Gia đình tôi không đi nghỉ đợt lễ 30/4 – 1/5 vừa qua dù cả nhà được nghỉ tới 4 ngày. Thay vì chọn một điểm du lịch, đặt phòng và lên đường “nghỉ ngơi” sau những ngày tháng làm việc miệt mài thì chúng tôi chọn việc ở nhà, đi thăm họ hàng nội ngoại trong bán kính 20km.
Chúng tôi thậm chí còn quyết định bỏ qua việc liên hoan ở các nhà hàng, dù là gần nhà và đỡ mệt mà quyết định lựa chọn hình thức tự nấu nướng đơn giản để cả gia đình có thời gian quây quần trong căn bếp nhỏ và tâm sự cùng nhau.
Việc nghỉ ngơi, nấu nướng, ăn uống đơn giản bên gia đình có thể sẽ khiến nhiều người cảm thấy nhàm chán. Một số người khác còn cho rằng đấy là một quyết định lãng phí thời gian bởi không phải lúc nào cả gia đình cũng có tới 4 ngày nghỉ để đi đây đi đó.
Ở một chừng mực nào đó, chúng tôi cho rằng những góp ý của mọi người là không sai, thậm chí hoàn toàn đúng bởi những kỳ nghỉ như thế này là quá sức hiếm hoi trong cuộc sống bộn bề lo toan và bận rộn một cách ngoài tầm kiểm soát như hiện nay. Theo lẽ thường, khi các con được nghỉ dài (nghỉ hè, nghỉ giữa kỳ) thì bố mẹ vẫn phải đi làm. Hoặc khi vợ đi làm thì chồng lại được nghỉ, và ngược lại.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc thiệt hơn, chúng tôi vẫn quyết định loanh quanh ở nhà trong suốt 4 ngày nghỉ lễ vừa rồi.
Không phải vì chúng tôi không thích đi chơi. Không phải vì chúng tôi không muốn thăm quan những điểm du lịch mới, khám phá những vùng đất chưa từng đặt chân. Cũng không phải gia đình chúng tôi ngại tốn kém. Càng không phải kinh tế khó khăn đến mức không thể đưa con cái đi nghỉ dưỡng ở mức độ vừa phải 1-2 lần mỗi năm mà đơn giản là chúng tôi…. sợ.
Chúng tôi sợ sự đông đúc, sợ chật chội, sợ bị chặt chém. Nỗi sợ hãi ấy bao gồm cả việc sợ kỳ nghỉ trong mơ biến thành cơn hành xác giữa làn khói xe bụi bặm và chôn chân vì tắc đường. Nỗi sợ cũng bao gồm cả việc bữa ăn nhà hàng sẽ có nguy cơ trở thành buổi xếp hàng nhận đồ cứu trợ khi du khách ùn ùn kéo về tăng cả chục lần khiến nhà hàng trở nên quá tải, việc phục vụ bị chậm trễ, nhân viên thì nóng nảy, khó chịu, mệt mỏi và cáu gắt không ngừng với khách.
Chúng tôi cũng sợ cảnh khách sạn, vốn chỉ dành cho một lượng khách nhất định bỗng chốc trở thành “chợ người” khi sảnh chính không còn chỗ để mà đứng còn các phòng thì nhận khách gấp đôi ngày thường. Bữa ăn sáng buffett vốn chỉ dành cho vài trăm thực khách nay trở thành bãi chiến trường tranh cướp đồ ăn giữa cả nghìn người.
Vì gia đình có con nhỏ nên chúng tôi còn lo lắng đến nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm khi lượng khách đổ về các khu du lịch quá đông sẽ khiến nhà hàng coi nhẹ khâu lựa chọn và chế biến thực phẩm so với ngày thường.
Và cuối cùng, tôi biết rằng, các bạn có thể sẽ cho rằng gia đình chúng tôi hèn nhát và sợ hãi quá nhiều điều, nhưng tôi vẫn phải thừa nhận rằng, chúng tôi sợ sự ồn ào khi chen chân giữa biển người ở các khu du lịch nghỉ dưỡng.
Chắc hẳn nhiều người sẽ khuyên chúng tôi chọn những điểm du lịch ít người, hoang sơ và gần gũi thiên nhiên? Nhưng ở thời điểm này, khi dân số Việt Nam đã lên tới hơn 90 triệu người thì đâu là điểm du lịch ít người, hoang sơ và gần gũi thiên nhiên để du khách có thể lựa chọn?
Một Sapa mờ sương hay Đà Lạt lảng bảng mây khói giờ chỉ còn là ký ức. Những ngày này, Sapa và Đà Lạt luôn chìm trong biển người chứ không phải chìm trong sương như những gì du khách mong đợi. Và nếu có làn sương khói nào đó thoảng qua thì tôi buộc phải cảnh báo với các bạn rằng, đấy không phải hơi sương của đất trời mà rủi thay, nó lại là khói xe độc hại với hàng tỷ loại hóa chất.
Đà Nẵng, thành phố đáng sống bậc nhất Việt Nam cũng đã trở nên quá tải và bớt “đáng sống” hơn trong những năm gần đây khi các bãi biển luôn chật kín người vào các kỳ nghỉ lễ và nhà hàng, khách sạn mọc lên không thiếu chỗ nào.
Các điểm du lịch vàng từng được ca ngợi hết lời những năm trước đây như Nha Trang, Vũng Tàu, Mũi Né, Hòn Cau, Phú Quốc,… cũng từng bước bị san lấp để làm khu du lịch, nghỉ dưỡng và luôn trong tình trạng không còn phòng trống vào các kỳ nghỉ.
Trong khi đó, những điểm du lịch vốn được mệnh danh là hoang sơ như đảo Cô Tô, đảo Lý Sơn hay Côn Đảo,… cũng không còn hoang sơ và đẹp tự nhiên như những năm trước. Hình ảnh hàng núi rác thải, chủ yếu là vỏ lon đóng chai, túi nilong đựng thực phẩm trải dài khắp các bờ biển hoang sơ trên những hòn đảo này khiến những người yêu du lịch và yêu thiên nhiên không khỏi chạnh lòng.
Tất nhiên, các gia đình còn có một sự lựa chọn nữa là du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ tốn kém hơn khá nhiều so với các điểm du lịch trong nước và yêu cầu phải đặt trước nhiều tháng. Bên cạnh đó, những điểm du lịch quen thuộc với người Việt như Thái Lan, Singapore hay Myanamar cũng không hề vắng vẻ như tưởng tượng trong những dịp lễ như thế này.
Cũng phải nói thêm rằng, đâu đó vẫn có những điểm du lịch nghỉ dưỡng không quá đông đúc, chật chội và ồn ào. Nhưng rõ ràng, để tìm được những điểm vàng du lịch đấy, bạn sẽ phải có kinh nghiệm, có kiến thức và có thể phải đánh đổi bằng nhiều trải nghiệm tồi tệ trước đó để rút được kinh nghiệm cho bản thân mình.
Bởi vậy, có lẽ, nếu muốn một trải nghiệm hoang sơ thực sự thì du khách Việt chỉ còn mỗi biện pháp cuối cùng là xách ba lô lên đỉnh núi Hoàng Liên Sơn hoặc leo lên dãy Trường Sơn để tận hưởng cảm giác hòa mình vào thiên nhiên.
Tuy nhiên, những điểm du lịch núi non hiểm trở như thế rõ ràng là không dành cho cả gia đình mà chỉ dành cho những người trưởng thành, sức khỏe đảm bảo, ham mê sự trải nghiệm và có kỹ năng sinh tồn tốt.
Còn nếu bạn vẫn muốn đi du lịch ngày lễ cùng cả gia đình? Bạn sẽ buộc lòng phải chấp nhận cảnh đông đúc, lộn xộn, ồn ã và chen lấn. Bạn sẽ phải chấp nhận cả việc ngồi ăn ngay cạnh hoặc ngay trên bãi rác do những du khách đến trước thải ra. Và tất nhiên, trong đống phiền toái mà kỳ nghỉ lễ mang lại cho bạn sẽ không thể thiếu cả khói bụi tắc đường, kẹt xe, giá dịch vụ tăng cao, chất lượng phục vụ giảm sút và những sự khó chịu chưa được đặt tên khác nữa.
Cuối cùng, tôi hiểu rằng, không phải gia đình nào cũng chấp nhận bỏ qua kỳ nghỉ lễ dài ngày và ở nhà xả hơi như gia đình chúng tôi vì những dịp thế này thực sự là “đếm trên đầu ngón tay”. Tôi cũng hiểu rằng, những bậc làm cha, làm mẹ, đôi khi vì sợ con cái tủi thân khi suốt ngày cắm mặt vào sách vở, học hành và không mấy khi được bố mẹ cho đi chơi nên quyết định “dấn thân” vào những kỳ nghỉ đầy sóng gió như vừa qua. Tôi cũng hiểu rằng, tâm lý thông thường của các gia đình là quanh năm đã ở nhà thì nghỉ lễ cũng phải đi đâu đó cho thư giãn. Và, có lẽ, nhiều gia đình còn mang nặng tư duy đi du lịch cho “bằng bạn bằng bè” nên vẫn quyết tâm đi dù họ thừa biết chuyến du lịch ngày lễ sẽ trở thành cuộc hành xác cả gia đình.
Vậy nên, có lẽ, khó có thể kết luận rằng người Việt Nam đang trở nên dễ dãi khi chấp nhận cảnh ngồi ăn trên bãi rác ở các điểm du lịch hay vì họ hết chỗ chơi và không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, có một điều mà ai cũng có thể khẳng định chắc chắn rằng: Đối với hàng triệu gia đình Việt, dù đi du lịch hay ở nhà trongn suốt kỳ nghỉ lễ thì ưu tiên hàng đầu của họ vẫn là dành thời gian cho gia đình thân yêu của mình.