Theo báo cáo của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kết thúc năm 2019, có 89.282 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 20,2% so với năm 2018). Trong đó, có 14 ngành kinh doanh chính gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, và kinh doanh bất động sản đứng vị trí đầu bảng trong số đó.
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm ngừng hoạt động năm 2019 là 598 doanh nghiệp, tăng tới 36,8%. Tiếp đến là các ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm... Bất động sản cũng là ngành có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất với 686 doanh nghiệp, tăng 39,4% so với cùng kỳ 2018.
Theo báo cáo, trong năm 2019, có 2.029 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với tổng số vốn đăng ký là 25.585 tỷ đồng; có 36.562 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng với tổng số vốn đăng ký là 531.145 tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp, tăng 30,2% về số vốn; có 99.548 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ với tổng số vốn đăng ký là 1.173.443 tỷ đồng, tăng 5,1% về số doanh nghiệp, tăng 12,9% về số vốn. Tuy nhiên, không xuất hiện doanh nghiệp thành lập mới trong nhóm bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, năm 2020, sự thanh lọc thị trường sẽ diễn ra rất mạnh, thị trường chỉ còn tồn tại những doanh nghiệp bất động sản lớn mạnh, có tiềm năng thực sự. Nguồn cung khan hiếm sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản. Có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp và môi giới bất động sản không thể trụ lại với nghề nghiệp.
Theo các chuyên gia, điều này vừa là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp nhưng cũng là niềm vui của các nhà đầu tư. Bởi lẽ, thời gian qua lĩnh vực bất động sản tồn tại quá nhiều bất cập đến từ hàng trăm doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn hoạt động đã gia nhập thị trường, gây náo loạn. Trong đó, nổi bật nhất là "cú lừa siêu hạng" với tổng số tiền lên đến 2.500 tỷ đồng của Tập đoàn địa ốc Alibaba khiến hơn 7.000 nhà đầu tư đất nền lao đao.
Khi thị trường quá nhiễu loạn, tồn tại nhiều doanh nghiệp bất động sản hoạt động thiếu minh bạch, thị trường sẽ càng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đối với các nhà đầu tư. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, tín hiệu giải thể của nhiều doanh nghiệp thời gian qua cho thấy thị trường đang ở trong giai đoạn sàng lọc.
“Sự trầm lắng của thị trường bất động sản năm 2019 đi theo chu kỳ ổn định nên không đáng lo ngại. Đó là một bước lùi, là cơ hội để các chủ đầu tư nhìn nhận lại mình, hoạch định những kế hoạch dài hạn hơn cho tương lai, cũng là cơ hội để sàng lọc thị trường. Trong sự sụt giảm, những điểm sáng của thị trường vẫn được bộc lộ, những khó khăn của năm 2019 là tiền đề để chuẩn bị tốt hơn cho thị trường bất động sản năm 2020 sôi động”, ông Vũ Cương Quyết, CEO Đất Xanh Miền Bắc nhận định.
Thanh lọc cũng là nhận định của ông Trương Xuân Quý, Giám đốc Kinh doanh bất động sản Tập đoàn Flamingo khi đưa ra dự báo về thị trường bất động sản 2020: “Những tháng đầu tiên của năm 2020, thị trường vẫn trầm lắng. Đến quý II, quý III thị trường sẽ có sự tăng tốc. Sự chững lại của thị trường bất động sản năm 2019 là cơ hội để thanh lọc chủ đầu tư. Những doanh nghiệp tồn tại, khắc phục nhược điểm và vượt qua những khó khăn đó mới đầy đủ bản lĩnh và đứng vững trên thị trường”.
Các chuyên gia đánh giá, dù vẫn còn nhiều thách thức bủa vây thị trường bất động sản, nhưng niềm tin trên thị trường bất động sản vẫn còn, bởi đây là một thị trường tiềm năng và đầy ắp cơ hội.
“Thị trường chỉ loại bỏ những dự án, những chủ đầu tư không có năng lực về triển khai dự án, không có năng lực về thủ tục giấy tờ, năng lực tài chính, nhưng đối với các chủ đầu tư có tiềm lực mạnh về tài chính, có nhiều kinh nghiệm thì đây là cơ hội. Do vậy thị trường cần nhìn vào tín hiệu tích cực, trong nguy có cơ”, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chủ tịch CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hải Phát cho hay.