Sáng 5/4, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giao ban công tác quý I/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lưu ý, trong bối cảnh nhiều khó khăn, cơ quan thuế, hải quan cần bám sát tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp để kịp thời trình Bộ Tài chính trình Chính phủ các giải pháp điều hành chính sách tài khóa phù hợp.
Thu ngân sách có nguy cơ sụt giảm
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cập nhật số liệu thu trên hệ thống TABMIS, đến hết ngày 31/3/2023, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 3 đạt 132,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu quý I đạt 493,9 nghìn tỷ đồng, bằng 30,48% dự toán, tăng 2,21% so cùng kỳ năm 2022 (ngân sách trung ương ước đạt 33,01% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 27,6% dự toán).
Báo cáo tại cuộc họp, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, thu NSNN tháng 3 do ngành Thuế quản lý đạt 110.114 tỷ đồng, đạt 31,1% dự toán. Đáng lưu ý, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, thu ngân sách có xu hướng sụt giảm trong tháng này, số thu tháng 3 giảm so với tháng 2 và tháng 2 giảm so với tháng 1. Dự báo trong thời gian tới, thu NSNN sẽ còn khó khăn hơn, do đó ngành Thuế sẽ chủ động rà soát lại toàn bộ nguồn thu trên địa bàn từng địa phương để giao nhiệm vụ thu phấn đấu năm 2023 cho các đơn vị quản lý thu, đảm bảo sát với thực tế phát sinh.
Đồng thời, toàn ngành Thuế sẽ triển khai kịp thời, hiệu quả các gói chính sách, giải pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề tăng thu cho ngân sách khi Chính phủ ban hành. Cùng với đó, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chống chuyển giá, chống thất thu NSNN...
Từ điểm cầu Tổng cục Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu của ngành Hải quan trong quý I/2023 giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 3/2023 đạt 33.476 tỷ đồng. Tính chung cả quý I, toàn ngành Hải quan thu ngân sách được 91.267 tỷ đồng, đạt 21,5% dự toán, giảm 17% (tương đương 17.780 tỷ đồng).
Nhận định tình hình thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu tương đối khó khăn, do đó ngành Hải quan đã chủ động chỉ đạo các cục hải quan địa phương, đặc biệt là 8 cục hải quan lớn. Cơ quan hải quan đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, đặc biệt là tại các địa bàn có kim ngạch xuất nhập khẩu có số thu lớn, từ đó, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần tăng thu NSNN.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cũng cho biết, thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt gỡ khó trong thực hiện kiểm tra chuyên ngành liên quan đến nhiều bộ, ngành. Thời gian tới, cơ quan hải quan sẽ có kiến nghị cụ thể với từng bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật trong thực thi công vụ…
Phải kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp
Phát biểu tại cuộc giao ban, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc biểu dương toàn ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao trong những tháng đầu năm.
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các đơn vị nhất là cơ quan thuế, hải quan cần bám sát tình hình sức khỏe của doanh nghiệp để có phương án tham mưu kịp thời cho Bộ Tài chính để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành chính sách tài khóa.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị toàn ngành tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là công tác tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành.
Đối với cơ quan thuế, Bộ trưởng đề nghị tập trung vào nghiên cứu, đề xuất triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam; tăng cường quản lý hóa đơn điện tử; thu trên sàn thương mại điện tử; hoàn thuế giá trị gia tăng…
“Chính sách tài khóa dựa trên sức khỏe doanh nghiệp, do đó, thời gian tới tiếp tục theo sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, từ đó có nguồn thu về cho ngân sách nhà nước” - người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định./.
Điều hành chính sách tài khóa duy trì sự ổn định của nền kinh tế
Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt trong một số lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế số, giao dịch điện tử xuyên biên giới; chống chuyển giá, trốn thuế, quyết liệt thu hồi nợ thuế; nghiên cứu, đánh giá tác động của Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu đến thu hút đầu tư vào Việt Nam để có các giải pháp phù hợp.
Đồng thời, phát triển an toàn, bền vững thị trường chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường giám sát, kiểm tra; phát triển thị trường vốn theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn và thị trường trái phiếu; theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, trong nước để chủ động tham mưu, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền trong việc điều hành chính sách tài khóa, duy trì sự ổn định của nền kinh tế.