Aa

Chính phủ: Các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiếm soát chặt chẽ

Thứ Tư, 19/10/2022 - 13:09

Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về tình hình nợ công năm 2022 và dự kiến năm 2023.

Theo Chính phủ, các chỉ tiêu an toàn nợ công đến cuối năm 2022 tiếp tục được kiếm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa, tạo dư địa dự phòng để có thể chủ động ứng phó với rủi ro vĩ mô.

Theo đó, cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2022 tiếp tục duy trì theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra. Dư nợ trong nước tăng lên, chiếm 70% dư nợ Chính phủ, chủ yếu là trái phiếu chính phủ (TPCP) có kỳ hạn phát hành dài (trung bình khoảng 13,78 năm tính đến 14/9/2022); nợ nước ngoài chủ yếu vẫn là vay ODA, vay ưu đãi dài hạn, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Ngoài ra, nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm mạnh, từ mức 8,8% GDP năm 2015 xuống còn khoảng 3,2% GDP năm 2022.

Chủ nợ đối với danh mục nợ của Chính phủ đa dạng. Đối với nợ trong nước, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường TPCP đã được phát triển theo hướng đa dạng, tăng cường vai trò của các nhà đầu tư dài hạn, giảm dần tỷ trọng nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại. Đến cuối tháng 8/2022, tỷ lệ nắm giữ TPCP của khối công ty bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các quỹ đầu tư, công ty tài chính đạt khoảng 61% tổng dư nợ, đảm bảo mục tiêu các tổ chức phi ngân hàng nắm giữ 60% tổng dư nợ TPCP đến năm 2030 tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đối với nợ nước ngoài, chủ nợ chủ yếu là các đối tác phát triển song phương và đa phương như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á...

Ảnh minh họa.

Về cơ cấu đồng tiền vay, Chính phủ cho biết dư nợ vay bằng tiền VND chiếm phần lớn danh mục nợ Chính phủ, dự kiến đạt trên 70% đến hết năm 2022; nợ bằng ngoại tệ chủ yếu là đồng USD, EUR, JPY, phù hợp với định hướng nguồn vốn trong nước là quyết định, vốn nước ngoài là quan trọng.

Kỳ hạn phát hành bình quân của danh mục nợ tiếp tục duy trì tương đối dài, lãi suất hợp lý, phù hợp với diễn biến thị trường. Việc tái cơ cấu danh mục TPCP thông qua kéo dài kỳ hạn phát hành và duy trì thời gian đáo hạn bình quân (ATM) ở mức hợp lý giúp giảm rủi ro tái cấp vốn (đảo nợ) của ngân sách theo đúng chủ trương của Đảng và Quốc hội. Toàn bộ TPCP phát hành từ đầu năm 2022 đến nay có kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân duy trì ở mức cao, đến ngày 14/9/2022 là 13,78 năm (cao hơn 0,73 năm so với cùng kỳ năm 2021), ATM danh mục TPCP là 9,13 năm, giảm 0,14 năm so với cuối năm 2021 (9,27 năm).

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, lãi suất trong nước tuy có tăng nhưng mặt bằng chung vẫn thấp so với giai đoạn trước. Nguồn vay trong nước chủ yếu là lãi suất cố định bằng VND. Lãi suất phát hành TPCP được điều hành thận trọng, đảm bảo phối hợp hài hòa với điều hành chính sách tiền tệ.

Do biến động lãi suất trên thị trường tài chính - tiền tệ trong và ngoài nước, lãi suất giao dịch TPCP trong nước từ cuối tháng 2/2022 đến nay có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất phát hành TPCP. Tính đến ngày 14/9/2022, lãi suất phát hành TPCP bình quân đạt 2,6%/năm, tăng 0,33%/năm so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn vốn vay ODA với lãi suất thấp tiếp tục được duy trì, tỷ trọng vốn vay ưu đãi tăng nhưng không nhiều, theo đó lãi suất bình quân gia quyền danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ khoảng 1,4%/năm, thời gian đáo hạn bình quân khoảng 9,14 năm.

Cùng với đó, công tác quản lý, sử dụng nợ công tiếp tục được tăng cường, ngày càng hiệu quả hơn. Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phú phê duyệt, là cơ sở quan trọng để tiếp tục cải cách công tác quản lý nợ công bền vững, hiệu quả.

Thực hiện đúng mục tiêu quản lý nợ theo Chiến lược đề ra, triển khai các biện pháp huy động vốn với chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý, điều chỉnh cơ cấu và khối lượng vay phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn cũng như điều kiện thị trường.

Tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường TPCP trong nước thông qua đa dạng hóa các sản phẩm và mở rộng cơ sở nhà đầu tư dài hạn.

Chú trọng xây dựng đồng bộ hệ thống công cụ quản lý nợ công, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay về cho vay lại, không cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; thúc đẩy, hỗ trợ công tác giải ngân, đảm bảo trả nợ đúng hạn…

Hiệu quả kiểm soát nợ công an toàn, bền vững trong khi vẫn điều hành chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế được các tổ chức xếp hạng ghi nhận là một trong những yếu tố chính đóng góp vào quyết định nâng hạng. So với mục tiêu đạt mức xếp hạng đầu tư đề ra tại Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030, Việt Nam còn cách một bậc đối với thang điểm của S&P và hai bậc đối với thang điếm của Moody’s.

Việc nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức có ý nghĩa hết sức tích cực, góp phần nâng cao uy tín quốc gia cũng như tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế, có tác động giảm chi phí vay của Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, thu hút thêm các nguồn vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top