Aa

Chờ ngân hàng giảm lãi vay

Thứ Tư, 28/04/2021 - 06:20

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong ngày 23/4 có 5 ngân hàng tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2021 (ĐHĐCĐ), trong đó, hầu hết các nhà băng đều "khoe" con số lợi nhuận quý I tăng mạnh và đưa ra mục tiêu lợi nhuận cả năm tăng cao.

Tiếp tục kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận tăng cao

Đơn cử, kết thúc quý I/2020, SeABank ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 698,3 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trên cơ sở đó, nhà băng này đưa ra mục tiêu cả năm tăng mạnh lên mức 40%.

Tương tư, tại HDBank, lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong quý I, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 2.100 tỷ, tăng 68% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ vượt 1.800 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng đạt 197.970 tỷ đồng, tăng 5,2% với động lực tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh chính.

Năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 7.281 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. 

Còn tại TPBank, lãnh đạo ngân hàng cho biết, lợi nhuận trước thuế 3 tháng đầu năm đạt 1.422 tỷ đồng, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 26% kế hoạch năm. Tín dụng tăng khoảng gần 5%. Mục tiêu năm 2021 lợi nhuận trước thuế đạt 5.800 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với kết quả đạt được trong năm 2020.

Tại ĐHĐCĐ, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank khẳng định, ngân hàng tự tin hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2021 với mục tiêu đặt ra lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt mức 4.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020.

Trong khi đó, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I ước đạt trên 8.000 tỷ đồng, gồm phí trả trước từ hợp đồng bancassurance, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước. Tín dụng tăng 3,7%, tăng cao nhất về giá trị trong số các ngân hàng. Ông Thành cho rằng với kết quả quý I, Vietcombank tự tin có thể hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm khiêm tốn hơn các ngân hàng trên, tăng 11% (ước tính đạt 25.580 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 25.000 tỷ đồng (có điều chỉnh theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính).

Chờ ngân hàng giảm lãi vay
Ảnh minh họa

Còn dư địa giảm lãi vay

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh ngân hàng trong quý I/2021 cho thấy dư địa giảm lãi suất vẫn còn khá lớn. Lãnh đạo các ngân hàng cũng khẳng định, nhờ lợi nhuận tăng trưởng và các khoản nợ xấu trước đó đã được trích lập dự phòng đầy đủ.

Cùng với đó là việc NHNN ban hành Thông tư 03 cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ ngày 23/1/2020 đến hết năm 2021, các ngân hàng có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, trong năm 2020 ngân hàng đã cơ cấu hơn 6.000 tỷ đồng nợ cho khách hàng theo Thông tư 01, đến giờ còn hơn 1.200 tỷ. “Kể cả việc trích lập dự phòng theo Thông tư 03 thì ảnh hưởng đến lợi nhuận khoảng 430 tỷ”, ông Hưng nói và cho biết, ảnh hưởng của việc giãn nợ, không được dự thu có thể lên đến 400 - 500 tỷ đồng trong năm 2020, nhưng từ quý IV/2020 đa phần khách hàng đã trả được nợ nên lợi nhuận năm 2020 và 2021 của ngân hàng không bị ảnh hưởng.

Trên cơ sở đó, TPBank cho biết, trong năm nay sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Sacombank cho biết, trong năm 2020 ngân hàng đã cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí hơn 8.300 tỷ theo Thông tư 01 của NHNN và triển khai 44.500 tỷ các gói tín dụng ưu đãi dành cho cá nhân và doanh nghiệp. “Trong năm nay ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của NHNN”, lãnh đạo Sacombank cho hay.

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cũng khẳng định, dù gặp khó khăn về Covid-19, HDBank vẫn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh. Trong năm qua, ngân hàng không những tăng trưởng kinh doanh mà còn hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh. Doanh số giải ngân cho đối tượng ưu đãi do dịch Covid-19 là hơn 30.000 tỷ đồng, cơ cấu nợ miễn giảm lãi cho đối tượng ảnh hưởng bởi Covid-19 đến cuối năm có số dư hơn 7.000 tỷ đồng.

Theo Thông tư 03 mới, ngân hàng cần trích lập dự phòng trong 3 năm để giữ an toàn tài chính. Số liệu dự phóng của ban lãnh đạo dự kiến trích lập dự phòng gần 180 tỷ đồng, đây không phải là con số lớn và đảm bảo đã nằm trong dự phóng của ban điều hành để hoàn thành lợi nhuận năm nay.

Với tình hình kinh tế phục hồi thì các đối tượng trên có thể trả dứt điểm, khi đó số dư có thể còn hơn 4.000 tỷ đồng, với tiến độ này thì khả năng cuối năm thì chỉ còn số dư hơn 1.000 tỷ, có khả năng trích lập dự phòng dưới 100 tỷ đồng. Khi đó, ngân hàng sẽ có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top