Aa

Cái sự "may" trong vụ Khá Bảnh

Thứ Tư, 03/04/2019 - 09:44

Thật “may” cho chúng ta, là Khá Bảnh đã chơi lô đề và tín dụng đen.

Nói rằng "may” thì khó nghe, nhưng cho tôi trình bày lý do tại sao tôi nói vậy.

Nếu Khá Bảnh chỉ đánh bạc hay cho vay nặng lãi quy mô nhỏ, thì không thể có hai triệu người xem trang cá nhân trên mạng xã hội. Và cũng không thể thành “thần tượng”, chẳng được nam thanh nữ tú và trẻ em ào ào vây quanh khi xuất hiện.

Lô đề và tín dụng đen là vi phạm hình sự của Khá Bảnh. Nhưng nếu chỉ là như thế, chúng ta không lo âu bức xúc đến thế. Hãy nhìn gương mặt những cô cậu trẻ măng vây quanh “anh Khá Bảnh”. Chúng ta lo lắng, chúng ta bức xúc chính là vì sự hớn hở đó. Nó báo hiệu một điều rất không bình thường, rất xấu. Đó là sự trống rỗng về định hướng giá trị. Đó là sự đảo ngược quái đản của bậc thang giá trị (ở đây ta tạm chưa đề cập sâu về nguyên do xã hội của hiện tượng này).

Cái lo lắng và bức xúc của chúng ta là thấy sự ngỗ ngược, ngổ ngáo, lấc cấc, tục tĩu, phá phách, manh động, bạo ngược,… trộn với phụ gia “anh hùng rơm, nghĩa khí rởm” đang ngang nhiên lan tỏa như làn khói độc ngấm vào con cháu chúng ta – đúng thế không?

Nhưng tục tĩu, ngông nghênh, chửi thề, hành vi lấc cấc, yêng hùng… bản thân nó chưa phải là tội hình sự. Cho nên nếu như Khá Bảnh không lô đề, không tín dụng đen, thì sẽ không thể áp dụng biện pháp bắt tạm giam.

Lực lượng công an đã rất kịp thời phát hiện ra vi phạm hình sự của Khá Bảnh để ngăn chặn. Và việc ngăn chặn, việc điều tra tội hình sự, cùng lúc, đã ngăn chặn việc lan truyền lệch chuẩn còn nguy hại gấp bội. Nhưng có một câu hỏi đặt ra: Nếu những kẻ cổ vũ cho sự lệch chuẩn kiểu như Khá Bảnh “khôn ngoan” không vướng vào tội hình sự, thì có cách gì để ngăn chặn sự lan truyền độc hại? Sẽ phải đợi đến lúc những kẻ đó “lỡ chân” sa vào các dấu hiệu hình sự, thì mới ngăn chặn được?

Từ đó, ta phải nghĩ đến vấn đề này: Có những việc không phải là công an, mà những người khác lẽ ra đã phải làm.

Những nhố nhăng, lệch chuẩn kiểu trang YouTube của Khá Bảnh hay của những người giống như thế, lập ra trên mạng để “gây bão”. Nhưng đó không phải động lực duy nhất. Với 2 triệu người đăng ký xem trang của Khá Bảnh trên YouTube, các video của Khá Bảnh mang lại cho cậu ta mỗi tháng tới nhiều trăm triệu đồng. Một động lực quá đủ mạnh để anh ta sẽ nỗ lực hết mình gào to hơn nữa, biểu diễn ấn tượng hơn nữa các giá trị lệch chuẩn. Nhưng cậu ta không bị hứng chịu phản công nào đủ mạnh từ hệ thống truyền thông đồ sộ, không nhận cơn bão nào đủ mạnh từ dư luận xã hội trên mạng và trên truyền thông.

Nếu như lực lượng truyền thông đồ sộ có thể “giao chiến tay bo” trên mạng để bảo vệ các chuẩn mực văn hóa, có thể sắc sảo và tức thời “bóc mẽ” những thứ vô văn hóa trên các trang dạng như của Khá Bảnh?

Nếu như có một thủ lĩnh thanh niên nào đó vời anh ta đến để tỷ thí trên mạng, hay thậm chí trên truyền hình (tại sao không?), phơi bày sự lố lăng kệch cỡm của những video anh ta tạo lập, những lời anh ta nói, lột tanh bành cái vỏ yêng hùng rơm của anh ta, cho nó lộ ra cái nực cười… Khi đó liệu Khá Bảnh có cơ hội thắng không trước hàng triệu người chứng kiến, mà đa số dĩ nhiên không thể chấp nhận thói vô văn hóa?

Chưa nói đến dư luận và sự phản ứng của cộng đồng địa phương, của nhiều cơ cấu xã hội khác.

Nếu như chuyện đó xảy ra, Khá Bảnh đã nhận ê chề ở chính chỗ cậu ta muốn “lập thân”. Nhưng chuyện đó đã không có. Cuối cùng thì cậu ta cũng phải ê chề, nhưng là sau bàn làm việc với công an.

Trong trường hợp này, xét về sự cần thiết xã hội, công an đã kịp thời làm được hai việc một lúc. Nhưng có vẻ ít ra một trong hai việc đó công an phải làm thay cho những người khác. Trong “những người khác” này, xét theo nghĩa hẹp, thì có một “đội ngũ đông đảo những người làm công tác văn hóa tinh thần” – còn xét theo nghĩa rộng, có lẽ là tất cả. Chúng ta chấp nhận sống trong ô nhiễm, thì chúng ta sẽ có ô nhiễm.

Thế thôi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top