Được ban hành từ cuối năm 2016 nhưng mới chính thức có hiệu lực từ 15/3/2017, Thông tư 43/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)về việc quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC) được kỳ vọng sẽ là “cú hích” quan trọng đối với sự phát triển của thị trường có giá trị tiềm năng tới 15 tỷ USD này.
Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm xung quanh vấn đề đang được nhiều người quan tâm hiện nay.
- Thưa ông, Thông tư 43 được cho rằng đã cụ thể hóa nhiều khái niệm, quy định về cho vay tài chính tiêu dùng. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về văn bản này?
Đây là văn bản giải thích rõ hơn, giải quyết triệt để các vấn đề về cho vay tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế cần có những yếu tố tạo điều kiện để tăng trưởng mạnh mẽ trở lại như hiện nay.
Trên cơ sở nền kinh tế đang phục hồi, việc khôi phục sức mua là việc làm cần thiết và bắt buộc mà một trong những động lực cốt lõi để thực hiện điều này là cho vay tiêu dùng. Hoạt động này không chỉ tạo điều kiện cho người có nhu cầu tiêu dùng tiếp cận được hàng hóa, dịch vụ mà còn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Như vậy, xét trên cả khía cạnh tiêu dùng và sản xuất thì Thông tư 43 đều có tác động tích cực.
- Bằng Thông tư 43 này, lần đầu tiên, các vấn đề như lãi suất, số tiền cho vay tối đa... được lượng hoá đồng thời một lần nữa khẳng định lãi suất của CTTC được thoả thuận theo Luật các tổ chức tín dụng 2010, ông có bình luận gì về các quy định này?
Quy định này là cần thiết, đảm bảo tính minh bạch cho hệ thống tài chính tiêu dùng. Từ trước tới nay hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC vẫn được áp dụng theo Luật các tổ chức tín dụng, lãi suất cho vay tiêu dùng là lãi suất thỏa thuận giữa bên cho vay và bên đi vay.
Thông tư 43 đã giới hạn số tiền cho vay tối đa không vượt quá 100 triệu và các hoạt động trong khuôn khổ hành lang pháp lý của NHNN đã ban hành. Việc này tạo niềm tin cho người tiêu dùng, họ được bảo hộ bởi các quy định theo đúng pháp luật của nhà nước.
- Ông đánh giá thế nào về các điều khoản của Thông tư 43 liên quan đến việc vận hành CTTC, như thời gian nhắc nợ, thu nợ hay yêu cầu không được đe doạ khách hàng, tránh việc thu nợ kiểu “xã hội đen”?
Biện pháp quản lý này của NHNN theo tôi là bài bản, chặt chẽ và cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người vay, đồng thời giúp các CTTC nâng cao chất lượng phục vụ. Đây có thể coi là biện pháp khắc phục các hậu quả trong quá trình thực hiện trước đây do chưa quản lý chặt chẽ đối với CTTC nên thường xảy ra nhiều rủi ro cho khách hàng, làm giảm niềm tin đối với hoạt động cho vay tiêu dùng cũng như làm cho thị trường thiếu tính bền vững.
- Sau Thông tư 43, theo ông, hành lang pháp lý cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đã đầy đủ chưa?
So với trước, các quy định trong Thông tư 43 đã tiến bộ hơn, khắc phục được những tồn tại, tiến sát với thông lệ quốc tế và sự vận động của thị trường hơn. Tuy nhiên, nếu hỏi hành lang pháp lý đã đủ hay chưa thì tôi nghĩ chắc là chưa vì thị trường này vẫn đang trong giai đoạn phát triển và có thể sẽ còn tiếp tục phát sinh vấn đề mới, chúng ta sẽ bổ sung dần và khắc phục dần các tồn tại ấy để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn
- Lãi suất cho vay tiêu dùng hiện vẫn đang ở mức khá cao so với ngân hàng thương mại, theo ông có giải pháp nào để giải quyết được câu chuyện người dân dưới chuẩn ngân hàng vẫn tiếp cận được nguồn vốn chính thống nhưng lại được hưởng mức lãi suất hợp lý hơn?
Theo thông lệ chung của tất cả các nền kinh tế, cho vay tiêu dùng bao giờ cũng có nhiều rủi ro hơn tất cả các lĩnh vực cho vay khác cho nên lãi suất cao hơn là điều bình thường.
Tất nhiên, cũng cần thừa nhận rằng mức lãi suất này của chúng ta hiện đang cao hơn so với khu vực và thế giới vì lạm phát, sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của chúng ta thấp hơn và lãi suất cho vay đầu vào của các công ty tài chính vẫn cao hơn rất nhiều so với lãi suất huy động đầu vào của các ngân hàng thương mại.
Để giảm được lãi suất cho vay tiêu dùng, chúng ta cần nâng cao trình độ quản lý vốn, sức cạnh tranh của cả CTTC và chính người đi vay.
Thứ hai, ngân hàng và các CTTC cần có chiến lược quản lý tốt hơn nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả, kể cả biện pháp thu hồi nợ hợp lý, tăng thanh khoản, giảm chi phí nội bộ.
Cuối cùng, cần tăng cường sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên, kể cả trong kiểm tra, kiểm soát và sử dụng vốn vay để loại bỏ các chi phí không cần thiết, tạo cơ hội giảm lãi suất.
- Xin cảm ơn ông!