Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết, trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, diễn biến thực tế của kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên mức khoảng 21%.
Tính tới thời điểm 20/9/2017, tăng trưởng tín dụng đạt mức 11,02% so với tháng 12/2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước (2015 là 10,8%; 2016 là 10,5%). Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Thành, so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 21%, thì mức tăng trưởng trong quý III/2017 vẫn còn một khoảng cách khá xa. Khoảng cách này sẽ đặt ra thách thức cho quý IV trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm.
Ngoài mối lo về lạm phát, việc tín dụng tăng trưởng cao trong một vài tháng cuối năm còn làm dấy lên lo ngại về dòng chảy tín dụng sẽ đi về đâu. Bởi tăng trưởng tín dụng cần phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, đi cùng với đó là kiểm soát dòng vốn, đưa vào những lĩnh vực ưu tiên, có lợi cho nền kinh tế, tránh đi vào những hoạt động có tính chất đầu cơ, rủi ro và tạo ra bong bóng tín dụng. Ngay trong lĩnh vực BĐS cũng phân hóa thành hai địa chỉ, phân khúc nhiều rủi ro, được đầu tư nhiều và phân khúc sử dụng thật, cần dòng vốn thật.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tăng tưởng tín dụng 21% cho cả năm 2017 có thể đạt được nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Ông Hiếu phân tích: "Đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 18% đã là một mức cao, bởi nếu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7% thì thông thường tín dụng nên tăng trưởng 2,5 lần mức tăng trưởng kinh tế, tức là trên 16%.
Đây là mức độ tăng trưởng bình thường dựa trên mức độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khi nâng mức tăng trưởng tín dụng lên mức 21 - 22%, tức là trong 3 tháng cuối năm phải tăng khoảng 10% mới có thể đạt được chỉ tiêu đặt ra. Trong 3 tháng mà tăng trưởng tín dụng thêm 10% trên tổng dư nợ của nền kinh tế 6 triệu tỷ đồng, nghĩa là đẩy vào lưu thông 600.000 tỷ đồng, mỗi tháng là 200.000 tỷ đồng".
TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá nguồn tín dụng có thể sẽ đổ vào hai lĩnh vực có độ rủi ro cao là chứng khoán và bất động sản. Không như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải có phương án, giải ngân theo kế hoạch… có khi mất cả năm, một dự án bất động sản hàng chục tỷ đồng, hàng trăm tỷ đồng chỉ cần có phương án là ngân hàng đã có thể giải ngân theo thời kỳ để xây dựng.
Ông Hiếu cũng bày tỏ lo ngại khi thị trường thứ cấp bất động sản được các ngân hàng sẵn sàng cho vay để các nhà kinh doanh hoạt động. Vì thế, theo ông Hiếu, nếu đẩy tín dụng nhanh vào những lĩnh vực kinh tế có độ rủi ro cao thì sẽ gây rủi ro lớn cho nền kinh tế. Cho nên, tín dụng cần phải đúng địa chỉ là sản xuất kinh doanh thì mới phát huy được tác dụng.
Tại một báo cáo mới đây của CBRE, công ty này cho biết lo ngại rất gần trên thị trường là việc mở van vốn, bơm mạnh tín dụng có thể sẽ chỉ đẩy bất động sản nóng lên trong ngắn hạn, thay vì đi vào các ngành sản xuất kinh doanh cần được ưu tiên.
Với dòng vốn mới dự bơm ở những tháng cuối năm 2017, trên chiều đi của kỳ vọng… âm ỉ về tín dụng, không thiếu cơ sở cho những lo ngại phần lớn nguồn vốn mới sẽ kích hoạt thị trường địa ốc và chứng khoán. Việc phân bổ vốn nếu không được định hướng, nắn dòng ngay từ đầu và kiểm soát chặt, sẽ có thể lặp lại những kịch bản bơm vốn thiếu hiệu quả từng diễn ra trước đây.