Sáng nay, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo Quốc hội kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Ngay từ đầu năm 2022 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ năm 2022 và đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực nhằm huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả các nguồn lực đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội, phát triển bền vững. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện và đạt được kết quả tích cực: đã thực hiện rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các định mức, tiêu chuẩn chế độ; thực hiện triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tài sản công, đất đai, khoáng sản...
Triển khai Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 theo đó các nội dung của Nghị quyết đã được thể hóa thành công việc trọng tâm của Chính phủ năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 với 06 giải pháp chung và 26 nhiệm vụ cụ thể yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao.
Năm 2022, mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của các cấp các ngành và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực: đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua và vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.
Ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn
Hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, định mức chế độ trong các lĩnh vực ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đồng bộ hơn theo hướng minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 12 luật, 06 nghị quyết; các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 602 văn bản quy phạm pháp luật, các địa phương đã ban hành 7.465 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, định mức, chế độ mới. Hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam được bổ sung, mức độ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế được nâng lên, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đến năm 2022 có khoảng 13,5 nghìn tiêu chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để.
Lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước
Về quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước: Năm 2022 thu ngân sách Nhà nước đạt 1,82 triệu tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồng (+28,6%) so dự toán. Thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí 89,6 nghìn tỷ đồng; gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất 110,67 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, cắt giảm và nguồn còn lại của Ngân sách Trung ương năm 2021, trong đó bổ sung 6.840 tỷ đồng thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra: chi ngân sách Nhà nước năm 2022 ước đạt 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 352,3 nghìn tỷ đồng (+19,4%) so dự toán. Đã sử dụng 15,84 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách Trung ương để bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương (8,43 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ cho các địa phương (7,41 nghìn tỷ đồng) để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đã bổ sung 4.361 tỷ đồng cho 32 địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm chi thường xuyên được khoảng 716,9 tỷ đồng).
Về quản lý nợ công: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược nợ công đến năm 2030 và chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nợ công. Đến năm 2022, ước quy mô nợ công của Việt Nam khoảng 3,6 triệu tỷ đồng, tương đương 38% GDP (giảm so với mức 43,1% GDP năm 2021); cơ cấu nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục được cải thiện theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về tự chủ tài chính. Kết quả tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính của các bộ ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỷ đồng, một số đơn vị có kết quả cao như: TP. Hà Nội là 1.173 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh là 1.220 tỷ đồng...
Về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
- Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: Năm 2022, ngân sách Nhà nước đã ưu tiên bố trí 8.620 tỷ đồng để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
- Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới: Đến năm 2022, cả nước có 6.009 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 4,8% so với năm 2021). Có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 42 đơn vị so với năm 2021.
Mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công
Hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được ban hành tương đối đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công. Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2022 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Lũy kế từ năm 2016 đến ngày 31/12/2022, cả nước đã mua mới 4.192 xe ô tô công, 183 phương tiện vận tải khác và 29.853 máy móc, thiết bị. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả, tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật là 1,7 triệu tỷ đồng.
Đầu tư xây dựng, đầu tư công; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ
Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đến 31/01/2023 đã thanh toán vốn kế hoạch năm 2022 là 529,4 nghìn tỷ đồng, đạt 77,43% kế hoạch và đạt 91,28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; có 11/51 Bộ và 11/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 90% kế hoạch. Năm 2022, có 55.214 dự án đã được phê duyệt quyết toán; qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán là 9,3 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước của một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch được giao, đặc biệt là nguồn vốn Quốc hội bổ sung cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời.
Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên
Cả nước đã thực hiện chuyển dịch gần 20 nghìn ha đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp; kiểm tra xử lý thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích trên 10 nghìn ha. Công tác thẩm định, giải quyết hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản luôn bám sát và tuân thủ quy định của pháp luật; nguồn thu từ khai thác khoáng sản năm 2022 là 4.115 tỷ đồng. Đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng trồng; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42,02% đạt mục tiêu đề ra.
Tăng cường giám sát môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; 91% khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung; 90,5% khu công nghiệp có hệ thống quan trắc nước thải tự động. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng lãng phí đất đai, tài nguyên nước; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường còn xảy ra ở nhiều nơi...
Tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước
Năm 2022 các bộ, ngành trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương, 08 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ. Các địa phương giảm 07 sở và 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Lũy kế đến nay, 63 tỉnh/thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương. Cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Tinh giản biên chế giảm 79.057 người (tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 - 2021). Đã rà soát, ban hành 2.315 quyết định công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý; đồng thời, công khai, cập nhật danh mục và nội dung thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cả nước có 6.514 thủ tục hành chính.
Lũy kế từ 2021 đến hết tháng 11/2022, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan có lúc, có nơi còn rời rạc, thiếu gắn kết, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao; xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, y tế, giáo dục.
Quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp
Hệ thống cơ chế, chính sách phục vụ quá trình sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành đầy đủ và tiếp tục hoàn thiện. Đã có 18/19 tập đoàn, tổng công ty đã xây dựng Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 và đang tiếp tục hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành. Năm 2022, các doanh nghiệp đã thoái vốn với giá trị sổ sách khoảng 883,7 tỷ đồng, thu về 4.290,6 tỷ đồng. Đã đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình (giai đoạn 2), Sông Hậu 1; tích cực xử lý, cơ cấu lại dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả; đã và đang tiếp tục hoàn thiện để báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý, tái cơ cấu 07/12 dự án, doanh nghiệp yếu kém còn lại. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Công tác xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả vẫn còn hạn chế.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân
Các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng. Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định; gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc. Do đại dịch Covid-19 tác động, các hoạt động lễ hội hạn chế tổ chức, đặc biệt là các lễ hội có số lượng lớn người dân và du khách tham gia tập trung đông người để phòng, chống dịch, nhờ đó đã cắt giảm được đáng kể nguồn kinh phí. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại…còn diễn biến phức tạp.
Công tác thanh tra, kiểm tra góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Trong năm 2022, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 8.514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 85.998 tỷ đồng, 8.777 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 26.654 tỷ đồng và thu hồi 574 ha đất. Tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.371 kết luận thanh tra và các quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 3.440 tỷ đồng, 32 ha đất; xử lý hành chính đối với 4.052 tổ chức, 9.297 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 132 vụ, 181 đối tượng…
Bộ trưởng Tài chính cho biết, năm 2022, mặc dù trong bối cảnh còn khó khăn, thách thức lớn, dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự giám sát, đồng hành và phối hợp của Quốc hội; sự chỉ đạo quyết liệt, điều hành các chính sách vĩ mô kịp thời, đồng bộ, bám sát tình hình thực tiễn, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tin tưởng ủng hộ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân nước ta đã đạt được những kết quả rất tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong bối cảnh đó, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, đã được phân tích, đánh giá nêu trên.
Nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023
Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 về Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 với 8 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp để thực hiện, gồm:
1. Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách, trong đó cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên để đảm bảo việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.
2. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình tiên tiến; thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.
3. Tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý ngân sách nhà nước; quản lý vốn đầu tư công; quản lý nợ công; quản lý tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp...
4. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý và sử dụng đất đai; đầu tư công; quản lý kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ; việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí./.