Nằm trên đường Bành Văn Trân (quận Tân Bình cũ), nhà thờ Chí Hòa là một trong những nhà thờ cổ nhất TP. HCM, có tuổi đời hơn 1 thế kỷ. Nhà thờ Chí Hòa tên hiệu là nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi.
Nhà thờ Chí Hòa không mang vẻ lộng lẫy thường thấy ở các kiến trúc Gothic phương Tây. Thay vào đó là một dáng vẻ trầm mặc, giản dị, nhưng ẩn chứa trong từng đường nét là chiều sâu thời gian và lịch sử.

Nhà thờ Chí Hòa là một trong những công trình tôn giáo lâu đời nhất tại Sài Gòn. Ảnh: Internet
Theo các tư liệu giáo phận, nhà thờ được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX từ họ đạo Thạnh Hòa với sự hướng dẫn của Đức cha Bá Đa Lộc. Đến đầu thế kỷ XX, mảnh đất rộng hơn 600ha đã được ông Lê Phát Đạt – đại điền chủ nức tiếng miền Nam và là ông ngoại của Hoàng hậu Nam Phương – hiến tặng để xây dựng nhà thờ.
Cụ thể, nhà thờ Chí Hòa được xây dựng vào năm 1890 và chính thức khánh thành vào ngày 7/10/1890. Tên gọi "Chí Hòa" được chọn để gắn với họ đạo mới, giữa thời điểm chỉ có khoảng 700 giáo dân định cư rải rác quanh nhà thờ.

Nhà thờ hiện tại. Ảnh: Internet
Trải qua hơn một thế kỷ, nhà thờ Chí Hòa vẫn giữ được cấu trúc nguyên bản – một dạng kiến trúc mang hơi hướng Gothic Pháp nhưng đã được giản lược và bản địa hóa. Mặt bằng nhà thờ hình chữ thập, dài khoảng 40m, cao 18m. Các khung cửa vòm cao hẹp, mái ngói đỏ, hệ tường gạch cổ đã chuyển màu thời gian.
Những mảng tường gạch cũ sẫm màu, các khung cửa vòm bằng gỗ nâu sậm, chuông đồng treo trên tháp chuông vuông vức… tất cả như thể được thời gian giữ lại nguyên vẹn để kể lại câu chuyện hơn một thế kỷ sống cùng thành phố.

Ảnh: Internet
Theo báo Thanh Niên, thánh đường này được xây dựng từ chính phần đất do ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu và ông Lê Phát Đạt (nghệ danh Huyện Sỹ), là 1 trong tứ đại phú hộ giàu nhất Sài Gòn xưa, có tiếng là "giàu hơn vua Bảo Đại" hiến tặng.
Khi chuẩn bị xây nhà thờ Huyện Sỹ, nghe thông tin nhà thờ Thạnh Hòa xuống cấp mà nhánh Thạnh Hòa nghèo quá, nên ông Lê Phát Đạt quyết định giảm quy mô thiết kế ban đầu của nhà thờ Huyện Sỹ từ 5 gian xuống còn 4 gian và dùng số tiền dư ra để xây nhà thờ Chí Hòa này.

Ảnh: Internet
Không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của hàng ngàn giáo dân suốt nhiều thế hệ, nhà thờ Chí Hòa còn được coi là điểm tựa tâm linh, nơi chứng kiến bao thăng trầm của cư dân khu vực.
Ngày nay, giữa lòng thành phố hiện đại hóa nhanh chóng, nhà thờ Chí Hòa vẫn kiên nhẫn hiện diện – không ồn ào, không phô trương. Dù không quá nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà hay Tân Định, Chí Hòa vẫn mang một giá trị riêng, vừa là di sản văn hóa đô thị, vừa là chứng tích sinh động cho quá trình hình thành và phát triển của một cộng đồng dân cư ven thành cổ xưa.