Aa

Chính sách và công nghệ - Đòn bẩy cho phát triển vật liệu xanh

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 03/10/2024 - 14:18

Vật liệu xanh - chìa khóa cho sự phát triển bền vững của ngành xây dựng, đang ngày càng được chú trọng. Để "cánh cửa xanh" này thực sự rộng mở, cần có sự song hành của chính sách và công nghệ.

Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2024 với chủ đề "Phát triển công trình xanh: Chuyển biến từ chính sách đến hành động" do Bộ Xây dựng chủ trì đã chính thức khai mạc sáng ngày 3/10/2024. Chương trình bao gồm nhiều hoạt động nổi bật như phiên toàn thể, 4 hội thảo chuyên đề, triển lãm các sản phẩm và công trình xanh tiêu biểu.

Trong khuôn khổ tuần lễ, chuyên đề "Thúc đẩy phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh" thu hút sự quan tâm lớn, khẳng định vai trò quan trọng của vật liệu xanh trong xu thế phát triển bền vững hiện nay.

Vật liệu xanh vẫn còn nhiều thách thức

Vật liệu xanh, dù được kỳ vọng là giải pháp đột phá cho sự bền vững của ngành xây dựng, nhưng con đường phát triển tại Việt Nam vẫn còn lắm chông gai. Từ nhận thức đến ứng dụng, từ chính sách đến công nghệ, nhiều thách thức vẫn hiện hữu.

Phát biểu tại hội thảo, KS. Lê Cao Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Thiết bị, Môi trường và An toàn lao động, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nhấn mạnh xu hướng sử dụng vật liệu xanh trong ngành xây dựng hiện nay. Ông cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, vật liệu xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu.

Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để phát triển ngành vật liệu xanh, bao gồm nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và tiềm năng tái chế lớn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đối mặt với những thách thức như chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu khung pháp lý rõ ràng, nguồn cung vật liệu xanh nội địa còn hạn chế.

Chính sách và công nghệ - Đòn bẩy cho phát triển vật liệu xanh- Ảnh 1.

Vật liệu xanh, dù được kỳ vọng là giải pháp đột phá cho sự bền vững của ngành xây dựng, nhưng con đường phát triển còn nhiều thách thức. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, TS. Đào Danh Tùng, Chuyên viên Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, ngành vật liệu xanh tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển rộng mở. Trong đó, về hành lang pháp lý, Việt Nam đã ban hành một hệ thống các văn bản quy định nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, tạo tiền đề cho việc phát triển vật liệu xanh.

Đơn cử như Luật Bảo vệ môi trường với các quy định về sản phẩm thân thiện với môi trường, mua sắm xanh và trái phiếu xanh; Quyết định số 889/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định 1658/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 1052/QĐ-BXD năm 2022 về triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Nghị định số 09/2021/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng; Quyết định số 1266/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050…

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng: "Việt Nam chưa có bộ tiêu chí chính thức cho Nhãn xanh/Nhãn sinh thái/Vật liệu xanh, cũng như hệ thống tiêu chuẩn, định mức rõ ràng về sản xuất và sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng. Điều này gây khó khăn cho việc đánh giá và kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo ra sự mơ hồ cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc thiếu các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật liệu xanh khiến doanh nghiệp còn e ngại đầu tư vào lĩnh vực này. Theo đó, đã đến lúc cần có nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển mạnh hơn nữa ngành vật liệu xây dựng xanh".

Chính sách và công nghệ - Đòn bẩy cho phát triển vật liệu xanh- Ảnh 2.

Các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia thảo luận.

Giải pháp thúc đẩy phát triển vật liệu xanh

Hội thảo chuyên đề đã thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia và doanh nghiệp, cùng nhau chia sẻ những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy ngành vật liệu xanh phát triển. Tại phần thảo luận, các ý kiến đóng góp đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện khung pháp lý và ứng dụng công nghệ tiên tiến, hai yếu tố then chốt để tạo nên bước đột phá cho vật liệu xanh trong tương lai.

Để ngành vật liệu xanh tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, ông Lê Văn Kế, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng cần có sự chung tay góp sức từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và doanh nghiệp.

Chính sách và công nghệ - Đòn bẩy cho phát triển vật liệu xanh- Ảnh 3.

Ông Lê Văn Kế, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng).

Theo đó, ông Lê Văn Kế nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm. Thứ nhất là thúc đẩy chính sách hỗ trợ. Theo đó, cần thiết phải có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ, chẳng hạn như ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xanh, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển.

Thứ hai là tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn vật liệu xanh, đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng vật liệu xanh trong các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình đầu tư công, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực.

Thứ ba là xây dựng chương trình kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường hiệu quả và người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về lợi ích của vật liệu xanh.

Thứ tư là tiếp tục đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để tạo ra các loại vật liệu xanh tiên tiến, thân thiện với môi trường….

Đại diện doanh nghiệp, ông Mai Xuân Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Gạch ốp lát Viglacera, đã chia sẻ về những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc ứng dụng vật liệu xanh và hướng tới phát triển bền vững. Với phương châm "sản xuất xanh", doanh nghiệp này đã có những bước tiến đáng kể trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường. Ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất, công ty luôn chú trọng nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp thân thiện với môi trường.

Một số giải pháp tiêu biểu được doanh nghiệp áp dụng trong sản xuất xanh bao gồm: Sử dụng 10 - 20% vật liệu tái chế và vụn phế phẩm thu hồi từ thị trường trong quá trình sản xuất, góp phần giảm thiểu rác thải và tiết kiệm tài nguyên; chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu khí CNG thay cho dầu FO trong quá trình nấu chảy thủy tinh, giúp giảm đến 20% lượng phát thải khí nhà kính. Những nỗ lực này của Viglacera không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn khẳng định cam kết của doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, ông Mai Xuân Đức nhấn mạnh: "Ngoài việc có ưu đãi về các chính sách thuế, tài chính thì cần giải pháp khác trọng tâm hơn, bởi ưu đãi chỉ là bước đầu hỗ trợ cho doanh nghiệp và về lâu dài Nhà nước không thể ưu đãi mãi được. Tôi cho rằng cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp trên thị trường. Do đó, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về công trình xanh và vật liệu xanh là ưu tiên hàng đầu. Các tiêu chuẩn rõ ràng sẽ là "kim chỉ nam" cho doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho họ tự do sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh"./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top