Khu nhà tập thể Nguyễn Công Trứ được xây dựng vào năm 1960, là một trong những khu tập thể lâu đời nhất tại Hà Nội. Dự án cải tạo khu tập thể này từng được kỳ vọng là điểm sáng trong chiến lược tái thiết nhà ở cũ xuống cấp tại trung tâm Thủ đô. Tuy nhiên, dự án vừa nhạn quyết định dừng triển khai. Quyết định này vừa được Thành ủy và UBND TP. Hà Nội thống nhất sau quá trình rà soát, đánh giá lại toàn bộ những vướng mắc về pháp lý, tài chính và quy định quản lý.
Dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ do Liên danh Công ty cổ phần đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội và Công ty TNHH Thanh Xuân Bắc làm chủ đầu tư.

Khu tập thể Nguyễn Công Trứ xuống cấp nhiều năm. Ảnh: Internet
Khu tập thể gồm 14 khối nhà, đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong nhiều năm, chính quyền thành phố Hà Nội đã chọn khu vực này làm một trong những mô hình thí điểm cải tạo nhà chung cư cũ, với kỳ vọng tạo ra diện mạo đô thị mới cho khu vực Phố Huế, Hai Bà Trưng.
Khu tập thể Nguyễn Công Trứ là dự án được thí điểm cải tạo đầu tiên của Hà Nội nhưng tới nay, chỉ một phần dự án đã được triển khai, cụ thể là hai khối nhà A1 và A2 được phá dỡ để xây mới thành tòa N3 với quy mô 19 tầng nổi và 3 tầng hầm. Tòa nhà này đã bàn giao cho 242 hộ dân tái định cư và đưa vào sử dụng từ năm 2015. Tuy nhiên, kể từ đó, tiến độ cải tạo những khối nhà còn lại gần như bị “đóng băng”.
Nguyên nhân khiến dự án không thể tiếp tục triển khai là do không đáp ứng được các yêu cầu trong Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Đồng thời, các cơ chế thí điểm áp dụng cho dự án, được chấp thuận từ năm 2010, đến nay không còn phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Một số nội dung chưa được Thường vụ Thành ủy đồng ý hoặc chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt khiến toàn bộ phần còn lại của dự án rơi vào thế bế tắc kéo dài.

Bên trong khu tập thể. Ảnh: Internet
Việc dừng dự án là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết trong bối cảnh nhiều bất cập không thể khắc phục nếu không thay đổi toàn bộ phương thức tiếp cận. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm hộ dân vẫn phải tiếp tục sống trong điều kiện xuống cấp, tiềm ẩn rủi ro mất an toàn.
Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ phải tính toán lại phương án tái khởi động dự án, có thể là thông qua một cơ chế mới hoặc chủ trương cải tạo theo quy hoạch chi tiết và luật định hiện hành.