Aa

Chỉ số cơ sở hạ tầng 2019 đạt "đỉnh", Bình Dương đứng top đầu

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Tư, 06/05/2020 - 09:30

Chất lượng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam được đánh giá là tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Điểm số chỉ số cơ sở hạ tầng năm 2019 của tỉnh trung vị tiếp tục ghi dấu mốc cao nhất qua các năm, 68,45 điểm.

Báo cáo PCI 2019 tiếp tục xây dựng chỉ số cơ sở hạ tầng, dựa trên nguồn thông tin thu thập qua kết quả điều tra về cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về chất lượng cơ sở hạ tầng tại các tỉnh, thành phố kết hợp với một số dữ liệu thống kê. 

Chỉ số cơ sở hạ tầng không được đưa vào tính toán chỉ số PCI, vì vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng phần lớn nằm ngoài thẩm quyền của chính quyền các địa phương.

Biểu đồ thể hiện kết quả Chỉ số Cơ sở hạ tầng năm 2019

Theo đó, chỉ số Cơ sở hạ tầng năm 2019 vẫn giữ nguyên phương pháp luận kể từ khi bắt đầu xây dựng vào năm 2008, với 4 chỉ số thành phần đánh giá chất lượng của 4 lĩnh vực hạ tầng cơ bản liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đó là: Các khu/cụm công nghiệp; đường sá giao thông; các dịch vụ tiện ích cơ bản viễn thông, năng lượng; tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin.

Bình Dương là tỉnh đứng đầu chỉ số cơ sở hạ tầng năm 2019, và cũng là tỉnh liên tục dẫn đầu chỉ số này trên cả nước từ nhiều năm nay. 

"Ngay từ khi tái lập vào năm 1997 đến nay, Bình Dương đã sớm chú trọng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) gắn với đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Với 29 KCN, trong đó, nhiều KCN có chất lượng tốt, Bình Dương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư", báo cáo PCI 2019 nêu.

Ngoài Bình Dương, một số tỉnh thành khác như Bắc Ninh, Đồng Nai, Thái Nguyên và Bắc Giang cũng nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố được các doanh nghiệp đánh giá có cơ sở hạ tầng tốt nhất năm vừa qua, cũng là những trung tâm công nghiệp lớn trên cả nước. 

Một số tỉnh thành nằm trong nhóm có chất lượng cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đó là Sóc Trăng, Bình Thuận, Cao Bằng, Quảng Bình và Bạc Liêu.

Theo báo cáo PCI 2019, chất lượng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Đặc biệt, kể từ năm 2014, chất lượng hạ tầng có xu hướng đi lên ổn định. Điểm số chỉ số cơ sở hạ tầng năm 2019 của tỉnh trung vị tiếp tục ghi dấu mốc cao nhất qua các năm, 68,45 điểm, vượt qua mốc cao nhất từng ghi nhận là 66,06 điểm của năm 2018. 

Kết quả điều tra năm 2019 tiếp tục ghi nhận mối tương quan chặt chẽ giữa chất lượng điều hành và cơ sở hạ tầng tại 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Vẫn nhất quán với phát hiện đã được chỉ ra từ báo cáo PCI những năm trước: Những địa phương nào có chất lượng điều hành tốt có xu hướng có cơ sở hạ tầng chất lượng cao hơn. 

Cụ thể, những tỉnh, thành phố ở góc một phần tư phía trên bên phải có chất lượng điều hành và có chất lượng cơ sở hạ tầng ở mức cao hơn tỉnh trung vị.

Ở góc một phần tư phía dưới cùng bên trái là những tỉnh có chất lượng điều hành và có chất lượng cơ sở hạ tầng ở mức thấp hơn tỉnh trung vị, những tỉnh này sẽ cần có thêm nhiều nỗ lực hơn cả, khi vừa phải nỗ lực vượt qua những khó khăn về cơ sở hạ tầng vừa đồng thời phải nâng cao chất lượng điều hành tại địa phương. 

Góc một phần tư phía trên bên trái là những tỉnh có chất lượng cơ sở hạ tầng cao hơn mức trung vị, nhưng lại có chất lượng điều hành kinh tế chưa cao, đây là nhóm tỉnh cần vượt qua bẫy lợi thế. Và cuối cùng là những tỉnh thuộc góc một phần tư phía dưới bên phải, những tỉnh “vượt khó”, khi chất lượng cơ sở hạ tầng còn hạn chế nhưng có chất lượng điều hành trên mức trung vị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top