Aa

Chịu tác động bởi dịch Covid-19, ngân hàng tự “siết” lợi nhuận

Thứ Bảy, 20/06/2020 - 06:28

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động xấu đến nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của ngân hàng, ngành ngân hàng phải thực thi nhiều chính sách hỗ trợ các ngành nghề kinh doanh khác. Khó càng thêm khó khiến nhiều TCTD chủ động cắt giảm lợi nhuận, chia sẻ tối đa với khách hàng.

Thông tin từ đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) của một số ngân hàng thương mại (NHTM) cho thấy trong kế hoạch kinh doanh năm 2020 hầu hết ngân hàng đều giảm sâu chỉ tiêu về lợi nhuận và dự kiến tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng trong năm 2020.

Chẳng hạn tại ĐHCĐ năm 2020, VPBank đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12,3% (năm 2019 là 17,6%), tỷ lệ nợ xấu ở mức 3% (năm 2019 là 2,18%; riêng lợi nhuận trước thuế (LNTT) ngân hàng này dự kiến giảm 1,1% so với năm 2019 dù năm 2019 con số này tăng 12,2% so 2018.

Sacombank cũng đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 11,1% (năm 2019 là 15,3%), tỷ lệ nợ xấu 3% (năm 2019 là 1,9%); LNTT được dự kiến giảm đến 20% so với năm 2019, giảm mạnh so với tốc độ tăng 43,2% của năm 2019. ĐHCĐ của MB cũng thống nhất nhiều chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020 thấp so với 2019: tăng trưởng tín dụng là 12%; LNTT dự kiến giảm 10% so với năm 2019 (năm 2019 lợi nhuận tăng 29,2% so với năm 2018).

Ảnh minh họa

Ngay cả ông lớn VietinBank cũng chỉ đặt mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 từ 4 - 8,5% (năm 2019 là 7,3%), tỷ lệ nợ xấu dưới 2% (năm 2019 là 1,2%); thậm chí kế hoạch lợi nhuận đã không được ĐHCĐ đưa ra và uỷ quyền cho HĐQT quyết định dựa trên các phân tích về tình hình dịch bệnh và khả năng phục hồi của nền kinh tế. Trước đó, trong một cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT cho biết lợi nhuận của VietinBank năm nay có thể giảm từ 3 - 4 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đưa ra cuối năm 2019.

Phát biểu tại cuộc họp giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hồi tháng 4/2020, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng đưa ra nhận định: “Lợi nhuận của tất cả ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất…”. Theo Phó Thống đốc, lợi nhuận của các TCTD giảm không chỉ vì môi trường kinh doanh khó khăn mà nguyên nhân chính còn do các TCTD phải dành nguồn lực hỗ trợ khách hàng, giảm lãi suất cho vay từ 1% - 2,5% thậm chí đến 4%.

Về phía các TCTD, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, với trách nhiệm đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp và nền kinh tế, VietinBank đã nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ khách hàng như giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với một số lĩnh vực thiết yếu. Theo chỉ đạo của NHNN từ tháng 2/2020 đến nay, Vietcombank đã tung ra ba gói hỗ trợ tín dụng với quy mô lên đến gần 400 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi, có những gói lãi suất cho vay chỉ từ 4,5 - 5%/năm. Các TCTD khác cũng có những động thái tương tự.

Theo NHNN, đến hết quý I/2020, ngành ngân hàng thực hiện hỗ trợ miễn, giảm lãi cho hơn 91 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Con số này tăng nhanh khi đến ngày 8/6, toàn ngành ngân hàng đã thực hiện miễn, giảm lãi cho hơn 1,23 triệu tỷ đồng, cho vay mới hơn 978,53 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn từ 0,5% - 2,5% so với trước dịch. Ngành cũng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hơn 172,36 nghìn tỷ đồng. Các con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tiếp theo.

Báo cáo “Tác động của Covid-19: Đánh giá từ góc nhìn phân tích dữ liệu tài chính doanh nghiệp” dựa trên số liệu được tổng hợp từ 12/18 ngân hàng niêm yết (chiếm 91,8% vốn hóa toàn ngành) mà FiinGroup vừa công bố mới đây cũng cho thấy, dự kiến lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ giảm 11,9%... Tổ chức này đánh giá, việc miễn, giảm lãi, phí cho các khách hàng sẽ tác động mạnh đến NIM của hệ thống NHTM. Các ngân hàng đang phải mạnh tay hơn trong việc tiết giảm chi phí, cắt giảm lợi nhuận, cắt giảm lương thưởng cán bộ nhân viên để chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, những tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng chậm, đến cuối quý I/2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ đạt 1,3%, con số này tăng nhẹ lên 1,42% vào trong tháng 4/2020 và tháng 5/2020 chỉ đạt 1,96% - thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5,74% của 5 tháng đầu năm 2019. Việc tín dụng tăng trưởng chậm trong khi nguồn thu từ tín dụng vẫn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 70%) trong tổng thu nhập là nguyên nhân khiến các ngân hàng điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận giảm mạnh trong năm nay. Không những thế, còn mối lo lớn nữa là do ảnh hưởng dịch bệnh nợ xấu sẽ tăng nên các TCTD cũng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, càng thêm lý do để giảm mạnh chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2020.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top