Aa

Chi phí thiết kế để có Công trình Xanh thực chất

Thứ Ba, 14/11/2017 - 06:27

Ông Trần Thành Vũ, chuyên gia vật lý công trình và mô phỏng năng lượng – Chương trình năng lượng sạch Việt Nam, cho rằng với chi phí thiết kế chưa đầy 1%, rất khó để có Công trình Xanh đúng nghĩa tại Việt Nam.

Chứng chỉ Công trình Xanh chi phí thấp

Theo ông Vũ, tại Việt Nam hiện nay, các Công trình Xanh thật đa phần đều do nước ngoài thiết kế và có vốn đầu tư nước ngoài còn lại chỉ là xanh nhãn dán! Nhiều chủ đầu tư cứ tự xây dựng rồi bỏ tiền mua chứng chỉ về gắn lên sau khi công trình đã xây xong.

“Các chứng chỉ xanh của nước ngoài, chẳng hạn của Mỹ, có quy trình giám sát cực kì chặt chẽ. Nó đòi hỏi chủ đầu tư phải lượng hóa được năng lượng tiết kiệm, quy ra chi phí là bao nhiêu thì mới cấp. Việc này được thực hiện bắt buộc thông qua mô phỏng năng lượng. Còn ở Việt Nam, việc giám sát để cấp chứng chỉ xanh không chặt, nhất là khâu triển khai thi công và kiểm soát năng lượng, nhiều trường hợp gần đạt được thì châm chước để cấp với mục tiêu thúc đẩy trào lưu xanh, điều này vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực.

“Đối với chứng chỉ EDGE, đây là chứng chỉ xanh cho các nước đang phát triển. Phép tính của EDGE khá đơn giản và thực hiện trực tiếp trên giao diện web. Làm như vậy để giảm chi phí thực hiện các phân tích mô phỏng phức tạp với chi phí cao do phải đi thuê chuyên gia nước ngoài. Nhưng cũng nhờ đó mà nâng cao ý thức và mong muốn thực hiện Công trình Xanh. Đây là cách làm khéo léo trước khi tiến các bước xa hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng công trình, hiện tại nhiều dấu hiệu xanh tích cực đã xuất hiện nhờ giải pháp này”, ông Vũ nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, sở dĩ tại Việt Nam hiện nay rất khó có được Công trình Xanh thực chất là bởi chủ đầu tư chưa coi trọng phần thiết kế và giá trị thực của nó. Trong khi ở nước ngoài, chi phí thiết kế chiếm tới 10% tổng vốn đầu tư thì đối với công trình có vốn nhà nước tại Việt Nam chi phí này chỉ vỏn vẹn 1% của giá trị xây lắp (loại trừ chi phí thiết bị). Và rất đáng tiếc toàn thị trường đều tham khảo con số này như một dạng tiêu chuẩn về thiết kế phí. Bên cạnh đó, thời gian làm thủ tục quá lâu cũng là yếu tố khiến việc tiết kiệm năng lượng trở nên xa vời.
 

“Thủ tục quá lâu nên chủ đầu tư thường ép thời gian kiến trúc sư. Kiến trúc sư bị ép cả thời gian lẫn mức thiết kế phí tính theo tham khảo của nhà nước, sau đó lại tìm cách ép tiếp xuống kĩ sư kết cấu và kĩ sư cơ điện. Kết cấu và cơ điện bị ép thì không thể có đủ thời gian và nguồn lực để làm tốt. Thành ra muốn tiết kiệm năng lượng, đạt chuẩn xanh nhưng cuối cùng kết quả lại là sự lãng phí vật liệu, thiết bị và chính chủ đầu tư là nạn nhân.

“Đấy là cái vòng luẩn quản, tự ép lẫn nhau dẫn đến lãng phí. Lãng phí cho kết cấu là tiền chôn trong đất, lãng phí cho cơ điện là tiền cài trên trần giả trong nhà. Chúng ta đã và đang lãng phí như thế”, ông Vũ phân tích.

Ngoài 2 lý do chủ yếu trên ra, ông Vũ còn dẫn trường hợp khá bi hài, đó là đã hoàn thành thiết kế đúng chuẩn, nhưng cuối  cùng chủ đầu tư lại không thực hiện do… thầy bói nói không hợp phong thủy!

Vướng một loạt trở ngại như trên, ông Vũ nhìn nhận khả năng Việt Nam có khu đô thị cân bằng năng lượng là khá mong manh, chẳng khác gì công nghiệp ô tô đang ở trình độ hiện tại mà mơ ước 3 – 5 năm nữa đóng được xe Ferrari 1.000 mã lực.

“Tuy vậy nếu giảm được 75% sử dụng năng lượng của toàn khu độ thị theo cách giải pháp đánh giá của chuyên gia Poul E.Kristense (cố vấn kĩ thuật cấp cao của tổ chức IFC thuộc WB – PV) thì khu đô thị chắc chắn sẽ trở thành điểm sáng lớn trên thị trường bất động sản. Vì Việt nam có 25% điện từ thủy điện, do đó ông Poul cho rằng có thể coi như đây là khu đô thị không phát thải carbon do hoạt động sử dụng năng lượng”, ông Vũ nói.

Tiết kiệm được 20% năng lượng đã là thành tựu

Tập đoàn Nam Cường hiện đang có tham vọng xây dựng dự án Dương Nội trở thành khu đô thị đầu tiên tại Việt Nam đạt đến ngưỡng cân bằng năng lượng, hay còn được gọi bằng cái tên “công trình zero energy”.

“Zero energy” là tên gọi những công trình có mức sử dụng năng lượng trung bình cả năm bằng 0. Dạng công trình này đòi hỏi sử dụng năng lượng cực nhỏ, đủ để cân bằng với mức năng lượng tự sinh ra do các thiết bị tái tạo năng lượng (mặt trời, gió…). Thậm chí, nếu được thiết kế và vận hành tốt hơn, các công trình này còn có năng lượng tích cực, nghĩa là sản xuất thừa và bán lại cho lưới điện quốc gia.

Tuy nhiên, chia sẻ bên lề hội thảo, ông Trần Như Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường thừa nhận, “công trình zero energy” vẫn chỉ là một mục tiêu hướng tới chứ chưa phải là điều có thể thực hiện được.

“Xây dựng một tòa nhà tiết kiệm được 20% năng lượng đã là thành tựu, đã là một thử thách rất khó khăn cho cả công tác thiết kế, thi công, đầu tư và vận hành chứ không hề đơn giản”, ông Trung nói.

“Thực sự chi phí phát sinh phụ thuộc nhiều vào độ thông minh trong thiết kế, sử dụng, lựa chọn vật tư, vật liệu. Không có nghĩa cứ chi trả càng nhiều thì anh sẽ được công trình càng xanh đâu. Trong kinh nghiệm của tôi thì chỉ cần khoảng 2% chi phí phụ trội đã có thể đạt được chứng chỉ Công trình Xanh”, ông Trung chia sẻ.

Vị Phó tổng giám đốc của Nam Cường cũng nhấn mạnhviệc xanh hóa công trình nhà ở không mang lại lợi nhuận tiền bạc nhiều như người ta tưởng.

“Tại Việt Nam, tôi tin rằng chứng chỉ xanh mang tính chất tăng nhận thức chung của cộng đồng. Chủ đầu tư nào muốn làm thì phải chấp nhận ra đi từ 2 – 5% chi phí, bởi cái chi phí bổ sung ấy anh không thu lại bằng cách nào cả. Nếu là văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, khi vận hành anh có thể giảm chi  phí điện năng tiêu thụ, anh được lợi, nhưng với nhà ở anh chẳng có cách gì cả vì toàn bộ nhà đã chuyển cho người mua, chỉ có người mua được lợi”, ông Trung nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top