Aa

Chỉ số kinh doanh của doanh nghiệp có phần lạc quan

Thứ Năm, 25/10/2018 - 06:01

Vốn đăng ký trung bình của doanh nghiệp mới thành lập trong tháng 8 và 9 là 9 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 1 năm. Số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động trong 9 tháng là 78 nghìn doanh nghiệp, tăng tới 46,9% (cùng kỳ 2016 và 2017 chỉ tăng 5,5% và 2%). Nhìn một cách tích cực thì số lượng các doanh nghiệp đăng ký còn hoạt động đã gần với thực chất hơn sau khi các cơ quan quản lý rà soát và loại bỏ các doanh nghiệp không hoạt động trong một thời gian dài.

Theo khảo sát của TCTK Việt nam thực hiện hàng quý, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt nam đang tương đối ổn định và có phần lạc quan.

Số doanh nghiệp đánh giá quý III khả quan so với quý II là 43,1%, là quý cao nhất kể tức khi thực hiện khảo sát. Nhìn về tương lai, tỷ lệ lạc quan với quý IV là 52,5%, xấp xỉ mặt bằng chung trong các quý gần đây. Tuy vậy, chỉ số PMI (quản lý thu mua) tháng 9 của Việt nam theo khảo sát của Markit lại giảm xuống mức thấp nhất 10 tháng là 51,5 điểm.

Xu hướng giảm tốc nhanh của chỉ số PMI bắt đầu từ tháng 6 và so với các nước trong khu vực thì chỉ có Đài Loan có cùng xu hướng này. Nếu có điểm chung nào giữa Việt nam và Đài Loan thì rất có thể là thị trường Trung Quốc và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra vào tháng 6.

Ngược lại, tình hình các doanh nghiệp của Hàn Quốc và Malaysia đều đang cải thiện trong những tháng gần đây. PMI của Malaysia đạt mức cao nhất 10 tháng còn Hàn Quốc cao nhất nhiều năm.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng đầu năm là 96,6 nghìn doanh nghiệp, chỉ tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi cùng kỳ 2016 và 2017 tăng 19,2% và 15,4%.

“Cơn sốt” khởi nghiệp được thổi bùng lên vào đầu năm 2016 đang lắng lại. Và ngay cả khi có Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các văn bản hướng dẫn đã ban hành, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng không có nhiều tiền triển.

Vốn đăng ký trung bình của doanh nghiệp mới thành lập trong tháng 8 và 9 là 9 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 1 năm. Số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động trong 9 tháng là 78 nghìn doanh nghiệp, tăng tới 46,9% (cùng kỳ 2016 và 2017 chỉ tăng 5,5% và 2%). Số hoàn tất giải thể là 15,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 77,6% (cùng kỳ 2016 & 2017 tăng 20,2% và 4,4%).

Nhìn một cách tích cực thì số lượng các doanh nghiệp còn đăng ký hoạt động đã gần với thực chất hơn sau khi các cơ quan quản lý rà soát và loại bỏ các doanh nghiệp không hoạt động trong một thời gian dài.

Nhóm doanh nghiệp “hấp dẫn” nhất trên sàn: Dệt may

Ngành dệt may đang là một trong những nhóm dẫn đầu thu hút dòng tiền trên sàn. Vốn hóa của nhóm ngành Dệt may này tăng thêm 21% chỉ riêng trong tháng 9. Ngành dệt may đang được hưởng lợi từ tăng trưởng số lượng đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu.

Tăng trưởng đơn hàng của ngành dệt may được giải thích nhờ vào hai yếu tố. Thứ nhất là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hoa Kỳ áp thuế suất 10% đối với nhiều sản phẩm dệt may từ Trung Quốc khiến nhiều khách hàng Hoa Kỳ có xu hướng chuyển sang sử dụng hàng may mặc của Việt Nam.

Thứ hai là Việt Nam tham gia vào các FTAS như VKFTA (Việt Nam – Hàn Quốc) và sắp tới đây là CPTPP, EVFTA.

Các hiệp định này sẽ giúp ngành dệt may được hưởng lợi lớn từ mức thuế suất thấp, khiến cho các sản phẩm dệt may cạnh tranh hơn nếu so sánh với các nhà sản xuất khác tại Trung Quốc. Ví dụ đối với sợi xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, thuế suất đối với sản phẩm Việt Nam là 0% trong khi sản phẩm Trung Quốc là 8%.

Nhà đầu tư quay trở lại thị trường trái phiếu

Thị trường trái phiếu không có nhiều diễn biến mới. Tổng khối lượng trái phiếu được Kho bạc Nhà nước phát hành trong tháng đạt 15.700 tỷ đồng, gần bằng tháng trước và chỉ tập trung vào hai kỳ hạn 10 và 15 năm với lãi suất trúng thầu tăng dần qua từng phiên.

Các kỳ hạn ngắn không trúng thầu do lãi suất cung và cầu không gặp nhau, trong khi cầu trái phiếu dài hạn rất thấp trong môi trường lãi suất tăng.

Tính tới hết tháng 9, Kho bạc Nhà nước đã phát hành được 121.761 tỷ đồng trái phiếu, hoàn thành 61% kế hoạch năm, với kỳ hạn bình quân đạt 12,6 năm. Trong đó, riêng hai kỳ hạn 10 và 15 năm chiếm 73,5% tổng giá trị phát hành và đã vượt kế hoạch phát hành năm, trong khi các kỳ hạn còn lại đều chưa đạt 40% kế hoạch.

Lợi suất trái phiếu thứ cấp đã chạm đỉnh trong tháng 9, ngừng tăng và chuyển xu hướng đi ngang sau một thời gian tăng khá mạnh. Diễn biến này đã kích thích nhà đầu tư tham gia trở lại vào thị trường, giúp thanh khoản cải thiện đáng kể so với tháng 8 (trung bình 9.400 tỷ đồng/phiên, tăng 53% so với tháng 8). Đáng chú ý, khối ngoại cũng mua ròng trở lại với giá trị 624 tỷ đồng sau 3 tháng bán ròng liên tiếp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top