Quy hoạch bị… “băm nát”, chất lượng đồ án kém?
Đầu năm 2017, tại Hội nghị tổng kết và triển khai công tác của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định: “Chúng ta đang phải trả giá vì đã làm quy hoạch “băm nát” Hà Nội. Vừa qua, có những khu đất 5 - 7ha cũng băm ra cho 2 - 3 chủ đầu tư”.
Khi dự hội nghị thị trưởng các thành phố cũng như đối chiếu với tiêu chuẩn, tiêu chí một thành phố xanh trong tương lai, ông Chung nhận thấy phát triển quy hoạch của Hà Nội nói chung và kể cả quy hoạch lõi, đang có những vấn đề và đang đi chệch hướng.
Ông Nguyễn Đức Chung còn nêu ra cả những vấn đề “uốn lượn” hay kéo dài trong kiến trúc. “Tôi nghe câu chuyện trước đây cứ mỗi lần lập đồ án là người ta đi mua bán đất. Năm vừa qua, tôi chứng minh chuyện đó là có thật. Bởi khi cắm chỉ giới đường đỏ ở khu vực đấy thì bắt đầu sinh ra chuyện mua đất, “xi nhan” người thân người quen đi mua, toàn nội bộ chúng ta ra cả”, ông Nguyễn Đức Chung nói thêm.
Một nguyên nhân nữa dẫn tới quy hoạch kém, theo Chủ tịch Hà Nội là các đồ án quy hoạch cái nào cũng na ná giống nhau khiến ông có cảm giác các kiến trúc sư của chúng ta làm cho xong việc. Ông Chung bày tỏ cảm thông về định mức Nhà nước với các đồ án quy hoạch thấp nhưng ông cho rằng “thực sự chất lượng đồ án rất kém”.
Điển hình của “băm nát” là việc điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội).
Theo quy hoạch, tổ hợp HH được xây dựng 12 tòa nhà nhỏ trên khu đất phía Tây Nam bán đảo Linh Đàm để làm khu văn phòng, khách sạn và nhà ở cao cấp. Chiều cao các tòa nhà khoảng 25-35 tầng tạo điểm nhấn. Mật độ xây dựng tại đây chỉ khoảng 20-30%.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, khu đất HH bị phá vỡ quy hoạch ban đầu và biến thành tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với khoảng 8.000 căn hộ. Công trình do Công ty tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) làm chủ đầu tư với 4 tổ hợp nhà cao từ 35 đến 41 tầng (khoảng 20 căn hộ/tầng) trên khu đất khoảng 3 ha.
Mỗi tổ hợp lại gồm 3 đơn nguyên nhà A, B, C. Tổng cộng khu HH có tới 12 tòa nhà chung cư cao tầng, mật độ xây dựng trên 50%.
Khu đất VP6 được quy hoạch là khu nhà ở thấp tầng nằm phía bắc bán đảo Linh Đàm, cạnh đường vành đai 3. Tuy nhiên, thực tế khu đất biến thành tòa nhà cao tới 35 tầng, án ngữ một vùng đô thị bán đảo Linh Đàm. Chung cư VP6 cũng có chủ đầu tư là Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên thuộc Tập đoàn Mường Thanh.
Nhận định về quy hoạch Hà Nội trên báo chí, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, Hà Nội từ xưa đến nay đều có quy hoạch nhưng quy hoạch ấy bị điều chỉnh (phá vỡ) thường xuyên theo nhu cầu của nhà đầu tư. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng lúc đầu tòa này, khu vực này chỉ được quy hoạch xây các toà nhà dưới 10 tầng, nhưng về sau được cấp phép 20 tầng thậm chí lên 30 tầng…
“Tất cả những cái đó khiến không giữ được nguyên trạng quy hoạch ban đầu với những ý tưởng đẹp đẽ. Nó bị điều chỉnh liên tục. Hệ quả là tình trạng lạc lõng kiến trúc, mất cân đối về sức tải về không gian (dân cư quá lớn, hạ tầng không chịu được, vấn đề môi trường không được giải quyết, kể cả chuyện quản lý dân cư với số lượng lớn, quản lý không tốt dẫn đến tình trạng mất an toàn, an ninh). Đấy là thực trạng của Hà Nội hiện nay, đặc biệt là tình trạng tắc đường”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nói.
135 tỷ đồng và vấn đề bất minh trong việc lập quy hoạch chung Hà Nội?
Ngày 26/12/2008, đại diện Bộ Xây dựng cùng Liên danh nhà thầu Perkinl Eastman (Mỹ), Posco E&C, Jina (Hàn Quốc) đã ký hợp đồng tư vấn quốc tế (với tổng giá trị hợp đồng hơn 6,4 triệu USD, tức khoảng 135 tỷ đồng), lập quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Liên danh trong đó Posco E&C là đại diện giao dịch chịu trách nhiệm chính về nội dung, chất lượng, khối lượng hồ sơ quy hoạch; sẽ phải hoàn thiện dự thảo lần cuối để trình thẩm định tháng 12/2009, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt chậm nhất tháng 6/2010.
Cùng với nhà thầu chính, Liên danh còn có 2 nhà thầu phụ Việt Nam tham gia, là Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) và Viện quy hoạch Xây dựng Hà Nội.
Mãi tới ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ mới ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2010, Bộ Xây dựng đã “đặt hàng” Công ty Tinh Vũ, Thượng Hải (Trung Quốc) sản xuất mô hình quy hoạch chung Hà Nội với giá khoảng 3 triệu USD (tức hơn 60 tỷ đồng).
Đến tháng 8/2010, Bộ Xây dựng có văn bản xin phép Thủ tướng Chính phủ cho nhập khẩu mô hình đồ án quy hoạch chung Hà Nội để trưng bày tại cung Quy hoạch xây dựng quốc gia. Lúc này, toàn bộ lô hàng mô hình trên đã cập cảng Hải Phòng. Tức là, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã bất chấp cơ sở pháp lý, ngang nhiên "tiền trảm hậu tấu" khi làm những việc Thủ tướng chưa cho phép.
Đồ án quy hoạch chung Hà Nội của Bộ Xây dựng là có “vấn đề” ngay từ khi nó vừa sinh ra. Bởi, Bộ Xây dựng đã “tự ý” quy hoạch dời trung tâm hành chính của Hà Nội lên Ba Vì và mở "trục Thăng Long".
Ngày 17/8/2010, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ phản đối Trung tâm hành chính đặt tại Ba Vì và trục Thăng Long.
Bộ Xây dựng buộc phải bỏ ý tưởng quy hoạch trung tâm hành chính đặt ở Ba Vì, đổi tên “Trục Thăng Long” thành trục “Hồ Tây – Ba Vì”.
Nhận định về đồ án quy hoạch của Bộ Xây dựng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tại buổi trao đổi về kiến nghị chính thức của VUSTA gửi Bộ Chính trị về Đồ án Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Giáo sư Hồ Uy Liêm cho rằng đồ án của Bộ Xây dựng được lập vẫn thiếu các căn cứ khoa học; vẫn thiếu từ các dự báo phát triển kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đến dự báo phát triển xã hội về phát triển dân số, giáo dục, y tế, thể thao.
Từ đó dẫn đến định hướng phát triển, quy mô, tính chất về các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội, vẫn thiếu tính thuyết phục, thiếu khả thi và không có tính bền vững.
Ở một góc độ khác, Kiến trúc sư Đặng Đức Trí (Viện Quy hoạch Đô thị nông thôn Quốc gia) cho rằng: “Khi lập đồ án quy hoạch, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã buông lỏng quản lý, để cho nhiều khoản chi phí không đúng thực tế, không đúng dự toán. Cụ thể, như bất minh về công tác phí, chi phí mua tài liệu, hội họp, báo cáo, khảo sát thực địa.
Dự án lập quy hoạch chung Hà Nội có dấu hiệu vi phạm trong thanh quyết toán và giải ngân. Bởi, dự toán được duyệt theo phương thức thực thanh thực chi, không áp dụng đơn giá quy định của Bộ Tài chính.
Chi phí thực tế không theo đơn giá này vì không có chứng từ theo đơn giá được duyệt, có nhiều dấu hiệu sử dụng chứng từ khống, bỏ tiền mua hóa đơn giả trong quá trình giải ngân, thông đồng, lợi ích nhóm…”.
Ông Trí cũng khẳng định, liên danh các nhà thầu làm Dự án tư vấn quy hoạch chung Hà Nội là có “vấn đề”.
Bởi, nhà thầu Perkinl Eastman (Mỹ) thường xuyên bất đồng quan điểm với lãnh đạo Bộ Xây dựng, thậm chí đơn vị này còn không được mời, không có mặt ở Lễ công quy hoạch ngày 26/7/2011.
Hay như nhà thầu Posco E&C, Jina (Hàn Quốc) là một công ty nhỏ của Tập đoàn thép Posco, họ đến Việt Nam để buôn bán bất động sản, chứ họ không biết làm quy hoạch nhưng vẫn được mời làm tư vấn.
Một vấn đề khó hiểu nữa là Posco chỉ tham gia một phần nhỏ của dự án nhưng lại “hào phóng” tài trợ gần 60 tỷ đồng để cho Bộ Xây dựng mua mô hình quy hoạch từ Trung Quốc?
Một thời gian sau, vào tháng 4/2015, một loạt lãnh đạo Posco E&C bị nhà chức trách Hàn Quốc bắt giữ vì các công tố viên nghi ngờ hãng này đã lập quỹ “đen” 10 tỷ won (khoảng 9 triệu USD) tại chi nhánh ở Việt Nam.
Thiết nghĩ, chất lượng đồ án, vấn đề bất minh tài chính khi thực hiện đồ án quy hoạch chung Hà Nội, có hay không tham nhũng, tiêu cực… cần được Đoàn kiểm tra số 471 của Bộ Chính trị (do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn) kiểm tra, làm rõ và kiến nghị xử lý nghiêm minh nếu có sai phạm.