Aa

Chen ngang

Thứ Năm, 11/04/2019 - 09:43

Những thí sinh được "cộng điểm" đã chen ngang, hay đúng hơn là bố mẹ những thí sinh ấy, với sự hỗ trợ của "bạn hữu" trong ngành giáo dục, đã đẩy lưng họ chen ngang vào cánh cửa đại học.

Họ đi vào cánh cổng, và cũng chừng ấy những người trẻ khác, giỏi hơn họ, hoặc chăm chỉ hơn họ, quyết tâm hơn họ, đã bị bật ra khỏi cánh cửa trường đại học mà họ chen ngang để vào được.

Trong đời có nhiều sự bất công. Cú "chen ngang" này là thêm một sự bất công. Sự bất công tệ hại hơn những cú chen ngang thông thường khác. Những cú chen ngang trong sử dụng dịch vụ, đi lại, mua bán...gây thiệt thòi nào đó cho người xếp hàng trước họ. Nhưng chen ngang vào trường đại học thì không chỉ gây sự bất tiện hay thiệt thòi nhỏ. Nó có thể, và nó đã phá tan ước mơ của những người trẻ xứng đáng hơn. Có thể một ngành nghề mà họ yêu thích, họ tâm huyết, không thể thành hiện thực với họ. Tệ hơn nữa - ước vọng và sự chăm chút của những người bố, người mẹ của những người trẻ ấy bị chà đạp phũ phàng. Xa hơn, có những người tài đã bị ngáng đường và không thể phát huy như họ có thể trong tương lai.

Mỗi sự bất công đều mang trong nó sự vô đạo đức. Cú chen ngang vào đại học là sự vô đạo đức.

Và chúng ta đều thốt lên: Tệ quá!

Vâng, rất tệ. Chúng ta có quyền phẫn nộ, có quyền khinh bỉ. Chúng ta có quyền đòi hỏi sự minh bạch.

Chúng ta có quyền đòi hỏi công khai tên tuổi những người đẩy con cái họ vào cú chen ngang vô đạo đức này. Tất cả những điều đó là đúng. Chúng ta - những người không chen ngang - có quyền như thế: Khinh bỉ, phẫn nộ, và đòi hỏi minh bạch.

Nhưng từ một góc độ khác: Có phải tất cả những người đang phẫn nộ đều chưa hề "chen ngang"?

Có phải tất cả những người đang phẫn nộ đều chưa hề

Có phải tất cả những người đang phẫn nộ đều chưa hề "chen ngang"? - Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ừ, anh (chị) chưa hề "chen ngang" vào đại học. Chưa từng chen ngang khi đi làm gấy tờ, mua bán, đi lại... Nhưng còn những chuyện khác?

Nhìn cho kỹ, thì sự chen ngang đang diễn ra quanh ta. Nhiều lắm.

Khi theo dõi thế sự, người dân ngạc nhiên khi thấy tại sao có những người chức khá to, nhưng lại nói những điều thật lạ lùng, không ra sao cả. Những người ấy làm sao có thể "leo" lên được vị trí cao, ảnh hưởng đến cuộc sống và quyền lợi rất nhiều người?. Bằng cách chen ngang thôi. Họ nỗ lực chen ngang, và giúp họ là những cái ô dù nào đó, những cái cửa sau nào đó. Những đổi chác nào đó. Những người khác, tài và tâm hơn họ, bị chen bật về phía sau. Thiệt hại là cả xã hội.

Có những nơi lẽ ra là công viên cây xanh, là khu vui chơi của thiếu nhi, là chỗ thư giãn của người già. Nhưng bỗng mọc lên nhà hàng, nhà ở của các cá nhân, các công ty nào đó. Tại sao? Đã có một cuộc chen ngang. Người già, trẻ nhỏ bị xô bật ra. Kẻ có tiền, có quan hệ biến đất công thành đất tư bằng mọi con đường. Không có sự giúp sức của những quan chức nào đó thì sự chen ngang ấy không thể có. Nhưng nó đã xảy ra...

Một chuyên gia giỏi chẳng bao giờ được đặt đúng vị trí để cống hiến. Người kém hơn nhiều thì được ưu ái nâng đỡ. Đó là gì nếu không phải là "chen ngang"?

Nhưng "chen ngang" chỉ hết nếu xây dựng được một xã hội người ta ghét chen ngang, không muốn chen ngang, và có muốn cũng không thể chen ngang, và nhất là không cần chen ngang vẫn có thể thành đạt.

Những doanh nghiệp tử tế khó khăn khi xin quyền tiếp cận đất đai, tài nguyên, vốn vay...Trong khi đó những doanh nghiệp khác kém cỏi lại xin gì được nấy, nhưng cuối cũng thì chỉ gây họa. Đó là do chen ngang thành công đấy!

Có lẽ việc kể ra những ví dụ tương tự sẽ là một việc bất tận. Thật buồn, nhưng có lẽ chúng ta phải đồng ý với nhau một điều: Sự chen ngang đang diễn ra quá phổ biến. Đến mức ta đã chấp nhận và thấy nó bình thường. Khi nào hậu quả của "chen ngang" quá tệ hại đến mức nhà nước và nhân dân mất mát nhiều quá, khi đó sự việc có thể bị phanh phui. Nhưng còn nếu nó là những chuyện không đập vào mắt, và cái hại chưa hiển hiện, thì kẻ chen ngang và kẻ ủi lưng giúp chen ngang vẫn chẳng làm sao cả. Họ thậm chí đang cùng mọi người khinh bỉ vụ chen ngang nâng điểm.

Chen ngang là thứ lây lan. Khi chen ngang nhiều đến thế, thì một đứa trẻ lớn lên với nhận thức rằng không chen ngang sẽ chẳng được gì. Đến khi lớn lên, sẽ thấy chen ngang vào đại học là khôn ngoan. Khi đi làm, sẽ thấy chen ngang là điều bình thường. Và sẽ tìm kiếm người có thể đẩy lưng giúp chen ngang.

Giờ ta hãy tự hỏi mình: Bản thân ta (tức là tôi, hay bạn) đã có lúc nào đó chen ngang, hay đã sẵn sàng chen ngang?. Nếu chưa hề làm như thế hay chưa hề muốn làm như thế - thì dĩ nhiên là rất quý. Nếu không được như thế, nếu ta đã từng chen ngang, hay tìm cơ hội chen ngang, hay tìm cách có "ông chú"."ông bác", "ông anh" nào đó giúp ta chen ngang...thì ta hãy nhớ lại điều ta đã làm với sự chen ngang nâng điểm - là phẫn nộ, khinh bỉ.

Trong một xã hội , càng nhiều sự chen ngang, càng ít đạo đức. Càng nhiều người lớn chen ngang, sẽ càng có nhiều khả năng có một lớp con cháu lấy chen ngang làm cách sống.

Liên quan những hành vi như nâng điểm, gian lận thi cử, dĩ nhiên ai có tội phải nên bị xử thích đáng.

Nhưng "chen ngang" chỉ hết nếu xây dựng được một xã hội người ta ghét chen ngang, không muốn chen ngang, và có muốn cũng không thể chen ngang, và nhất là không cần chen ngang vẫn có thể thành đạt.

Tên một xã hội như thế là xã hội pháp quyền đích thực.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top