Aa

Chi phí dự phòng tăng vọt khiến lợi nhuận nhiều nhà băng đi xuống sau 9 tháng

Thứ Ba, 31/10/2023 - 06:15

Nợ xấu có xu hướng tăng trước bối cảnh kinh tế có khó khăn, buộc các nhà băng phải tăng trích dự phòng rủi ro khiến kết quả thu về trong 9 tháng đầu năm nay bị ảnh hưởng.

Trích dự phòng cao khi nợ xấu nhích lên

Chỉ tính riêng trong quý III/2023, tổng chi phí trích lập dự phòng của hơn 10 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính tăng thêm 1.150 tỷ đồng, tương ứng tăng 14,5%. Lợi nhuận trước thuế được tính toán bằng cách lấy lãi thuần từ hoạt động kinh doanh trừ đi chi phí dự phòng. Do đó, sự gia tăng của chi phí này ảnh hưởng trực tiếp tới lãi trước thuế của ngân hàng.

ACB trích 1.483 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập. Vì nợ xấu nhích từ dưới 1% lên 1,2% tính đến cuối quý III/2023. Mặc dù vậy, ACB vẫn báo lãi trước thuế hơn 15,024 tỷ đồng, tăng 11%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ xấu toàn ngành ngân hàng nói chung và tại ACB nói riêng có xu hướng tăng lên, nhưng ngân hàng này vẫn duy trì được tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất thị trường hiện nay. Cho vay khách hàng của ACB đến cuối tháng 9/2023 tăng 9% lên mức 449.751 tỷ đồng.

Lợi nhuận Techcombank giảm 19% so với cùng kỳ năm trước, do tăng dự phòng. Nhà băng này dành ra gần 2.287 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 84% so cùng kỳ. Riêng quý III/2023, Techcombank phải chi ra 944 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 55% so với cùng kỳ.

Tổng nợ xấu tính đến ngày 30/9 của Techcombank là 6.467 tỷ đồng, gấp đôi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,74% đầu năm lên 1, 4%. Tuy nhiên, so với kế hoạch 22.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm 2023, nhà băng này đã thực hiện được gần 78% mục tiêu sau 9 tháng đầu năm.

TPBank giảm 26% lãi trước thuế quý III/2023 chỉ còn 1.576 tỷ đồng, vì nợ xấu gấp 4 lần. Kết quả đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức chỉ 0,84% đầu năm lên 2,97%. Trong quý III, Ngân hàng dành ra 1.293 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 4 lần cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, chi phí dự phòng của nhà băng này tăng lên 14% khi phải chi ra gần 2.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2023, TPBank đề ra mục tiêu 8.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và đã đạt 57% lợi nhuận sau 9 tháng.

BVBank cũng dành hơn 141 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng tính đến cuối quý III/2023, tăng 15% so với cùng kỳ, do đó BVBank lãi trước thuế còn hơn 61 tỷ đồng sau 9 tháng, giảm 85%. Nếu so với kế hoạch lãi trước thuế 502 tỷ đồng đề ra cho cả năm, BVBank mới thực hiện được 12% mục tiêu dù đã qua 9 tháng.

Nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của Saigonbank đến cuối tháng 9/2023 tăng 9,4% với 435 tỷ đồng đưa tỷ lệ nợ xấu nhích lên 2,23%. Tương tự, chất lượng nợ vay của PGBank cũng không mấy cải thiện khi tổng nợ xấu tại thời điểm 30/09/2023 là 796 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm 2023. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,56% lên 2,61%...

Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, chất lượng tài sản của ngành ngân hàng đã đi xuống. Trong khi đó, số dư nợ xấu tại nhiều nhà băng trong quý III/2023 đã tăng vọt so với cuối năm ngoái.

Không chỉ có nợ nhóm 3, nhóm 4 và 5 (nợ xấu) tăng lên, nhiều ngân hàng còn xuất hiện tình trạng nhảy nợ nhóm 2. Chất lượng tài sản sa sút khiến chi phí dự phòng tăng vọt, ăn mòn lợi nhuận. Một số nhà băng như BaoViet Bank ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 6 lần, nhưng vì chi phí dự phòng tăng gần 8 lần nên vẫn báo lãi giảm.

Cảnh báo về chất lượng tài sản đi xuống

Số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng từ 2% hồi đầu năm tăng vọt lên 3,56% đến cuối tháng 7/2023. Với tỷ lệ này, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng thuộc diện kiểm soát đặc biệt là SCB, Dong A Bank, CBBank, OceanBank và GPBank. Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng hiện ở mức 1,92%.

Còn nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ này theo Ngân hàng Nhà nước, chiếm 6,16% (tương đương 768.000 tỷ đồng) so với tổng dư nợ tín dụng.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Hữu Huân, trước tình hình khó khăn của kinh tế nói chung trong năm nay và hoạt động của ngành ngân hàng cũng không thể tránh khỏi khi: tín dụng tăng chậm, thu ngoài lãi giảm, trong khi nợ xấu chiều hướng tăng và dự kiến đến cuối quý IV/2023 nợ xấu của ngành mới đạt đỉnh nên cần tăng dự phòng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bà Nguyễn Thị Hồng cũng đưa ra lưu ý, về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%).

Trước đó, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước đưa ra, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động đến cuối tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%). Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiếp tục kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm tra, kiểm soát việc cấp tín dụng, sử dụng vốn, nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp nội bộ có nguy cơ rủi ro lớn.

Chứng khoán Rồng Việt (DVSC) cũng cho rằng, năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống và sẽ có sự gia tăng nợ xấu, chi phí tín dụng trong vài quý tiếp theo do thị trường bất động sản suy giảm, những rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp còn hiện hữu.

Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngân hàng, khi lĩnh vực này có vấn đề không chỉ ảnh hưởng tăng trưởng tín dụng mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu. Trong khi tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng lại giảm.

Tính đến cuối tháng 6/2023. có đến 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm so với đầu năm, với tốc độ giảm bình quân 27%. Trong đó, MB là ngân hàng giảm mạnh nhất từ từ 238% xuống còn 156,1%; TPB giảm từ 135,1% về 60,9%; BIDV từ 216,9% về 152,6%./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top