất hợp lý để xác định giá đất trong đền bù giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án. Nếu cần thiết có thể tính đến việc xây dựng một cơ quan định giá đất độc lập để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có đất bị thu hồi.
Cùng với đó, cần tìm ra lời giải cho phương án dịch chuyển, vốn hóa đất đai phải quan tâm đến nguyên tắc chia sẻ lợi ích của bên nhận được đất và bên bị thu hồi đất. Làm sao để người dân cảm thấy được thu hồi đất chứ không phải là bị thu hồi đất.
Ngoài ra, cần tính toán đến các phương án hỗ trợ bổ sung như cam kết hỗ trợ việc làm, dạy nghề… khi thu hồi đất để người dân yên tâm và đồng thuận khi chuyển giao đất cho doanh nghiệp, nhà nước thực hiện dự án./.