Đến chợ đêm Phú Quốc không giống chợ đêm bên Luang Prabang (Lào) hay chợ đêm ở hòn đảo Myanma, càng không giống chợ đêm ở Xiêm Riệp. Đến chợ đêm Xiêm Riệp ngồi ăn chỉ nghĩ đến đá ở Angko Wat, đá ở Angko Thom và chỉ nhìn đá mà nhà văn Nguyên Ngọc viết:
“Campuchia viết tiểu thuyết trên đá và họ đã viết xong”. Còn người Lào viết sử trên nhưng ngôi chùa cổ và vườn hoa tượng phật hay ở cánh đồng chum hiu quạnh. Ở Việt Nam, chợ đêm Phú Quốc, lại viết về ẩm thực Việt, nơi thế giới đã đặt mua giọt nước mắm đến hạt tiêu sọ và ngọc trai đen nuôi đáy biển.
Đến chợ Phú Quốc chỉ thấy món chấm. Cơm Việt Nam hay có món chấm và món chan. Chấm và chan không có gì lạ lẫm với người Việt trong mỗi bữa cơm thường ngày. Bởi vậy mà có người từ đây ra đi nhưng vì nối nhớ cố hương, đã bay hẳn 15 giờ từ Na Uy đầy tuyết về Kiên Giang ngập nắng mong sao kịp ngồi chợ đêm Phú Quốc chỉ để ăn món chấm.
Chấm gì? Cua nướng chấm muối ớt hay ốc hương chấm mắm pha với tiêu, gừng, ớt và lá chanh. Vị của hạt tiêu Phú Quốc cay xộc lên mũi rồi từ từ tan ra êm ru trong cơ thể cùng với ớt xanh Đà Lạt. Món chấm quy tụ cả Bắc Trung Nam nơi chợ đêm đầy trăng, sao và gió.
Sao bạn không về chợ đêm Hà Nội, chợ đêm Đà Lạt hay chợ đêm phố cổ Hội An, mà phải về chợ đêm Phú Quốc? Vì ở đó là quê hương bạn, có hạt tiêu ngon và đắt nhất nước Nam, nơi có nước mắm cổ truyền ướp cá hạ thổ ba năm. Những giọt nước mắm “rút nõ” với ốc hương cay, với ghẹ biển ngồi mút mát nhớ ngày tháng tuổi thơ lông nhông trên biển. Đúng là chỉ chợ đêm Phú Quốc mới có món bún ốc chấm thơm ngon và mang đậm vị quê hương xứ biển. Cá nướng, tôm nướng, cua nướng chấm mắm đều ngon hết. Thứ nước mắm này chỉ cần rưới lên cơm gạo tám Cần Thơ thì không cần ăn thức ăn. Nước mắm ngon cho hạt cơm vào, hạt cơm nổi chứ không chìm, thử nước mắm ngon y như thử giọt mật ong cho lên vạt áo. Giọt mật ong không vỡ là mật ong thứ thiệt.
Khi nhai chậm, mùi mắm thơm và mùi gạo thơm hòa quyện làm cho hệ thần kinh dịu đi, thơ thới hồn ta ăn hạt lúa và chan cùng nước biển. Thứ nước biển pha loãng với cá ngâm tới hai năm mới có giọt nước mắm như giọt mật, thơm đến khó tả. Và đó cũng chính là ta đang ăn hương vị của đất và nước, vì vậy nó ngon.
Ngay cả bánh tôm của chợ đêm Phú Quốc cũng ngon lắm. Nhưng người Hà Nội thì chỉ công nhận bánh tôm hồ Tây ngon, chứ không công nhận bánh tôm Phú Quốc. Bánh tôm hồ Tây Hà Nội đã trở thành thương hiệu đối với thực khách muôn phương. Thực ra, vị bánh tôm của Phú Quốc khác với bánh tôm Hà Nội, giống như phở Bắc tiến vào Nam. Phở Nam hay cho thêm nhúm giá đỗ vào phở và khi đó ta nhận ra đây không phải vị phở của Hà Nội. Cũng như món hủ tiếu chỉ có ở Sài Gòn, Bạc Liêu, Cà Mau… chứ ra Bắc đã thấy không phải vị của phương Nam. Ngay cả quả chanh ở Phú Quốc cũng có vị khác với quả chanh vùng quê Bắc bộ. Quả chanh ít nước hơn, vị không chua dịu như ở ngoài này. Nhưng vị của hạt tiêu và nước mắm nơi đây luôn soán ngôi đầu bảng.
Với món mực ống nhồi thịt nướng, tôi không thích lắm, riêng món hàu nướng hay ngao hấp thì lại là món chấm khoái khẩu của các bạn trẻ. Đến chợ đêm Phú Quốc, tôi nói với bạn tôi chỉ nên ăn món chấm còn ra Hà Nội phải dùng món chan. Bún ngan chan, phở chan và bún thang chan mới đã, nhưng món bún ốc nguội thì chỉ ăn chấm với nước ốc nguội mới ngon. Vô Huế thì chỉ thích xà vào ăn bánh bột lọc hay làm tô bún bò Huế cay xè nước mắt chảy ra, cho đã thương nhớ như đã từng sầu khổ. Mà bọn trẻ có sầu khổ gì đâu, chúng ăn cay thì chảy nước mắt thôi.
Ngoài các món chấm và nướng hải sản, chợ Phú Quốc có món uống, thứ nước được làm từ quả thốt nốt lấy bên miền trời Campuchia cùng với nước dừa ngon miên man. Anh chủ quán nước thốt nốt ở chợ đêm Phú Quốc còn giúp khách biết đến các món ngon khác nổi tiếng ở đây. Khi ăn xong nên ghé các tiệm bán ngọc trai, chớ nên bỏ lỡ cơ hội được tiếp xúc với bột ngọc trai dùng đắp mặt nạ và từ đó, bột vỏ ngọc trai trở thành thứ kem dưỡng da dành cho phụ nữ, đặc biệt cho các quý bà đứng tuổi. Thế rồi từ quán nước thốt nốt này lúc vắng khách, tôi nghe người chạy bàn nói: “Cô tới ngọc trai Ngọc Hiển xem cho đã mắt, ở thị trấn kiếm hàng đẹp mà đeo cho đỡ phí đời, hàng chợ cũng đẹp nhưng chỉ để dành cho người nghèo như bọn cháu thôi.
“Ơ thế ra cháu liệt cô vào người giàu đấy à?”. Tôi hỏi. Cháu đáp: “Tại cháu thấy cô ăn ngon nên nghĩ luôn là cô giàu”. Ôi thích thật! Chỉ vì ăn món ốc hương chấm chấm với mắm ngon mà thành người giàu thì cô sẽ đến chợ Phú Quốc luôn ăn món chấm đủ loại để thành… tỷ phú (mà có tỷ phú có dám ăn ngon đâu).
Ngồi ăn ở chợ đêm Phú Quốc lại nghe Út Sợi chạy bàn kể về cuộc đời mình: Lúc 18 tuổi lấy chồng, chồng làm nghề trồng tiêu sọ hái ra tiền, có với nhau hai mặt con gái, ảnh nói: “Cô không biết đẻ con trai”. Nên hắn đòi bỏ vợ đi lấy một cô gái sơn móng chân, uốn mi cong, nối tóc dài trên thị trấn. Rồi vợ mới cũng vẫn đẻ con gái, cũng hai đứa nhưng chưa thấy bỏ. Út Sợi thì bỏ nhà ra đi tay trắng, chỉ nhớ con gái mà mua cái kèn ốc ngồi thổi một mình bên mép biển, khóc cạn nước mắt thì về. Sợi xin đi chạy bàn làm mướn, đủ ăn qua ngày.
Đời Út Sợi như bỏ đi, chỉ mong ba của hai sấp nhỏ nuôi cho con học hành đến nơi đến chốn, cho bớt khổ như mẹ nó. Kể đến đó thì trời mưa, Út Sợi nói khi bỏ nhà ra đi, mới đầu em đi xe đạp bán đủ thứ hàng tạp phẩm quanh hẻm thị trấn cho người tiêu dùng. Dầu dãi nắng mưa, ngủ vỉa hè mãi đến hôm gặp chủ quán ăn này, thấy em ốm quá, nên cho em ăn uống thuốc men. Khi tỉnh lại em được chạy bàn ở đây, vừa có tiền ăn, vừa trông nom quán và cũng có chốn ngủ nương thân.
Thôi thì sống đến đâu nghĩ đến đó, em không dám nghĩ xa vì không có tài cán gì. Em cũng biết câu chuyện của bà chủ quán trên thị trấn. Bà buôn bán ngọc trai rất hên, nhà có một cậu con trai đẹp ngời ngợi, cũng kinh doanh ngọc trai và đá hồng ngọc cả bên Thái Lan. Nghe đồn thổi cô ơi, bà chủ đó thiệt giàu, nhưng đứa con trai ngời ngợi ấy, mới rước một anh con trai khác về sống như vợ chồng. Nghe nói họ ở thế giới thứ 3, con chả hiểu thế giới thứ 3, thứ 4 là gì? Con học có lớp 5 thôi à. Còn bà chủ tiệm ngọc trai đó tu nghiệp bên Singapore, học quản trị kinh tế hẳn hoi, thiệt giỏi, thiệt giàu có mà nỗi đau khổ lại thiệt khác chúng ta. Có lẽ ngọc trai cũng biết khóc mà không ai hay đó thôi.
Tôi say mê cách kể chuyện của Út Sợi. Em nói nếu buổi sáng không phải đi chợ cá thì em sẽ chỉ cho tôi đến một nơi nghỉ toàn tre trúc, ở đó cô chỉ thấy vườn lá rụng và chim hót. Cứ một ngày đi biển, một ngày đi theo người làm vườn nhổ cỏ, quét lá nghe đủ thứ chuyện của người thị trấn Phú Quốc, cũng đủ cho tôi thấy mình tiêu thời gian ở nơi đây thật không hề uổng phí. Đi chợ đêm Phú Quốc mà tôi không mua gì, Út Sợi có vẻ ngạc nhiên hỏi: "Vì sao cô lại không mua thứ gì?". Thật ra là khó hiểu, vì ai vào đây cũng mua đủ thứ từ mắm mực đến tôm hùm rồi đóng hàng lên máy bay kịch cân thì thôi. Tôi nói tôi đã thấy đủ, không cần mua gì. Phải chăng vì được nghe những câu chuyện về số phận của người trồng tiêu, làm du lịch, chuyện những người đi lặn biển và nuôi trai, chuyện người cười sóng nói gió mà tâm nặng trĩu đau buồn.
Tôi tạm biệt Út Sợi và người bạn đã cùng bay 15 giờ bay để về ăn món chấm, hẹn bạn đi chợ đêm Hà Nội ăn món chan và để nhớ về ẩm thực Việt khi ở bên xứ người quanh năm lạnh giá. Dù trái đất đang nóng lên thì món ăn nước Việt chẳng thể nào đánh mất đi hương vị của nó, cho dù đó chỉ là chuyện vụn vặt ở chợ đêm và chẳng ai dại gì chan nỗi buồn trong lúc ăn uống. Xin bạn cứ chấm cứ chan món ngon ở chợ đêm. Cái gì còn thì sẽ ở lại trong tim ta chẳng cần ghi chép. Lưu trữ trong ngực ta là không cần hiện vật, nó sẽ hiện ra trong không gian, khi mùa thu lá đổ, lá vàng rối bước chân và chợ đêm sương khói hiện về.