Aa

Chợ phiên ngày Tết

Chủ Nhật, 26/01/2025 - 09:00

Nếu như, chợ quê đã trở thành một nét văn hóa của làng Việt, thì chợ phiên 27 Tết đã là thành tố thuộc về bản sắc của văn hóa ấy, bất kể miền xuôi hay miền ngược...

Nhà thơ Lê Thành Nghị, một người Xứ Nghệ, sinh ra và lớn lên ở vùng Hạ Can (Hà Tĩnh), cạnh cái chợ quê tên là "Chợ Huyện". Chợ Huyện là chợ họp theo phiên "Cuối năm phiên chợ người đông nghịt" (Chợ Huyện, thơ Lê Thành Nghị).

Chợ phiên không chỉ có ở xuôi. Ở Nghệ An, chợ phiên biên giới Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) đã trở thành "thương hiệu" giao thương, văn hóa Việt - Lào. Gần như các tỉnh miền núi đều có chợ phiên, với tất cả các sắc màu dân tộc. Tôi chưa được đến chợ phiên Nậm Cắn, nhưng biết rằng, trước đây chợ nằm bên địa phận Việt Nam; sau chuyển sang địa phận nước bạn Lào thuộc bản Đỉnh Đam, xã Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng.

Trước đây chợ họp mỗi tháng 2 phiên vào ngày 14 và 29; cách đây 6 năm thì bắt đầu chuyển đổi họp phiên vào chủ nhật hằng tuần. Với người dân vùng biên, phiên chợ là nơi giao thương, mua bán rất thuận lợi. Chợ phiên cũng có thể gọi là chợ hữu nghị giữa cộng đồng dân cư hai nước Việt – Lào nói chung, Nghệ An – Xiêng Khoảng nói riêng.

Chợ phiên ngày Tết- Ảnh 1.

Chợ phiên biên giới Nậm Cắn. (Ảnh: Xuân Hoàng/Báo Nghệ An)

Họa sỹ Đỗ Đức, sinh ra ở Thái Nguyên nhưng "cả đời nghệ thuật" gắn với miền núi phía Bắc. Ông từng kể tôi nghe nhiều về các phiên chợ vùng cao đến các phiên chợ đặc biệt như "Chợ tình Khau Vai". Thực chất hai chữ "chợ tình" gắn với Chợ tình Khau Vai, Chợ tình Sa Pa là do giới truyền thông đặt cho những phiên chợ này ở Hà Giang và Lào Cai. Gốc của nó cũng chỉ là phiên chợ.

Đỗ Đức kể rằng, ở Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) chợ phiên họp vào ngày Tý – Hợi, Phó Cáo thì họp vào ngày Thìn – Tuất, Lũng Phìn thì họp vào ngày Dần – Thân. Điểm khác biệt của chợ phiên so với chợ thông thường chính là ngoài bán đồ ăn thường ngày còn có những sản vật đặc trưng do bà con các dân tộc thiểu số làm ra.

Ở các tỉnh miền núi, đời sống dẫu đã có nhiều thay đổi nhưng người dân vẫn còn lưu giữ được văn hóa chợ phiên. Đặc biệt, vào những ngày cuối năm, chợ phiên thường rất đông vui, náo nhiệt. Chợ vùng cao Pác Nặm (Bắc Kạn) còn bán cả giống trâu, giống bò hoạt động tấp nập suốt 2 đến 3 ngày, chứ không riêng một phiên.

Lại nói về chợ quê, nó cũng có lịch sử, song hành cùng lịch sử dân tộc. Chợ ra đời từ nhu cầu trao đổi hàng hóa của con người, bắt đầu từ khi con người làm ra được nhiều của cải hơn và họ muốn đổi những sản phẩm thặng dư ấy lấy những sản phẩm khác, phục vụ đời sống của mình.

Theo ThS. Nguyễn Bá Huy, trong lịch sử đã có những tài liệu ghi chép về chợ Việt thuở trước như: Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa (chưa rõ tác giả); An Nam tức sự của Trần Phu (sứ giả nhà Nguyên). Tiền bối này đã quan sát và ghi lại những nét sinh hoạt thường nhật của xã hội Việt Nam ở thời điểm năm 1293: "Trong các xóm làng thường có chợ, cứ hai ngày họp một phiên, hàng trăm thứ la liệt". Về lệ lập chợ thời Hồng Đức (1407 - 1497), chúng ta có thể biết như sau: "Nơi nào muốn mở chợ mới để tiện mua bán thì quan phủ, huyện, châu khám xét quả thực tiện lợi cho dân thì tâu lên (...)".

Chợ phiên ngày Tết- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: IT

Sau này, đã có nhiều công trình nghiên cứu về chợ quê truyền thống. Nói thế để thấy, chợ quê đã là một thành tố trong văn hóa Việt. Chợ quê có nhiều hình thức, ở các trung tâm huyện lỵ họp theo ngày; ở các thị tứ (vùng ven) họp theo phiên. Mỗi độ Xuân về, chợ phiên thường họp vào ngày 27 Tết.

Xã hội ngày càng hiện đại, nhịp sống công nghiệp đã "phả" vào "gáy" nông thôn; từ chợ cóc, chợ tạm đến các chợ quy mô, trung tâm thương mại, mua sắm mọc lên khắp nơi thành chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, không vì thế mà chợ phiên – nơi lưu giữ nét đẹp truyền thống mất đi, ngay ở Hà Nội cũng vẫn còn.

Một trong những chợ phiên đặc sắc ở Hà Nội được duy trì đến nay là chợ phiên Quan Nhân (thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân). Theo nhà thơ, TS. Nguyễn Linh Khiếu, hằng năm chợ này cũng họp duy nhất ngày 27 Tết.

"Chợ đã có hàng trăm năm. Đúng nghĩa là một chợ quê", ông cho biết. Ông từng "ngẩn tò te" khi lần đầu tham dự chợ phiên Quan Nhân.

Hình ảnh những ông thợ nặn tò he, với các sản phẩm là hình các linh vật, thậm chí các nhân vật trong hoạt hình, truyện tranh, Youtube; kể cả các bông hoa, nhiều nhất là hoa hồng... nhuộm màu xanh đỏ, bắt mắt trẻ em. Không bố mẹ có con nhỏ nào đi chợ không mua cho trẻ em. Không trẻ em nào được bố mẹ dẫn đi chợ không có một con cầm trên tay. Thưa, tò he được đôi tay khéo léo của người thợ nặn từ bột nếp, được nhuộm đủ màu sặc sỡ.

***

Thời khó khăn, sản vật và nhu cầu cũng ít, đi lại khó khăn (nhất là miền núi) nên từ trong lịch sử con người vùng đất đó quy định "chợ phiên" để dễ gặp nhau trao đổi hàng hóa.

Thời đó, đời sống người dân cơ bản là nghèo, quanh năm lam lũ, vất vả. Giáp Tết, nhà nông bận bịu với đồng áng, ai cũng cố cấy lúa cho xong trước Tết âm lịch. Vì thế, chợ phiên 27 Tết là phiên chợ tập trung hàng hóa, sản vật cần thiết cho Tết Nguyên đán.

Chợ phiên ngày Tết- Ảnh 3.

Chợ phiên Quan Nhân, Hà Nội hằng năm họp duy nhất vào ngày 27 Tết. (Ảnh: Dân Trí)

Trong mỗi gia đình, người phụ nữ là các bà, các mẹ - những người đóng vai trò chính về nội trợ, hậu cần ngày Tết bao giờ cũng sắp xếp để đi chợ phiên. Từ hương thẻ, hương vòng, lá trầu không, vôi ăn trầu, chùm cau, quả bưới, quả trứng gà... để làm mâm ngũ quả; đến câu đối Tết, chùm hoa giấy để trang hoàng phòng khách; cho đến gạo, thịt, nếp, gà, ngan, ngỗng...; tùy theo nhu cầu mâm cỗ, khách khứa của từng gia đình và điều kiện kinh tế mà mua sắm.

Thậm chí, ở chợ phiên Tết, cả heo giống, trâu bò giống – những loài vật rất quan trọng với nhà nông cũng được người nông dân đưa về bán. Nhưng, chợ phiên không chỉ là nơi mua sắm ngày Tết.

Thường, nam thanh nữ tú sau năm đầu tiên rời làng, rời mái trường phổ thông trung học (ngày trước gọi là cấp 3) đến các thành phố, thị xã để học tập đại học, trung cấp hoặc làm công nhân có về Tết đều ra chợ phiên tìm nhau. Như vậy, chợ phiên còn là một địa chỉ văn hóa.

Đối với những người đã có tuổi, chợ phiên bao giờ cũng là một phần của ký ức. "Mai mốt em về đi chợ Huyện/ Mưa bay như bụi phiên đông người/ Ngàn hạt mưa bay ngàn thương mến/ Có nhớ ngày xuống chợ cùng tôi" (Chợ Huyện, thơ Lê Thành Nghị). "Chợ phiên 27 quê nhà/ Bắc – Nam về Tết đều ra tìm người/ Dùng dằng trói buộc nụ cười/ Bánh đa bánh đúc một thời bùa mê" (Chợ phiên 27 Tết, thơ Ngô Đức Hành).

Với chợ phiên vùng cao, mỗi dịp xuân về Tết đến, không khí mùa xuân ngập tràn. Nơi đó không chỉ đầy ắp hàng hoá, bà con cũng nô nức xuống chợ để kịp mua sắm chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy và hẹn gặp nhau ở phiên chợ tới, mà còn nhiều nam thanh nữ tú gặp nhau rồi yêu thầm nhớ trộm. Không ít trong số đó thành đôi lứa, nhờ chợ phiên.

Nếu như, chợ quê đã trở thành một nét văn hóa của làng Việt, thì chợ phiên 27 Tết đã là thành tố thuộc về bản sắc của văn hóa ấy, bất kể miền xuôi hay miền ngược./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top