Aa

Cho vay kinh doanh bất động sản vẫn tăng

Thứ Bảy, 14/10/2023 - 16:08

Trước bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, song dư nợ cho vay kinh doanh ở lĩnh vực này vẫn tăng, cho thấy tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu, đòi hỏi nhà băng thận trọng.

Tín dụng kinh doanh bất động sản tăng gần 19%

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra, tính đến hết tháng 7/2023, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực này đạt hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tăng gần 5% so với cuối năm 2022.

Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 7 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng 18,95%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Theo đánh giá, đây là mức tăng trưởng rất cao, gấp hơn 4 lần mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (4,54%).

Số liệu NHNN đưa ra trước đó cho thấy, tính đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt khoảng 800.000 tỷ đồng.

Như vậy, trong 7 tháng đầu năm 2023, các ngân hàng đã cho các chủ đầu tư dự án vay thêm hơn 150.000 tỷ đồng. Trước đó, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho hay, tín dụng bất động sản đến cuối tháng 6/2023 tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung.

Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng 17,41% vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Nhưng với dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12% so với đầu năm.

Đây cũng là năm đầu tiên dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, cuối năm 2022 tín dụng lĩnh vực này tăng 31,01%.

Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm.

Báo cáo tài chính đưa ra, dư nợ kinh doanh bất động sản tăng mạnh tại một số ngân hàng nửa đầu năm nay, có nơi tăng hơn 88% so với cuối năm trước. Điều này cho thấy, các ngân hàng tiếp tục bơm vốn cho lĩnh vực bất động sản mặc dù tình hình thị trường chưa có nhiều khởi sắc.

Trong đó, tốc độ tăng cao nhất thuộc về SHB, từ cho vay bất động sản khoảng hơn 31.000 tỷ đồng vọt lên hơn 59.000 tỷ đồng, tương đương tăng 88,8%. Sacombank cũng là ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản tăng nhanh, đạt khoảng 56%.

Riêng Techcombank, ngân hàng được cho là quán quân về cho vay bất động sản, tỷ trọng cho vay tại lĩnh vực bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng chiếm khoảng 70% tỷ trọng dư nợ của ngân hàng.

Tính đến cuối quý II/2023, dư nợ tín dụng bất động sản cho khách hàng doanh nghiệp đạt gần 155.000 tỷ đồng, tăng 42,1% so với hồi đầu năm.

Nếu tính cả trái phiếu, dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng đạt 189.000 tỷ đồng, tăng 10,2% so với đầu năm nay. Còn đối với cho vay bất động sản tiêu dùng đạt 166.400 tỷ đồng, giảm 12,7% so với cuối năm 2022.

Cảnh báo nợ xấu bất động sản

Thống đốc NHNN bà Nguyễn Thị Hồng đưa ra lưu ý, về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%).

Trước đó, theo số liệu NHNN đưa ra, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động đến cuối tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%).

NHNN cho biết, tiếp tục kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản.

Đồng thời, NHNN sẽ kiểm tra, kiểm soát việc cấp tín dụng, sử dụng vốn, nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp nội bộ có nguy cơ rủi ro lớn.

Chứng khoán Rồng Việt (DVSC) cũng cho rằng, năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống và sẽ có sự gia tăng nợ xấu, chi phí tín dụng trong vài quý tiếp theo do thị trường bất động sản suy giảm, những rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp còn hiện hữu.

Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngân hàng, khi lĩnh vực này có vấn đề không chỉ ảnh hưởng tăng trưởng tín dụng mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.

Trong khi tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng lại giảm. Tính đến cuối tháng 6/2023. có đến 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm so với đầu năm, với tốc độ giảm bình quân 27%. Trong đó, MB là ngân hàng giảm mạnh nhất từ từ 238% xuống còn 156,1%; TPB giảm từ 135,1% về 60,9%; BIDV từ 216,9% về 152,6%...

TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cũng đưa ra nhận định rằng, chất lượng tài sản của các ngân hàng đang đi xuống, do thị trường bất động sản khó khăn, đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp yếu, nhưng hy vọng sẽ cải thiện dần khi kinh tế hồi phục trở lại.

Theo đánh giá của TS Huân, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi phục, nhưng mới chỉ ấm dần lên thôi chứ chưa thể hồi phục một cách nhanh chóng được mà ít nhất cũng phải đợi đến giữa năm sau thị trường mới phục hồi.

Đồng thời, ông Huân nhấn mạnh, việc hồi phục của thị trường bất động sản cũng tùy thuộc vào từng phân khúc, trong đó có những phân khúc phải mất thời gian 4-5 năm mới hồi phục được, chứ không thể trong một sớm một chiều.

Chẳng hạn như các dự án nằm ở ngoại thành, mang tính chất đầu cơ, bất động sản nghĩ dưỡng cấp cao... Còn đối với phân khúc nhà phố hoặc căn hộ chung cư ở trung tâm nội thành TP.HCM, Hà Nội thanh khoản cao, khả năng sẽ hồi phục nhanh hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top