Không khí đô thị ô nhiễm nặng
“Hạt bụi bay lên...” - Một thời là hình ảnh tạo nên cảm xúc bâng khuâng trong trẻo cho con người từ những giai điệu âm nhạc. Nhưng giờ đây, khi mật độ dân cư tăng lên kèm theo những phát thải từ sinh hoạt - vận động của con người và phương tiện, đặc biệt là nguồn phát thải từ các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở y tế, dịch vụ cộng đồng..., chất lượng không khí đã trở thành nguy cơ đáng báo động cho sức khỏe của con người. Gần đây, khi dịch Covid-19 xuất hiện và hoành hành với cách lây nhiễm chính là nguồn virus bám theo không khí, thì câu hỏi đặt ra: Làm sao trả lại bầu không khí “xanh của ngày xưa” là một trong những vấn đề nóng cần giải quyết nhất cho sự tồn vong, phát triển của loài người. Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo đó.
Với Hà Nội, một thành phố bụi vào loại dày đặc nhất Việt Nam với mật độ rất cao ở khu vực nội đô và đang tăng nhanh ở khu vực ngoại ô, việc “cải thiện chất lượng không khí” cho các không gian ở trong nhà và cả ngoài trời đã trở nên bức thiết. Nhất là trong bối cảnh các giải pháp trước đó hiệu quả còn thấp, không hệ thống, chưa vững chắc về cơ sở khoa học và thực tiễn.
TS. KTS. Nguyễn Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng chia sẻ, với các đô thị ở Việt Nam hiện nay, sau khoảng 30 năm phát triển, đã đưa đến một mẫu số chung hết sức quan ngại. Đó là ô nhiễm môi trường sống thông qua các chất thải rắn, lỏng, khí… Đặc biệt là môi trường không khí ở đô thị và trong các không gian chứa hoạt động sống.
TS. KTS. Nguyễn Tất Thắng cho hay, môi trường không khí là một phần của môi trường đô thị, hợp phần của các chất hữu cơ và vô cơ, được tạo ra từ môi trường tự nhiên và hoạt động sống của con người. Đối với các đô thị của Việt Nam hiện nay, môi trường không khí bị ô nhiễm nặng.
Lý do lớn nhất và sâu xa nhất, chính là từ lĩnh vực quy hoạch ở mọi cấp độ, việc bỏ qua và không tuân thủ các yêu cầu về mật độ xây dựng, mật độ dân số, mật độ cư trú lẫn chức năng sử dụng đất… bị lạm dụng và trở thành hội chứng điều chỉnh quy hoạch. Điều này dẫn đến việc gia tăng cư dân không kiểm soát, không những gây áp lực mà còn dẫn tới hủy hoại môi trường không khí, hạ tầng kỹ thuật đô thị vốn đã quá lạc hậu và nghèo tiện tích thông qua hoạt động sống của con người.
Các đô thị của Việt Nam, hầu hết có mẫu số chung về việc hội tụ, tích tụ cư dân lẫn là nơi trung chuyển, xuyên qua, vì vậy nên khó kiểm soát về mật độ cư trú cũng như các phương tiện tham gia các loại hình giao thông như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy… Và do đó, không khí càng bị ô nhiễm lớn do mật độ giao thông cao, bên cạnh các chất thải từ khói xe, bụi bẩn từ các phương tiện và hàng hóa lưu thông.
Không có một đô thị nào của Việt Nam mà không có đan xen của nông thôn. Trong thị có thôn và ngược lại trong thôn có thị. Kết cấu và lịch sử đó đã dẫn đến việc nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở ven đô, ngoại vi như đốt rơm rạ sau thu hoạch, sản xuất các vật liệu xây dựng như lò gạch thủ công, gia công cơ khí, hóa chất… Khói bụi và các chất độc hại bị thải vào môi trường, đặc biệt là vào mùa hè. Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ, nhà máy, bệnh viện... vẫn còn ở trong nội thị, hàng ngày thải ra toàn bộ các chất thải rắn, lỏng, khí… gây độc hại vẫn chưa được di dời ra khỏi nội đô.
Đi đôi với tốc độ đô thị hóa, việc san lấp nhiều ao hồ, dòng chảy gây thiếu thốn trầm trọng các hệ thống thoát nước ngầm, đặc biệt là việc thiếu quy hoạch các hệ thống xử lý nước thải có tính cục bộ và liên kết vành. Do đó, hầu hết nước thải sinh hoạt và sản xuất, chỉ xử lý tạm thời… đều thoát ra sông, hồ gây ô nhiễm mùi hôi thối, hủy hoại hệ thủy sinh tự nhiên.
Hệ thống đường giao thông, cây xanh, mặt nước, hồ điều hòa, công viên, vườn hoa, các không gian công cộng thiếu thốn trong các thiết kế quy hoạch đô thị… Do đó, ảnh hưởng tới việc khó có thể điều hòa, chia sẻ, làm tăng mức độ ô nhiễm không khí trong đô thị vốn đã bị nén và quá tải.
Bên cạnh đó, việc kiến tạo đô thị thông qua các hoạt động tạo dựng vật chất, như thi công xây dựng, vận chuyển nguyên vật liệu và phế thải xây dựng… diễn ra vừa ồ ạt, vừa manh mún với nhiều biện pháp thi công lạc hậu, không che chắn…, đã đưa một khối lượng lớn bụi, khói vào môi trường đô thị.
Các tiện ích để quản lý, xử lý môi trường vừa thiếu, vừa lạc hậu như: Thiếu diện tích tập kết rác thải, cực kỳ lạc hậu với các hình thức và phương tiện từ thu gom, phân loại, vận chuyển rác thải… đến các trang thiết bị vệ sinh môi trường chuyên dụng như xe hút bụi, xe tưới cây…
Sự gia tăng không ngừng của lượng chất bụi trong không khí cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí đô thị đang ở mức báo động.
Với các hoạt động sống của cư dân đô thị có tính riêng lẻ thông qua hộ gia đình thì còn nan giải hơn, ô nhiễm không khí thông qua việc thải ra từ các nguồn chất đốt như than tổ ong, đun nấu từ nhà hàng, hộ gia đình. Bên cạnh đó là việc thiếu hành vi văn hóa của cư dân trong mọi hoạt động sống như việc vô ý thức vứt rác, xả thải tiểu tiện, hút thuốc lá… Các không gian thông thoáng còn hạn chế, đi kèm với trang thiết bị lạc hậu xử lý các chất thải ra hạ tầng ngầm và môi trường đô thị.
Ô nhiễm môi trường không khí từ các hoạt động sống của một lượng cư dân lớn phi chính thức với các kiểu tạm trú, di cư kiểu con lắc, hoạt động dịch vụ có tính thời vụ tại các khu nhà trọ, khu nhà chưa hoàn thiện, các khu vực đất đang trong tình trạng “quy hoạch treo, dự án treo” hoặc các bãi, xóm lấn chiếm…
“Sau cùng, có lẽ hầu hết các đô thị hiện nay đều đang quá chú trọng vào việc phát triển nhà ở thông qua các dự án “khu đô thị mới” hoặc xen cấy vào các khu vực nội đô, nhưng đều chỉ thuần túy coi ngôi nhà ở, căn hộ ở là một loại hàng hóa đậm tính thương mại, mà ít chú trọng tới việc xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng thì môi trường đô thị càng trầm trọng thêm, áp lực nặng thêm cho kết cấu kỹ thuật hạ tầng đô thị vốn đã cũ và lạc hậu trong nội đô”, TS.KTS. Nguyễn Tất Thắng nhận định.
Giải pháp xanh hoá đô thị
Thực tế cho thấy, ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề riêng của các đô thị lớn hiện nay như Hà Nội, TP.HCM, mà sẽ có tác động đến toàn bộ Việt Nam thời gian tới. Do đó, cần thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện vấn nạn ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng hiện nay. Giới chuyên gia cho rằng, để nâng cao chất lượng không khí, trước tiên cần nhìn nhận vấn đề cốt lõi là nâng cao chất lượng môi trường bên ngoài công trình, xa hơn nữa là môi trường đô thị, đất nước. Bởi lẽ không khí bên trong và bên ngoài luôn cần được luân chuyển thường xuyên.
TS.KTS. Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ: "Việc tìm cách đặt ngôi nhà giữa thiên nhiên để lọc không khí sạch, việc cố gắng đưa cây xanh vào trong những không gian của ngôi nhà cũng là một giải pháp mang tính truyền thống rất rõ nét của người Việt, nhất là những ngôi nhà của dân tộc Kinh ở mọi vùng miền. Có lẽ xuất phát từ khái niệm luôn mong gần gũi với thiên nhiên mọi lúc, mọi nơi cũng như nhằm tạo vẻ đẹp sinh động cho các không gian của ngôi nhà nên ông cha ta đã làm vậy. Nhưng chắc chắn cảm giác “dễ thở” cũng được rút ra từ đây và dần dần trở thành giải pháp ưu tiên lựa chọn.
Dưới góc độ khoa học đã cho thấy, điều đó hoàn toàn đúng. Trong kiến trúc hiện đại, các thành phố ô nhiễm lớn vận dụng sẽ là một giải pháp tốt, nhất là khi không khí bên ngoài bị ô nhiễm. Khi đó cây xanh trong nhà được xem như một cứu cánh nhờ sự hấp thụ bớt độc hại và nhả trong lành của nó".
TS. KTS. Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch cho rằng, các không gian có thông thoáng tốt, nhiều cây xanh, như những khu đô thị sinh thái và những công trình kiến trúc thân thiện môi trường, thiết kế thông thoáng và có ánh sáng tự nhiên, đảm bảo có đủ không gian xanh mặt nước cần thiết và ánh sáng mặt trời, không những là không gian tốt để sinh sống, mà còn là nơi giúp tăng sức khỏe và sức đề kháng cho con người.
TS.KTS. Ngô Viết Nam Sơn đã đánh giá thực trạng chất lượng không khí tại Hà Nội và đưa ra những nguyên nhân tác động trực tiếp như: Quy hoạch; Kiến trúc - Công nghệ; Thể chế… Tất cả những yếu tố trên đã ảnh hưởng tới chất lượng không khí của Thủ đô, làm cho chất lượng không khí bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Trước mắt cần thực hiện các giải pháp như: Kiểm soát lượng chất thải của các khu công nghiệp ra môi trường thông qua các quy định pháp luật chặt chẽ; hoặc có thể chuyển đổi mục đích sử dụng của các khu công nghiệp hiện hữu. Ví dụ như, theo khuyến khích tăng mật độ cây xanh trong đô thị của TP. Hà Nội, chúng ta có thể chuyển đổi các khu công nghiệp thành các công viên cây xanh, hay không gian công cộng như nhiều nước trên thế giới. Mặt khác, di dời các khu công nghiệp này ra xa khỏi khu dân cư đô thị cũng là một giải pháp để cân nhắc”, KTS. Ngô Viết Nam Sơn nêu phương án.
TS. KTS. Nguyễn Tất Thắng cho rằng, để nâng cao chất lượng không khí, các chuyên gia đã đề ra một số giải pháp như: Tăng cường không gian xanh, không gian mặt nước, quy hoạch tạo luồng gió, làm sạch không khí cho đô thị…
Theo vị chuyên gia này, cần lấy mục tiêu qua sự lựa chọn mô hình vật chất tốt nhất là sức khỏe với chất lượng sống của cư dân đô thị làm mục tiêu hàng đầu, có tính tiên quyết và quyết định đến sự phát triển bền vững của đô thị theo chuỗi thúc đẩy từ chất lượng môi trường đến sức khỏe và an sinh, nhằm nâng cao năng suất lao động và hướng tới thực sự là đô thị hạnh phúc, hiện đại và văn minh./.