Có thể thấy, chưa bao giờ, số tiền hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế lớn như những năm vừa qua. Xung quanh nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ với báo chí về chính sách tài khóa mà ngành tài chính đã triển khai.
PV: Thưa Bộ trưởng, thời gian qua Bộ Tài chính đã có những chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Như chúng ta đã thấy, không phải đến thời điểm hiện nay, Quốc hội, Chính phủ mới có những quyết sách giảm, giãn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp, mà trong thời gian qua đã có rất nhiều đợt được triển khai.
Trong năm 2023, để kịp thời ứng phó với diễn biến khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng kinh tế; đồng thời xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế để đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023. Các hành động của Bộ Tài chính đều hướng về doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.
Bộ Tài chính đã đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023, với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 198,4 nghìn tỷ đồng. Trong số đó, số tiền miễn, giảm là 77,2 nghìn tỷ đồng và số tiền gia hạn là 121,2 nghìn tỷ đồng.
Bộ cũng đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Dự kiến chính sách này sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 38 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, với số tiền xem xét gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất về việc giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, với mục tiêu kích cầu tiêu dùng, gia tăng sản xuất, phát triển kinh tế, sau khi xin ý kiến cấp có thẩm quyền, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ (như áp dụng tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội) đang áp mức thuế suất giá trị gia tăng 10% xuống còn 8%, áp dụng kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023. Chính sách này sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 24 nghìn tỷ đồng.
Trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đang xây dựng và xin ý kiến cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm 35 khoản phí, lệ phí như phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, y tế, cấp căn cước công dân, thẩm định dự án đầu tư xây dựng… Dự kiến thời gian áp dụng từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023 với số tiền giảm phí, lệ phí sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 700 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn khoảng 11,2 nghìn tỷ đồng.
Qua thống kê của Bộ Tài chính, trong 3 năm qua, gói hỗ trợ về tài khóa lên tới hơn 500 nghìn tỷ đồng, giúp doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng. Chưa bao giờ, số tiền hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế lớn như những năm gần đây. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc duy trì một chính sách tài khóa mở rộng và linh hoạt, coi doanh nghiệp làm trung tâm sẽ đảm bảo sự thành công vì nó mang lại hiệu quả cho nền kinh tế đất nước.
PV: Vậy, việc thực hiện nhiều gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, lệ phí sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến số thu ngân sách? Bộ Tài chính sẽ có giải pháp gì để đảm bảo mục tiêu về tài chính - ngân sách nhà nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Không phải vì lo ngại ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước mà không thực hiện các chính sách thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Với truyền thống trọng dân, vì dân, các chính sách pháp luật của Việt Nam thời gian qua đã thể hiện rất rõ điều này. Các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng, bởi vì đổi lại, nhờ ưu đãi về thuế, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra bất ngờ, cũng như hiện nay khi nền kinh tế còn đang khó khăn bởi ảnh hưởng “hậu Covid-19”, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, dưới sự chỉ đạo rốt ráo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc với hàng loạt giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, hỗ trợ doanh nghiệp, vực dậy nền kinh tế.
Trên cơ sở kết quả thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm cho thấy, Bộ Tài chính cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thu ngân sách nhà nước trong những tháng gần đây có hiện tượng suy giảm. Thu nội địa giảm so với cùng kỳ năm trước với mức giảm diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại nhiều địa phương. Điều đáng lo ngại hơn là trong thời gian tới, các giải pháp về chính sách giảm thuế được ban hành với quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách.
Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như trong ngắn hạn, tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế phát sinh từ nền kinh tế số, nguồn thu từ tài sản, kinh doanh bất động sản… Trong quản lý thu, tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; đẩy mạnh hiện đại hóa quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; tiếp tục triển khai điện tử hóa, số hóa các khâu trong quản lý thuế...
Về dài hạn, ngành tài chính tiếp tục nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế trên cơ sở rà soát tổng thể hệ thống chính sách thuế để sửa đổi, bổ sung các khoản thuế còn chưa phù hợp với thực tiễn; tăng thuế suất đối với các hàng hóa, dịch vụ mà nhà nước không khuyến khích sản xuất, tiêu dùng; rà soát, loại bỏ những ưu đãi thuế không còn phù hợp…
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, tôi tin tưởng rằng, ngành tài chính sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đề ra trong năm 2023; đặc biệt phấn đấu thu đạt và vượt dự toán được giao, đảm bảo các nhiệm vụ chi trong dự toán và các nhiệm vụ chi cấp bách, phát sinh, chi cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội.
PV: Từ nay đến cuối năm dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức trong điều hành chính sách tài khóa để đảm bảo nguồn thu bền vững, đáp ứng các nhiệm vụ chi của nhà nước cũng như khơi thông các nguồn lực của nền kinh tế, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào những giải pháp nào để đảm bảo mục tiêu này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Không phải đến bây mà ngay từ khi xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 tại thời điểm quý III/2022, chúng tôi đã nhận diện được những khó khăn, thách thức. Đó là nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, thậm chí, đối diện nguy cơ suy thoái ở một số nền kinh tế lớn, trong khi lạm phát, giá dầu thô, các nguyên liệu đầu vào… vẫn còn ở mức cao, xung đột chính trị giữa Nga - Ukraine kéo dài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn sẽ chịu tác động trực tiếp từ bên ngoài.
Thực tế số thu ngân sách trong 4 tháng đầu năm 2023 đã cho thấy điều này. Mặc dù số thu nội địa 4 tháng đầu năm đạt khá so dự toán, nhưng qua phân tích cho thấy, số thu hàng tháng có xu hướng giảm (thu tháng 1 đạt 16,1%; tháng 2 đạt 7,1%; tháng 3 đạt 8,6%; ước thực hiện tháng 4 đạt 8,5% dự toán). Không kể thuế thu nhập doanh nghiệp, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, thu chênh lệch thu, chi của ngân sách nhà nước, thì số thu nội địa 4 tháng bằng khoảng 88,7% so với cùng kỳ năm 2022. Có 4 khoản thu tiến độ thu đạt thấp so dự toán và có tới 47 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Do đó, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023 là một thách thức rất lớn. Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp đã đề ra theo các nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng các kịch bản điều hành, chủ động ứng phó với các diễn biến phát sinh.
Theo đó, cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung triển khai kế hoạch vốn đầu tư công và các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò vốn “mồi”, để đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, kích thích kinh tế. Hiện lạm phát đang được kiểm soát ở mức thấp. Do đó, cần ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy cả 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Bên cạnh việc miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, chúng ta cần tiếp tục cơ cấu lại nhóm nợ, khoanh nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường để thúc đẩy xuất khẩu…; đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn các thị trường, tập trung thu hút đầu tư nước ngoài. Về lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, chúng ta cần tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm kinh phí được giao; tăng cường thanh tra, kiểm tra, công khai, minh bạch, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước.
Tôi cho rằng, hiện nay vấn đề cốt lõi là phải tăng tổng cầu của nền kinh tế, vì vậy chính sách tài khoá chỉ là một trong những giải pháp giải quyết khó khăn.
Vấn đề cơ bản là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như thực hiện tốt chính sách tiền tệ, chính sách đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!