Aa

Cho vay tiêu dùng có trách nhiệm: Chìa khóa là “số” hóa

Thứ Năm, 27/02/2020 - 15:01

Các công ty tài chính đã và đang nỗ lực cải thiện quy trình và phương thức cho vay, bằng việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ.

Những nỗ lực đó nhằm gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ, từng bước tăng độ phủ cho người dân vay tiền một cách văn minh, hiện đại.

Chỉ cần lướt qua các trang website của các trung tâm thương mại, cửa hàng điện máy, điện thoại..., không khó để thấy những khuyến mại hấp dẫn từ nhà cung cấp sản phẩm cho tới các khuyến mại để “hút” khách vay tiền của ngân hàng và các công ty tài chính (CTTC).

Đơn cử như Home Credit triển khai chương trình khuyến mại đặc biệt “10 phút duyệt vay - Cầu là được ngay” với tổng giá trị giải thưởng gần 700 triệu đồng dành cho khách hàng trên toàn quốc.

Đặc biệt, FE Credit cho vay đến 70 triệu đồng không cần thế chấp, trả góp trong 6 - 36 tháng, đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu chi tiêu đa dạng của người tiêu dùng; sắm đồ điện hoàn tiền 10%; mua xe honda lãi suất sốc từ 0,99%...

“Bùng nổ” cho vay tiêu dùng

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trên toàn hệ thống hiện có 16 công ty tài chính đang hoạt động, trong đó có 12 công ty tài chính tín dụng tiêu dùng như FE Credit, Home Credit, MCredit... Các công ty này cạnh tranh trực tiếp với nhau tại các trung tâm điện máy, cửa hàng, cho vay trực tiếp khi khách hàng mua sản phẩm dịch vụ, phát hành thẻ tín dụng với lãi suất cho vay từ 1,7% tháng tùy theo số tiền vay, thời gian vay. Hệ thống ngân hàng thương mại cũng đang tăng cường chạy đua trong lĩnh vực vay tiêu dùng khi liên kết với các đơn vị bán hàng, cung cấp hàng áp dụng lãi suất bằng 0% trong trường hợp khách hàng sử dụng thẻ tín dụng thanh toán hàng hóa.

Vốn là người bận rộn nhưng lại yêu công nghệ, anh Lương Ngọc H - tranh thủ những phút thư giãn trên cơ quan để tìm hiểu các chương trình khuyến mại đầu năm tại các trung tâm mua sắm và các khoản vay tiêu dùng để có thể có được phương án tài chính phù hợp cho những khoản chi tiêu này. Anh H cho biết: “Tôi đã mạnh dạn tải ứng dụng di động FE Credit để đăng ký khoản vay và ngay lập tức khoản vay của tôi được phê duyệt (trong vòng 15 phút). Tôi không cần phải di chuyển, chỉ cần ngồi một chỗ, ấn điện thoại là có tiền. Với ứng dụng này, tôi còn có thể truy cập vào tất cả các ứng dụng hiện có của công ty tài chính như mở mới thẻ tín dụng, như nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn, thanh toán khoản vay… và quan trọng hơn là kiểm soát được thông tin khoản vay của mình dù ở bất kỳ đâu. Không lo bị quá hạn, lãi suất “cắt cổ” như dư luận phản ánh trong thời gian qua”.

Chìa khóa “số” trong cho vay tiêu dùng

Cầu cao - cung lớn song giới phân tích cho rằng, yếu tố mang lại trải nghiệm dịch vụ tốt cho khách hàng vay tiêu dùng chính là việc các công ty tài chính đã không ngừng hoàn thiện, đầu tư vào công nghệ để gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu thừa nhận, việc số hóa sẽ giúp cho các công ty tài chính phê duyệt khoản vay nhanh hơn, giảm chi phí vận hành. Trong khi đó, khách hàng giải tỏa được cơn “khát vốn” nhưng lại không tốn nhiều thời gian đi lại và hoàn thiện các thủ tục cho khoản vay. Người vay sẽ hoàn toàn chủ động trong “cuộc chơi” này.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia khẳng định: “Cho vay tiêu dùng thường là các món vay nhỏ, nếu sử dụng nhiều nhân lực thì rất tốn kém, chi phí sẽ rất cao. Do đó, cần khuyến khích sử dụng công nghệ để giảm chi phí cho vay và quản lý được rủi ro một cách tập trung. Giảm chi phí cũng là cách giảm lãi suất cho vay tiêu dùng”.

Ông Nghĩa nhấn mạnh, một trong những rủi ro hiện có của thị trường TCTD đến từ phía khách hàng. Người đi vay chưa cân đối được năng lực tài chính của bản thân và khả năng trả nợ trước khi vay, dẫn đến chây ỳ, hoặc cố tình “bùng” các khoản vay tiêu dùng. Việc thiết lập đầy đủ hệ thống cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin để xếp hạng tín nhiệm khách hàng sẽ giúp các công ty tài chính có quyết định chính xác hơn với các khách hàng có “vết đen” trong lịch sử tín dụng.

Về mặt pháp lý, ông Đặng Anh Tuấn, giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân nêu quan điểm, với việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cho vay tiêu dùng sẽ giúp các công ty tài chính phải tăng cường trách nhiệm, đặc biệt là minh bạch thông tin từ thông tin khoản vay, lãi suất, quá trình thanh toán…

Theo ông Tuấn, chiếu theo những quy định của NHNN, việc các công ty tài chính ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi kỹ thuật số của mình như các “ông lớn” FE Credit, Home Credit... đã và đang làm trong thời gian qua phần nào khẳng định sự nghiêm túc của các công ty tài chính đối với chỉ đạo của NHNN trong thông tư 18 vừa ban hành, hướng tới một nền tài chính tiêu dùng bền vững hơn trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top