Aa

Cho vay tiêu dùng có nên siết quá chặt?

Thứ Tư, 10/04/2019 - 06:00

Trong các tọa đàm về cho vay tài chính gần đây, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, mô hình cho vay tiêu dùng đã góp phần tích cực đẩy lùi “tín dụng đen”.

Vì vậy, khi điều chỉnh các chính sách cho vay với lĩnh vực tiêu dùng cũng cần hài hòa các mục tiêu vừa kiểm soát được hoạt động cho vay đồng thời phải đảm bảo sát thực tiễn mới hy vọng mang lại lợi ích cả về kinh tế và hiệu quả xã hội.

Cần bám sát thực tiễn

Được biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng, đang nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn.

Theo các chuyên gia, sau 2 năm đi vào hoạt động, đã đến lúc thông tư cũng cần sửa đổi nhiều điểm chưa phù hợp. Điều ghi nhận là, chỉ trong chưa đầy 1 tháng triển khai, đơn vị soạn thảo đã xây dựng xong bản sửa đổi, bổ sung để lấy ý kiến rộng rãi dư luận. Điều đó, thể hiện sự “hành động” nhanh và cầu thị của NHNN trong việc hoàn thiện các chính sách liên quan đến cho vay nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng.

theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, muốn tín dụng tiêu dùng góp phần giảm thiểu “tín dụng đen” thì các tổ chức tín dụng, công ty tài chính phải đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, muốn tín dụng tiêu dùng góp phần giảm thiểu “tín dụng đen” thì các tổ chức tín dụng, công ty tài chính phải đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều ý kiến chuyên gia cũng lo ngại rằng, có một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Thông tư 43 sắp tới sẽ kiểm soát và siết quá chặt các quy trình cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.

Điểm mới của dự thảo lần này đầu tiên phải kể đến đó là các công ty tài chính phải giải ngân bằng tiền mặt cho bên thụ hưởng (bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ) hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng trên cơ sở hàng hóa, dịch vụ đã cung ứng cho khách hàng để tiêu dùng và theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, quy định này nhằm tách bạch hoạt động cho vay tiêu dùng giải ngân thông qua bên thụ hưởng và cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay, tạo cơ sở kiểm soát việc cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay. Song theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc giải ngân trực tiếp cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ có thể sẽ giúp cho việc kiểm soát dòng tiền cho vay, phòng tránh được rủi ro nhưng không phải dễ thực hiện với tất cả mọi dịch vụ và mọi nhu cầu của khách hàng.

Bởi nếu như với khách hàng vay vốn để mua xe, máy tính hay các thiết bị đồ dùng như ti vi, tủ lạnh, máy giặt… thì có thể dễ dàng thực hiện còn với các nhu cầu vay tiền đi chữa bệnh, đóng học phí, du lịch… sẽ nhiều bất tiện, người dân không mặn mà với công ty tài chính.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, quy định như trên thiếu khả thi vì trên thực tế, có rất nhiều món tiêu dùng một số chi phí mà người dân có nhu cầu như đi du lịch, phải trả tiền khách sạn, tiền làm đẹp… thì công ty tài chính phải giải ngân tiền mặt.

“Như vậy, một số nhu cầu về tiêu dùng phải để cho khách hàng tùy chọn cách sử dụng. Họ có thể thích dùng thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng hoặc bằng tiền mặt. Và đó là quyền lựa chọn của khách hàng”- ông Hiếu nói.

Cơ chế hợp lý sẽ xóa được “tín dụng đen”

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc bổ sung, sửa đổi Thông tư 43 trong lúc này là đáng ghi nhận, là một trong những giải pháp chống tín dụng đen, hạn chế cho vay nặng lãi. Thế nhưng, nếu “siết chặt” quá sẽ khó đạt mục tiêu… Bởi vì, khi đó người tiêu dùng sẽ khó tiếp cận được nguồn vay (nếu so với vay nóng, vay tín dụng phi chính thức) lúc này vô hình trung trở thành “rào cản” cho mục tiêu đã đề ra.

Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, muốn tín dụng tiêu dùng góp phần giảm thiểu “tín dụng đen” thì các tổ chức tín dụng, công ty tài chính phải đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Nếu người đi vay có điều kiện cần một số tiền để tổ chức một bữa tiệc liên hoan hoặc trả tiền viện phí… trong khi tổ chức tín dụng, công ty tài chính bị khống chế 30% giải ngân tiền mặt nên không thể giải ngân được thì có thể họ sẽ đẩy các khách hàng này vào trường hợp đi vay “tín dụng đen” để phục vụ cho chi phí nóng. Chính vì thế, việc giới hạn giải ngân về tiền mặt sẽ không hỗ trợ giải quyết “tín dụng đen” nếu chúng ta có trần khống chế 30%.

TS. Phan Minh Ngọc - Giám đốc Intelligence Service Partners (Singapore) cho rằng: “Người vướng vào tín dụng đen thường là người có nhu cầu vay tiền mặt ngay, chứ không phải là người vay tiền để mua hàng hóa và dịch vụ… Vì thế, siết lại việc cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay của công ty tài chính cũng cần thiết nhưng nếu “chặt quá” thì người dân buộc phải “trông chờ” vào tín dụng đen để giải quyết nhu cầu cấp bách. Lúc đó chủ trương chống tín dụng đen của NHNN sẽ khó thành hiện thực”.

Theo các chuyên gia, dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, trong khi những đóng góp của tiêu dùng đối với tăng trưởng kinh tế là rất tích cực.

Chính vì vậy, khi điều chỉnh các chính sách cho vay với lĩnh vực tiêu dùng cũng cần hài hòa các mục tiêu, vừa kiểm soát được hoạt động cho vay nhưng đồng thời phải đảm bảo sát thực tiễn mới hy vọng mang lại lợi ích cả về kinh tế và hiệu quả xã hội.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top