Aa

Chi 53 tỷ/năm cắt cỏ Đại lộ Thăng Long: Cần công khai cho nhân dân biết

Thứ Tư, 17/08/2016 - 15:16

Nhiều chuyên gia cho rằng, mức chi phí 53 tỷ đồng/ năm để cắt cỏ trên 24 km Đại lộ Thăng Long là con số “không tưởng”. Để làm rõ câu chuyện này, các cơ quan chức năng phải công khai thông tin cho dư luận.

Sáng 15/8, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết TP đã quyết định dừng toàn bộ việc cắt tỉa cây hoa cảnh và cỏ tại các vườn hoa, chỉ để lại một số trung tâm như xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Việc dừng cắt tỉa này mỗi năm tiết kiệm được 700 tỷ, vì từ đầu năm đến nay công ty công viên cây xanh và một số các công ty trồng miệt mài vẫn chưa hết 40 tỷ đồng.

“Trồng cây tồn tại được hàng trăm năm, trong khi cắt cỏ rất lãng phí. Các nước người ta không làm thế, người ta trồng cây tự nhiên tạo cành chứ không cắt quá tốn kém như mình. TP đã nhận thức được việc này nên yêu cầu toàn bộ các quận dừng việc cắt cỏ từ 1/7.

Nói ra mọi người sẽ giật mình, có 24km đường Đại lộ Thăng Long nhưng một năm chi phí cắt cỏ lên tới 53 tỷ. Tôi đi khảo sát trực tiếp thấy chỉ cắt 3 thứ: cắt cỏ, một ít trúc anh đào, hoa dâm bụt. Một năm 53 tỷ là không thể chấp nhận được. Chúng tôi yêu cầu dừng toàn bộ” – ông Nguyễn Đức Chung nói.

Chi phí cho việc cắt cỏ, cắt tỉa cây hoa cảnh tại đại lộ Thăng Long đang thu hút sự quan tâm dư luận. Ảnh: Ngọc Thành.

Chi phí cho việc cắt cỏ, cắt tỉa cây hoa cảnh tại Đại lộ Thăng Long đang thu hút sự quan tâm dư luận. Ảnh: Ngọc Thành.

Trao đổi trên tờ Người đưa tin, TS. Nguyễn Nguyên Cương - Giám đốc Trung tâm Giáo dục, Truyền thông và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đồng quan điểm với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi cho rằng đây là chi phí khá lớn.

“53 tỷ để cắt những cây cỏ như trúc đào và hoa dâm bụt là quá lớn” - TS. Cương nhận định.

Theo ông Cương, việc cắt cỏ và những cây dâm bụt như trên không cần đến những máy móc đặc biệt hay hiện đại như cắt cây lớn ở trong nội thành. Vì vậy, việc tiêu tốn mỗi năm 53 tỷ đồng là khó có thể chấp nhận được.

“Cắt cỏ với cây trúc, cây dâm bụt thì chỉ cần những máy móc thô sơ, máy sách tay, thậm chí là liềm, dao… thế mà tốn 53 tỷ cho 24km mỗi năm thì lớn quá”, TS. Nguyễn Nguyên Cương nhận định.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khi trao đổi trên tờ Kiến Thức về vấn đề trên đã cười lớn: "Tôi vừa mới đọc thông tin sáng nay và cũng giống như Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, tôi cũng "giật mình' và "không thể chấp nhận được".

Ông Vũ Vinh Phú dẫn giải: "Hiện nay ở Hà Nội nhiều dự án dân sinh đang cần kinh phí để đầu tư. Trong khi trường học, bệnh viện, hồ ô nhiễm, làng nghề ô nhiễm, đường xá chật chội ách tắc thường xuyên thì chưa được đầu tư kinh phí để giải quyết triệt để, việc TP Hà Nội chi một số tiền lớn lên đến gần nghìn tỷ như thế cho việc cắt cỏ tỉa hoa mỗi năm là "không thể chấp nhận được".

Bởi đó là một sự lãng phí mà sự lãng phí này không có ai quyết toán được. Hàng nghìn tỷ đồng chi phí cho môi trường cây xanh Hà Nội mà không có đấu thầu như vệ sinh, quét rác, cắt cỏ tỉa hoa... Có ý kiến nói rằng "tiền ngân sách như tiền chùa" quả là cũng không sai. Người dân đóng góp từng đồng thuế, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cũng đã nói: "Chi một đồng tiền của dân phải cân nhắc".

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Nêu ý kiến việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo dừng việc cắt tỉa cây hoa cảnh và cỏ từ 1/7/2016 vì chi phí quá lớn, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho hay: "Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho dừng việc cắt cỏ, tỉa hoa trên nhiều tuyến phố là động thái tốt, đổi mới. Và đây là việc làm cần thiết để dành kinh phí cho những dự án cần thiết hơn".

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, nhìn từ chi phí "khủng" cho cắt cỏ, tỉa hoa, Hà Nội phải xem lại tất cả các khoản chi công bởi không chỉ cắt cỏ tỉa hoa, nhiều dự án khác cũng cần rà soát xem có lãng phí không. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ những việc chi công của TP Hà Nội cho các công việc như vườn hoa, cây xanh, nhà vệ sinh. Hàng nghìn nhà vệ sinh công cộng xã hội hóa là thế nào? Trong phần nhân dân đóng góp, còn lại nhà nước, thu chi bao nhiêu ai giám sát được?".

"Tôi là đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội 2 khóa, ngân sách này HĐND phải giám sát rất chặt chẽ việc chi tiêu. Bởi có cả Ủy ban kinh tế ngân sách của Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội. Khi chi tiêu tiền ngân sách "Phải tiêu tiền của người dân như tiêu tiền cho gia đình nhà mình". Chứ chi tiêu lên đến gần ngàn tỷ đồng chỉ cho việc duy trì cắt cỏ, trồng tỉa hoa là chi tiêu vô tội vạ trong khi kinh phí chi tiêu cho các dự án dân sinh khác lại rất hạn chế.

Ở TP HCM, họ có những công viên như Đầm Sen, Suối Tiên rất đẹp nhưng thử nhìn ở Hà Nội, công viên như Thống Nhất, Thủ Lệ xem thế nào? Hãy cổ phần hóa các doanh nghiệp thương mại dịch vụ nhà nước. Hà Nội còn nhiều việc phải làm, phải tiêu tiền đúng chỗ, phải chi tiêu tiết kiệm, giám sát từng đồng một. Vấn đề chính là con người, yếu tố con người lãnh đạo và người thực thi mới quan trọng", ông Phú cho biết.

"Ở Singapore có hai đũa thần kỳ mà ông Lý Quang Diệu đã nói "nuôi cán bộ tương đối đủ nhưng đủ thì không biết thế nào là đủ và thứ hai là kỷ luật nghiêm". Vì thế bên cạnh quan tâm đời sống người lao động, cần phải kỷ luật nghiêm những sai phạm (nếu có)", chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhìn nhận.

"Cần công khai cho nhân dân biết"

Trao đổi trên tờ Infonet về vấn đề trên, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) cho biết: “Con số đó là quá lớn, tôi tin ai nghe cũng giật mình. Bởi vậy, việc cần làm lúc này là Hà Nội nên kiểm tra lại con số đó một cách chính xác rồi công bố công khai cho nhân dân biết!”.

Theo ông Nguyễn Anh Trí thì có 2 vấn đề cần lưu ý xung quanh câu chuyện này. Thứ nhất, việc trồng cây và cắt xén cho gọn gàng, đẹp đẽ là đương nhiên. “Trồng cây ở thành phố là phải chăm sóc, tưới tắm, cắt xén. Tôi tin ai cũng thấy đấy là cần thiết!” – ông Trí nói.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí.

Vấn đề thứ hai, đó là việc tổ chức cắt xén như thế nào cho hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm. Đây chính là vấn đề rất đáng phải xem xét. 

Theo đó, hợp lý là phải trả lời các câu hỏi: Nơi nào? Tuyến phố nào? Loại cây nào? Lứa tuổi nào? Thời điểm nào? Mùa nào thì phải cắt xén? Có cần trồng cỏ không? Trồng loại gì để ít phải tưới tắm, cắt xén?... 

Hiệu quả là phải trả lời các câu hỏi: Vì sao phải cắt xén cây đó? Tuyến phố đó? Thời gian đó? Dịp đó? Để làm đẹp, để chuẩn bị đón khách, để chuẩn bị cho Tết, lễ?... 

Tiết kiệm là trả lời câu hỏi: Ai làm? Công ty, đơn vị nào? Đấu thầu lựa chọn đơn vị làm nghiêm túc? Tổ chức kiểm tra giám sát thật tốt?... 

Sau khi chỉ ra các vấn đề ông Nguyễn Anh Trí khẳng định: “Tôi tin ý của Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung nói cần được hiểu như vậy!”.

Hà Nội là Thủ đô của cả nước, nơi thường tổ chức những sự kiện lớn, quan trọng của đất nước nên theo ông Trí thì Thành phố rất cần phải có nhiều hoa, phải có nhiều cây đẹp. Việc tổ chức tốt việc trồng, chăm sóc, làm đẹp cây cối là rất cần thiết. Đây chắc chắn cũng là việc tốt kém, công phu và bền bỉ mới làm được. Lãnh đạo thành phố cần quan tâm, nhân dân phải có ý thức về điều này.

“Việc giao cho ai làm để đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm cũng là một vấn đề hết sức quan trọng. Tất nhiên, mô hình chung về quản lý là do một đơn vị chức năng của thành phố, còn để thực hiện (như trồng, chăm bón, tưới tắm, cắt xén…) thì nên đấu thầu lựa chọn những đơn vị, công ty có thể là nhà nước hoặc tư nhân đều được. Cần tổ chức giám sát thật tốt, nghiêm túc. Khi phát hiện ra sai trái thì phải phạt hợp đồng thật nghiêm khắc. Tôi tin nếu làm tốt thì các kết quả sẽ tốt, vì đây không phải là việc quá khó”- ông Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top