Những mô hình tích tụ đất đai thành công
Chính sách đất đai trong nông nghiệp hiện nay đang là rào cản lớn đối với chính sách nông nghiệp hàng hoá.
Dù quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, nhưng diện tích đất nông nghiệp vẫn còn rất lớn, nhất là đất lúa, nhưng thu nhập từ canh tác trên đất nông nghiệp ngày càng thấp khiến nhiều nông dân không thiết tha với ruộng đất.
Trong khi đó, theo nhiều nghiên cứu khác nhau, những hộ có diện tích đất nông nghiệp trồng lúa tối thiểu từ 2,5 - 3ha thì thu nhập mới đủ sống, diện tích đất nông nghiệp có canh tác lúa dưới 2,5ha thì cuộc sống hầu như bấp bênh và chắc chắn người dân không thể dựa vào cây lúa để có cuộc sống ổn định.
Do đó, giới phân tích cho rằng, giải tỏa những rào cản, bất cập trong chính sách đất đai hiện nay mới có thể tạo đà cho ngành nông nghiệp phát triển ổn định. Một trong những chính sách đó là liên quan đến việc tích tụ ruộng đất.
Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện đề án “Tập trung, tích tụ đất đai phục vụ và thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung”, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, thực tiễn tại Việt Nam đang có sáu phương thức, mô hình tích tụ ruộng đất.
Một là mô hình một dồn điền đổi thửa, dựa trên việc các hộ dân được giao đất nông nghiệp tự nguyện hoán đổi các thửa đất cho nhau để giảm số thửa và tăng diện tích các thửa đất.
Hai là doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp của người sử dụng đất thông qua hợp đồng thuê đất. Phương thức này đã được làm thành công tại một số nơi như Tập đoàn Vingroup (VinEco) thực hiện thuê 213ha đất của dân tại huyện Hương Trà (Huế) để sản xuất rau công nghệ cao, thuê 250ha đất của dân tại Vĩnh Phú để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…
Ba là nhà đầu tư liên kết với các hộ gia đình có đất để trực tiếp sản xuất nông nghiệp, trong đó nhà đầu tư sẽ cung ứng vật tư, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, các hộ sẽ trực tiếp sản xuất trên phần đất của mình. Mô hình này làm khá thành công tại năm huyện thuộc tỉnh Nam Định với quy mô 1.200ha.
Thứ tư là những người nông dân có đất liên kết với nhau để tập trung đất đai cùng tổ chức sản xuất hoặc liên kết hợp tác với các hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc các doanh nghiệp. Mô hình này được thực hiện khá thành công tại các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau…
Năm là hình thức người nông dân chuyển nhượng đất nông nghiệp cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất. Phương thức này diễn ra khá phổ biến tại các tỉnh phía Nam.
Sáu là nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tức người dân góp vốn vào doanh nghiệp bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh…
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, qua thực tiễn cho thấy trong sáu mô hình tích tụ ruộng đất trên có mô hình hai, ba và bốn đã thực hiện khá thành công và ít gây tiêu cực xã hội.
Theo giới phân tích, trong điều kiện nước ta hội nhập ngày càng sâu, các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, các hàng rào phi thuế quan dựng lên ngày càng nhiều, yêu cầu sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn để dễ dàng áp dụng công nghệ, áp dụng truy xuất nguồn gốc… trở nên gay gắt. Làm sao để tích tụ, chuyển đổi đất đai và biến đất đai thành nguồn lực phát triển vẫn đang là câu hỏi lớn.
Ngóng chính sách tháo gỡ
Bàn về vấn đề tích tụ ruộng đất trong thời gian qua, bà Đặng Thị Bích Thảo, đại diện Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết, qua tổng hợp các dữ liệu nghiên cứu cho thấy, có tồn tại tình trạng tích tụ ruộng đất giữa các nông hộ trên cả nước, chủ yếu với đất trồng cây lâu năm. Đất trồng lúa được tích tụ khá mạnh ở khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Nhìn chung, quá trình tích tụ diễn ra còn chậm. Thị trường mua, bán, thuê và cho thuê ruộng đất ở Việt Nam còn kém phát triển do thiếu cầu, mặc dù lượng cung khá cao. Điều này có thể do lợi tức ngành nông nghiệp còn thấp, rủi ro cao dẫn đến thiếu hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Các nông hộ, đặc biệt là ở khu vực phía Nam đang có xu hướng tích tụ và tập trung ruộng đất để sử dụng “lợi thế kinh tế theo quy mô”.
Tuy nhiên, tốc độ tích tụ và tập trung còn chậm do nhiều yếu tố như: Lợi tức từ canh tác nông nghiệp, việc chuyển đổi nghề nghiệp nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, yếu tố văn hóa và lịch sử, chính sách về quyền đất đai, bao gồm thời hạn sử dụng đất (để người dân an tâm canh tác và mua, bán, cho thuê ruộng đất).
Đồng thời, do sự can thiệp như: Chính sách dồn điền đổi thửa, thu hồi đất làm khu công nghiệp công nghệ cao, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cánh đồng lớn và thuê đất của dân cho doanh nghiệp thuê lại… làm cho tích tụ đất đai bị chậm.
Ở góc độ nghiên cứu, bà Thảo cho rằng, sửa đổi nội dung các quy định, nghị định về đất đai cần thực hiện trên cơ sở đảm bảo quyền đất đai của người dân, đảm bảo thời hạn sử dụng đất nông nghiệp hợp lý. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích kinh tế nông hộ trong nông nghiệp (thay vì chỉ khuyến khích doanh nghiệp), hạn chế các can thiệp hành chính phi thị trường và tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi nghề nghiệp sang các ngành công nghiệp và nông nghiệp một cách bền vững.
Ngoài ra, cần thực hiện các chính sách phát triển kinh tế nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho ngành nông nghiệp, như chính sách thúc đẩy đầu tư, ưu đãi tín dụng, bảo hiểm, đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp và tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp…
Cũng tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa thu 2019 tổ chức ngày 29/10 vừa qua, TS. Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết, mức phí và thuế liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bị áp chung như các bất động sản khác.
Doanh nghiệp tư nhân trong nước không được giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp, mà chỉ được thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp, quyền tài sản đối với đất nông nghiệp chưa được đảm bảo như các loại đất khác.
Chưa có quy định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất linh hoạt giữa các loại đất trong nội bộ ngành nông nghiệp, chưa có các quy định cụ thể về hướng dẫn việc chuyển đổi mục đích sử đụng đất từ nhóm đất nông nghiệp sang đất cho chăn nuôi và vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp quy mô lớn của nông dân.
TS. Trần Công Thắng đề xuất bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử đụng đất nông nghiệp và sử dụng hạn mức nhận chuyển nhượng hiện nay, làm mức khởi điểm để đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp theo kiểu lũy tiến.
Bên cạnh đó, cần có quy định và giám sát chặt chẽ diện tích tối thiểu để tránh tách thửa gây manh mún ruộng đất. Ngoài ra, cần giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp để tăng cường chính thức hóa giao dịch đất nông nghiệp.
Đặc biệt, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khu/cụm/công viên/trung tâm công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp thông qua việc thuê đất nông nghiệp hoặc liên kết với trang trại, hợp tác xã. Hệ thống quản lý đất điện tử cần được xây dựng để cung cấp thông tin số hóa về quyền sử dụng đất và giao dịch nhằm minh bạch thị trường./.