Sau những kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2021, kinh tế hiện đối mặt với những khó khăn và thách thức trong mục tiêu ”tăng trưởng kép”. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ dư địa không còn nhiều, hai ẩn số quan trọng là lạm phát và nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến diễn biến lãi suất cuối năm.
Trong báo cáo đánh giá hoạt động ngân hàng nửa đầu năm và định hướng cuối năm công bố gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng sẽ nền kinh tế hiện đang đứng trước những thách thức mới trong mục tiêu “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế".
Trên thế giới, trước rủi ro về lạm phát và rủi ro bất ổn tài chính có xu hướng tăng cao, các Ngân hàng Trung ương có xu hướng thu hồi các biện pháp nới lỏng sớm hơn dự kiến.
Còn ở Việt Nam, thách thức của điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng là vừa hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tăng trưởng kinh tế trong nước được đánh giá là phục hồi đi cùng nhịp với kinh tế thế giới, nhưng mục tiêu 6,5% sẽ là rất khó khăn. Để đạt mục tiêu này thì ước tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm phải đạt 7,1%, trong khi cùng kỳ trước dịch là khoảng 7,3% vào năm 2019 và 7,12% vào năm 2018.
“Trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phải thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp hỗ trợ tài khóa như đầu tư công, miễn giảm thuế, hỗ trợ thu nhập cho người dân để kích thích tiêu dùng - đặc biệt đối với đối tượng bị tác động mạnh bởi Covid-19 như người lao động tự do, lao động tại các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng mạnh”, báo cáo NHNN có đoạn.
Bên cạnh đó, hai rủi ro vào cuối năm được nêu lên là câu chuyện của lạm phát và nợ xấu tiềm tàng vì dịch bệnh Covid-19.
Hiện nay, mức lạm phát mục tiêu là khoảng 4% được Quốc hội và Chính phủ đề ra cho năm 2021. Mặc dù lạm phát được nhiều tổ chức, đơn vị nghiên cứu dự báo là vẫn ổn định trong năm nay (dự báo quanh mức 3 - 3,88%), nhưng NHNN cho rằng rủi ro gia tăng lạm phát trên thế giới ngày càng tăng nên không thể chủ quan với áp lực lạm phát, chuẩn bị phương án điều hành (có tính đến độ trễ chính sách) nếu lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến.
Về nợ xấu, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2021.
NHNN đánh giá trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn tiến như hiện nay, có khả năng tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống sẽ cao hơn so với mức đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 8 của NHNN ngày 24/2/2021.
Cơ quan quản lý đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá thực trạng hoạt động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2022. Trên cơ sở này, NHNN sẽ rà soát, xây dựng các kịch bản xử lý nợ xấu đến cuối năm 2021 và cuối năm 2022.
Liên quan đến chính sách tiền tệ, trong tuần trước, NHNN cũng đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Các tiêu chí để điều chỉnh được đánh giá dựa trên tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD. NHNN cũng ưu tiên đối với TCTD thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán SSI, nhìn chung tăng trưởng tín dụng trong đợt này được nới thêm từ 2 - 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.
Theo đó, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới ước khoảng 11%, cao hơn mức 9% theo hạn mức lần đầu. “Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ nới hạn mức tín dụng thêm một lần nữa vào giai đoạn cuối quý 3 hoặc đầu quý 4 năm nay”, khối nghiên cứu của SSI đánh giá.
Mặt bằng lãi suất ổn định
Trong 6 tháng đầu năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành còn lãi suất của TCTD giảm so với cuối năm 2020.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 4, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay bình quân tiền đồng của các TCTD giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020.
Thống kê cho thấy lãi suất huy động tiền đồng ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, từ 3,1 - 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, từ 4,0 - 5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, từ 5,6 - 6,7%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các TCTD phổ biến ở mức 8 - 10%/năm. Lãi suất cho vay đô la Mỹ bình quân ở mức 3 - 6%/năm.
Về tín dụng ưu tiên, tính đến cuối tháng 5/2021, tín dụng xuất khẩu tăng 8,1% so với hồi đầu năm (cùng kỳ 2020 tăng 3,71%); tín dụng đối với công nghiệp hỗ trợ tăng 7,25% (cùng kỳ 1,48%), tín dụng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 17,47% (cùng kỳ tăng 0,83%); tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 4,99% (cùng kỳ 1,87%); tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 3,16% (cùng kỳ giảm 0,19%).