Aa

"Chỉ tiêu tăng trưởng 6% năm 2021 hoàn toàn có thể đạt được"

Thứ Năm, 12/11/2020 - 06:15

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng 6% đặt ra năm 2021 hoàn toàn có thể đạt được, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam giữ vững nhịp bật dậy nhanh và mạnh như hiện nay.

Ngày 11/11, với 430/439 đại biểu tán thành (gần 90% tổng số đại biểu), Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị chỉ tiêu tăng trưởng năm 2021 là 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người.

"Chỉ tiêu tăng trưởng 6% hoàn toàn có thể đạt được"

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết hiện đang có một số ý kiến cho rằng mức tăng trưởng GDP 6% là khá cao, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát. Cho nên, con số đề nghị chỉ xấp xỉ trên 5%.

Nhận định về chỉ tiêu tăng trưởng này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện nay kinh tế trong nước đã và đang bật dậy tương đối nhanh và mạnh trong những tháng gần đây, đặc biệt là các tháng cuối năm tới.

Thêm vào đó, thực tế cho thấy các nước trên thế giới đang dần thích nghi và sống chung với đại dịch, bên cạnh những quốc gia buộc phải đóng cửa nhiều hơn 1 lần do các đợt bùng phát mới thì cũng có quốc gia sắp cán đích trong cuộc chạy đua thử nghiệm vắc-xin phòng dịch.

"Chính vì vậy, kỳ vọng vào bức tranh kinh tế toàn cầu khởi sắc trong năm 2021 là có cơ sở. Trong bối cảnh giữ vững được nhịp tăng trưởng kinh tế, không có thêm biến động lớn từ yếu tố dịch bệnh, thiên tai... thì chỉ tiêu tăng trưởng 6% hoàn toàn có thể đạt được", ông Thịnh nhấn mạnh.

Hiến kế để thúc đẩy chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay, ông Thịnh cho rằng Chính phủ cần tiếp tục rà soát, đẩy nhanh và hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, đây là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy kinh tế hồi phục, phát triển nhanh chóng

Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp nội địa mở rộng, hướng trọng tâm vào thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân. Bởi lẽ, dù các nước có mở cửa nền kinh tế trở lại thì cũng sẽ cầm chừng, hoạt động xuất - nhập khẩu chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, sức tiêu thụ hàng hóa trong nước rất mạnh mẽ. Tuy nhiên thực tế cho thấy người Việt Nam có xu hướng dùng hàng nhập khẩu, hàng ngoại rất cao.

Cho nên, thời điểm này khi hàng ngoại đang bị hạn chế, doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội để thể hiện mình, chứng minh hàng Việt Nam không hề thua kém hàng ngoại cả về chất lượng lẫn giá cả.

"Bản thân doanh nghiệp phải tự thay đổi để chinh phục thị trường nội địa, ngoài ra Chính phủ cũng cần có thêm các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản lượng tiêu thụ của thị trường trong nước", ông Thịnh nói.

Mặt khác, doanh nghiệp nên tìm cách đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, tránh trường hợp phục thuộc quá nhiều vào nguồn hàng nước ngoài. Trong đó việc tập trung đẩy nhanh quá trình nội địa hóa nguyên liệu là một hướng đi rất tốt, giúp thúc đẩy ngành hàng, tạo thêm thu nhập và công ăn việc làm cho người dân trong nước.

"Cuối cùng, Chính phủ cần quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Đặc biệt là những doanh nghiệp trong hàng không, du lịch, vận tải, dịch vụ... đã và đang gánh chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Trong khi đó, đầy đều là các lĩnh vực có lực lượng lao động đông đảo, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nước nhà những năm qua", ông Thịnh cho biết thêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top