Aa

Cháy nhà, ra… cái gì…

Thứ Ba, 10/09/2019 - 08:38

Dân gian có câu: Cháy nhà ra mặt chuột. Còn sau vụ cháy cơ sở Rạng Đông ở Hạ Đình, Hà Nội đã lộ ra điểm yếu nào trong công tác quản lý?

Vụ cháy lớn tại Công ty Rạng Đông và hậu quả của nó chắc chắn sẽ còn thu hút sự quan tâm của người dân và dư luận. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã phải gửi công văn hỏa tốc đề nghị Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam mời chuyên gia trong nước và nước ngoài giúp giám định mức độ ô nhiễm sau vụ cháy để có giải pháp khắc phục. Đồng thời yêu cầu Bộ tư lệnh Thủ đô làm việc với Bộ tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng) triển khai tẩy độc nhà máy và trong vòng bán kính 500m vùng ảnh hưởng (nếu có các chỉ tiêu độc hại vượt mức cho phép). Binh chủng Hóa học cũng đã đến lấy mẫu phân tích để lên phương án xử lý. Còn ngày đầu tổ chức khám miễn phí cho người dân trong bán kính 500m, đã có 52 người được chuyển vào bệnh viện điều trị. Trên thực tế, một số gia đình gần đám cháy đã phải sơ tán những người trong nhóm yếu thế (trẻ em, người già…) để tránh hậu họa. Gần đây nhất, ngày 9/9, nhiều phụ huynh có con đang học tại Trường tiểu học Hạ Đình đã cho con nghỉ học vì sợ ảnh hưởng bởi thủy ngân.

Nói thế để thấy, bên cạnh thiệt hại về kinh tế (150 tỷ đồng), mức độ nguy hiểm và hậu quả xã hội của vụ cháy này là rất lớn. Đó là chưa kể nỗi ám ảnh về nhiễm độc thủy ngân sẽ còn đeo đẳng dai dẳng lâu dài đối với người dân trong khu vực. Điều đau xót là tất cả những hệ lụy đó hoàn toàn đã có thể tránh được, nếu thực hiện quyết liệt kế hoạch di dời nhà máy khỏi khu dân cư nội đô. Nhưng người ta đã không làm ráo riết.

Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, trong Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ định hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường là di dời các cơ sở công nghiệp cũ, cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm ra khỏi nội thành. Còn theo chủ trương của Chính phủ về di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội, nhà máy sản xuất của Công ty Rạng Đông tại Hạ Đình sẽ phải di dời về KCN Quế Võ, Bắc Ninh.

Các cơ sở công nghiệp nằm chình ình trong nội đô trước hết là phá vỡ quy hoạch, cảnh quan, bộ mặt đô thị. Đồng thời tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm, trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng, tài sản của cư dân xung quanh. Và điều quan trọng khác, đó là một sự lãng phí ghê gớm về tài nguyên. Chẳng nói đâu xa, một khu đất vàng như của Rạng Đông ở Hạ Đình mà chỉ sử dụng để làm kho chứa nguyên vật liệu và sản phẩm, trong đó có cả những sản phẩm đã lỗi thời khó tiêu thụ, thì chẳng khác gì dùng cái mâm vàng để đựng cát sỏi.

Theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2020 Hà Nội sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội đô. Nhưng sau 7 năm triển khai, các cơ sở này vẫn yên vị và các cơ quan của thành phố cũng chẳng thèm nhúc nhích. Để rồi, mới chỉ một khu nhà kho của Rạng Đông phát hỏa đã gây thiệt hại to lớn và đặc biệt để lại rất nhiều hậu quả.

Ở đây, chúng tôi chưa đi sâu bàn về nguyên nhân của việc lần lữa không chịu di dời mà trong đó có vấn đề lợi ích cục bộ và không loại trừ có cả lợi ích nhóm, mà chỉ đề cập đến khía cạnh quản lý đã thấy nhiều điều khó chấp nhận. Đừng chỉ đổ lỗi chây ì cho các cơ sở mà hãy thử hỏi, lãnh đạo và các cơ quan chức năng của thành phố đã làm gì để thực hiện chủ trương di dời các cơ sở nói trên?

Chủ trương đã có, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định về biện pháp và lộ trình di dời, Hà Nội cũng đã báo cáo Thủ tướng phê duyệt danh mục di dời, thậm chí đã bố trí cả vị trí để chuyển đến. Vậy mà vẫn không ai làm, để khi xảy ra hỏa hoạn mới nháo nhào tìm cách khắc phục. Và, cháy nhà rồi mới lộ ra sự lỏng lẻo, yếu kém, thậm chí là có cả những dấu hỏi trong công tác quản lý. Có người nói mỉa mai rằng, nếu sự di dời các cơ sở công nghiệp cũ ra khỏi nội đô cũng được thực hiện sốt sắng như việc cấp đất dự án cho doanh nghiệp xây nhà để bán thì đã không có vụ cháy cơ sở Rạng Đông và nhiều hiểm họa vẫn rình rập từ các cơ sở khác.

Các cơ sở lần lữa việc di dời chủ yếu xuất phát từ lợi ích cục bộ. Nhưng trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan chức năng là phải rốt ráo thực hiện và đôn đốc thực hiện việc di dời.

Không thực hiện nghiêm chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, dù với bất cứ lý do gì, cũng là yếu kém của công tác quản lý và là lỗi của cán bộ. Còn từ việc không di dời ấy để xảy ra hỏa hoạn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của dân là có tội với dân. Điều trớ trêu là không biết có ai phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý của mình hay vụ cháy cơ sở Rạng Đông này rồi cũng chỉ như đá ném ao bèo, sau ồn ào lại rơi vào sự trơ lỳ của cảm xúc. Để rồi các cơ sở trong kế hoạch di dời khỏi nội đô lại vẫn cứ tại vị và nói phỉ phui, đến một lúc nào đó xảy ra sự cố, người ta mới lại nói câu “giá như” trước những số phận và tính mạng con người.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top