Aa

Chính phủ phát tín hiệu mới về vốn xây dựng nhà ở xã hội

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 29/04/2019 - 03:00

Phó Thủ tướng Chính phủ mới đây ký ban hành Chỉ thị số 11, khuyến khích các tổ chức tín dụng phân bổ vốn tín dụng đối với dự án phát triển Nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở cho thuê.

Chỉ thị này yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ tình hình, tiếp tục điều hành các giải pháp chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Khuyến khích các tổ chức tín dụng phân bổ vốn tín dụng đối với dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở cho thuê.

Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ về định hướng sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy định pháp luật để khai thác, sử dụng các nguồn lực, nhất là từ đất đai để phát triển thị trường bất động sản và chống đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản, hoàn thành trong quý III/2019.

Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu một số định chế tài chính như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ tín thác bất động sản... để huy động các nguồn lực cho thị trường bất động sản, nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng.

Chính phủ phát tín hiệu mới về vốn xây dựng nhà ở xã hội

Chính phủ phát tín hiệu mới về vốn xây dựng nhà ở xã hội

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn; đánh giá, lập, điều chỉnh bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.

Đồng thời rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải có nội dung quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên, các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao... theo quy định của pháp luật, hoàn thành trong quý III/2019.

Đặc biệt, phải bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động; Sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10ha theo quy định và do các chủ đầu tư nộp và hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Trước đó không lâu, Thủ tướng cũng đã ký Quyết định 355/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay dư nợ trong năm 2019 để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 4,8%/năm. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2019 và thay thế Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 3/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo giới phân tích, chỉ thị lần này được coi là tín hiệu tốt về nguồn vốn cho việc phát triển Nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở cho thuê trong năm 2019. Cơ hội để người dân thu nhập thấp có nhà ở nhằm “an cư lạc nghiệp” ngày một rộng hơn.

Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi có 70% dân số trong đội tuổi lao động (từ 15 - 19 tuổi). Đây được xem là cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước nhưng cũng là một áp lực không hề nhỏ đối với nhà ở. Nhu cầu về nhà ở xã hội ngày càng trở nên bức thiết. 

Bên cạnh đó, theo thống kê của Bộ Xây dựng, Việt Nam đang có mức độ đô thị hóa nhanh với ước tính khoảng một triệu dân cư đô thị tăng lên mỗi năm. Điều này dẫn đến sức ép về nhà ở tăng cao, giá nhà đất tại đô thị ngày càng đắt đỏ. Trong khi đó, số lượng người nghèo đô thị cũng tăng lên và phải đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở phù hợp khả năng tài chính của họ.

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phát triển nhà ở xã hội cả về chính sách và thực tiễn, như Luật Nhà ở 2014 quy định chặt chẽ về nhà ở xã hội hay Nghị định 100/2015NĐ-CP của Chính phủ năm 2015 đã nêu chi tiết, cụ thể về chính sách thực hiện nhà ở xã hội, trong đó đã đề cập đến nhiều vấn đề như quy hoạch, đất đai, tài chính, tiêu chuẩn, thuế và đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Song thức tế, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở của các đối tượng hộ nghèo, thu nhập thấp. So với mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 cần có 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội, nhưng hiện tại mới chỉ đạt khoảng 33%. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top