Một trong những nội dung quan trọng được đề cập chi tiết trong Nghị quyết số 60 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XIII đó là việc sau khi tiến hành sửa đổi Hiến pháp, Việt Nam dự kiến sẽ xóa bỏ 696 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 85 thành phố thuộc tỉnh và 2 thành phố thuộc TP trực thuộc Trung ương. Thời gian chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Thông tin trên báo Dân trí cho biết, Trung ương đã cơ bản thống nhất với các nội dung được đề xuất của bộ Chính trị và Đề án về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Việc sắp xếp và tinh gọn bộ máy đơn vị hành chính sẽ giúp Việt Nam "nhẹ gánh" trên hành trình bước vào kỷ nguyên vươn mình. Ảnh: Internet
Trung ương cũng đã thông qua một số nội dung cụ thể nhằm tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao năng lực cũng như hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Ngoài ra, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã thống nhất chủ trương tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố).
Đây được đánh giá là bước cải cách sâu rộng trong hệ thống hành chính góp phần tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực cũng như hiệu quả quản lý Nhà nước.
Hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chính thức chấm dứt kể từ ngày 1/7/2025, thời điểm Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 chính thức có hiệu lực thi hành.
Việc "xóa tên" một số đơn vị hành chính không đơn thuần là một sự thay đổi về mặt hành chính, phía sau đó còn là câu chuyện về quy hoạch, chiến lược phát triển.
Theo báo Tuổi Trẻ, trong số các đơn vị dự kiến sẽ "xóa tên" khỏi bản đồ hành chính, dự kiến có 2 thành phố thuộc TP trực thuộc Trung ương gồm TP. Thủ Đức - TP. HCM và TP. Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.
TP. Thủ Đức: Đô thị trí tuệ và công nghệ cao giữa lòng TP. HCM
Được thành lập vào ngày 1/1/2021, TP. Thủ Đức là thành phố đầu tiên trong thành phố đầu tiên của Việt Nam, được hợp nhất từ ba quận: Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức. Với diện tích hơn 211km2 và dân số hơn 1,3 triệu người, Thủ Đức chiếm khoảng 1/10 diện tích và gần 1/10 dân số của TP. HCM.
Về vị trí địa lý, Thủ Đức nằm ở phía Đông của TP. HCM, giáp tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, giữ vai trò cửa ngõ kết nối TP. HCM với toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TP. Thủ Đức từng được xem là "thành phố sáng tạo" giữa lòng TP. HCM. Ảnh: Internet
Ngay từ thời điểm thành lập, TP. Thủ Đức được định vị là "thành phố sáng tạo", nơi hội tụ ba trụ cột phát triển gồm: Khu đô thị Thủ Thiêm – trung tâm tài chính – thương mại mới của thành phố; Khu Công nghệ cao – nơi đặt trụ sở của các tập đoàn lớn như Intel, Samsung, Nidec, Schneider Electric...; và Khu Đại học Quốc gia TP.HCM – trung tâm đào tạo và nghiên cứu bậc cao.
Trong ba năm hoạt động, TP. Thủ Đức thu hút mạnh dòng vốn đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, với các dự án đô thị như Vinhomes Grand Park, Masteri Centre Point, hay Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng vốn hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, với đề án cải cách hành chính, dự kiến TP. Thủ Đức sẽ chấm dứt tư cách đơn vị hành chính cấp huyện từ 1/7/2025.
Việc quản lý sẽ được chuyển về cấp tỉnh (tức TP. HCM) và cấp xã/phường, đánh dấu hồi kết của một mô hình từng được kỳ vọng lớn nhưng chưa đủ thời gian để phát huy toàn bộ tiềm năng.
TP. Thủy Nguyên: Thành phố trẻ nhất "chưa kịp lớn"
Được chính thức thành lập vào ngày 1/1/2025, theo Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15, đây là thành phố thuộc TP trực thuộc Trung ương trẻ nhất Việt Nam.
Thành phố với tuổi đời còn non trẻ gồm 17 phường và 4 xã, với tổng diện tích 269,10km2 và dân số gần 397.600 người.
Thủy Nguyên nằm ở phía Bắc sông Cấm, đối diện trung tâm TP. Hải Phòng, tiếp giáp tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương. Vị trí địa lý này giúp Thủy Nguyên giữ vai trò chiến lược trong việc kết nối Hải Phòng với tam giác kinh tế phía Bắc.

TP. Thủy Nguyên - thành phố non trẻ đã kịp định hình những bước đi đầu tiên trong phát triển hạ tầng và định vị đô thị. Ảnh: Internet
Thời điểm chưa "cất cánh" lên TP, Thủy Nguyên đã là một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư công nghiệp của Hải Phòng, với các khu công nghiệp lớn như VSIP Hải Phòng, Nam Cầu Kiền, KCN Thủy Nguyên...
Đặc biệt, Khu đô thị Bắc sông Cấm – quy mô gần 1.500ha được xem là dự án trọng điểm với mục tiêu trở thành trung tâm hành chính – chính trị mới của TP. Hải Phòng trong tương lai. Dự án bao gồm trụ sở các cơ quan thành phố, khu dân cư, thương mại, dịch vụ và công viên ven sông.
Dù chỉ mới hoạt động được vài tháng, TP. Thủy Nguyên đã kịp định hình những bước đi đầu tiên trong phát triển hạ tầng và định vị đô thị. Nhưng với lộ trình cải cách, thành phố này sẽ chấm dứt vai trò hành chính độc lập chỉ sau nửa năm thành lập – một hành trình ngắn ngủi đến không ngờ.
Việc Việt Nam dự kiến sẽ "xóa tên" 2 thành phố thuộc Thành phố trực thuộc Trung ương là một phần trong kế hoạch tổ chức lại bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp: tỉnh – xã, loại bỏ cấp huyện để tinh gọn hệ thống, tránh chồng chéo.
Dư luận có thể tiếc nuối trước sự chấm dứt của những đơn vị hành chính từng được đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng xét về bản chất, đây không phải là dấu chấm hết, mà là một sự tái cấu trúc trong cách tổ chức bộ máy, để phù hợp hơn với yêu cầu phát triển hiện đại, thông minh, hiệu quả.
TP. Thủ Đức và TP. Thủy Nguyên có thể không còn giữ tên gọi cũ trên bản đồ hành chính. Nhưng các dự án, hạ tầng và tầm nhìn chiến lược đã vạch ra cho hai khu vực này vẫn sẽ tiếp tục được thực thi, đồng thời đây cũng như như hai cực tăng trưởng mới của TP. HCM và Hải Phòng trong giai đoạn phát triển sắp tới khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.