Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 9100/VPCP – CN gửi UBND tỉnh Lạng Sơn để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến việc điều chỉnh phương án đầu tư và hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương đối với Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các bộ về điều chỉnh phương án đầu tư và hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương đối với Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, trường hợp cần thiết làm việc trực tiếp với các Bộ để thống nhất phương án đầu tư đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP, đầu tư công và ngân sách nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướngđể sớm triển khai thực hiện.
“UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo HĐND tỉnh quyết định phê duyệt/phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP, đầu tư công, ngân sách Nhà nước trên cơ sở thống nhất phương án đầu tư với các Bộ theo quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Vào giữa tháng 8/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công văn số 1054/UBND-KT gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất điều chỉnh phương án đầu tư và hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương đối với Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
Có hai động thái chính trong đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn đối với công tác triển khai đầu tư phân đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, từ Chi Lăng (điểm cuối của tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn) tới cửa khẩu Hữu Nghị, từng được Bộ GTVT khởi động cách đây gần 10 năm.
Động thái đầu tiên là việc UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép tách đoạn Hữu Nghị - Tân Thanh - Cốc Nam dài 17 km khỏi Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thành dự án độc lập, có tổng mức đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng. Đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị dài 43 km sẽ tiếp tục thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT đã được HĐND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 41/NQ-HĐND ngày 30/12/2022.
Động thái thứ hai cũng liên quan trực tiếp tới đoạn Hữu Nghị - Tân Thanh - Cốc Nam khi UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư đoạn tuyến này bằng vốn đầu tư công, trong đó ngân sách trung ương bố trí 1.351 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí 1.249 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư dự kiến của đoạn tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT (sau khi tách đoạn từ Hữu Nghị đi Tân Thanh - Cốc Nam) là khoảng 8.000 tỷ đồng. Tại dự án này, ngân sách nhà nước tham gia khoảng 3.800 tỷ đồng (đảm bảo tỷ lệ <50% tổng mức đầu tư theo quy định, gồm ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng, đã được Thủ tướng giao tại Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023; ngân sách địa phương khoảng 1.300 tỷ đồng, đã được tỉnh Lạng Sơn đưa vào Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025); vốn của nhà đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết số 41/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lạng Sơn, Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.620 tỷ đồng, gồm vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 5.620 tỷ đồng (chiếm 52,92% tổng mức đầu tư); vốn nhà nước tham gia dự án PPP khoảng 5.000 tỷ đồng (chiếm 47,08% tổng mức đầu tư).
Tuy nhiên, cơ cấu nguồn vốn như trên đã khiến thời gian thu phí hoàn vốn cho Dự án kéo dài tới 31 năm 11 tháng, trong khi thời gian thu phí bình quân đối với một dự án cao tốc chỉ từ 22 đến 25 năm. UBND tỉnh Lạng Sơn nhận định, đối với hợp đồng dự án theo hình thức BOT, thời gian thu phí cũng chính là thời gian hợp đồng của dự án, do thời gian hoàn vốn của dự án rất dài, nên khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, hợp tác đầu tư... sẽ rất khó khăn.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2, Điều 76, Luật Đầu tư PPP, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp tỉnh phải hoàn thành thu xếp tài chính.
Điều này khiến Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng không thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân (đến nay chỉ có một nhà đầu tư trong nước nộp hồ sơ quan tâm Dự án).
UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, để giảm thời gian thu phí, tăng tính khả thi của phương án tài chính, khả năng huy động vốn để thực hiện dự án, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu thực hiện dự án, việc tách thành 2 dự án là điều cần thiết, đồng thời sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án, đáp ứng yêu cầu hoàn thành dự án trước năm 2025.